(GD&TĐ) - Đầu tháng 4, sau khi Bộ GD&ĐT công bố sáu môn thi tốt nghiệp THPT năm 2013, các trường THPT cũng bước vào giai đoạn nước rút ôn thi tốt nghiệp. Điều đáng bàn là ở nhiều trường, việc tổ chức ôn thi tạo sự căng thẳng, quá tải không đáng có cho học sinh khối lớp 12.
Với tựa đề “Vào chiến dịch ôn thi”, báo Thanh Niên phản ánh nhiều trường ở TP.HCM và Hà Nội đã kết thúc các môn phụ vào giữa tháng 3. Bài báo dẫn lời nguyên hiệu trưởng một trường THPT tại TP.HCM: “Mục tiêu là để học sinh đậu tốt nghiệp, do vậy kết thúc môn phụ sớm để chuyên ôn tập các môn tốt nghiệp. Đây là hiện tượng chung của các trường, diễn ra từ nhiều năm nay”.
Việc tổ chức ôn thi của các trường cũng “trăm hoa đua nở”. Hầu hết các trường đều tổ chức tăng tiết lên gấp đôi, gấp ba trong giờ chính khóa. Một số trường tổ chức thi thử; có trường ở Hà Nội thi thử đến bốn lần. Có trường tổ chức truy bài vào mỗi buổi sáng, học sinh phải tới trường trước tiết học đầu 30 phút. Có trường tư thục tổ chức truy bài đến 11 giờ đêm; đến 4 giờ sáng lại truy bài tiếp...
Nhiều học sinh cho biết hàng ngày phải đối diện với truy bài, tăng tiết… khiến các em thấy căng thẳng. Học sinh có sức học trung bình cảm thấy quá tải, mệt mỏi. Việc ôn tập theo kiểu “nước rút” còn đẩy học sinh vào tình trạng học lệch, học tủ để kịp đối phó với kỳ thi.
Để chấn chỉnh kiểu ôn thi lệch lạc này, ngay từ đầu tháng 4 Bộ GD&ĐT đã ra thông báo hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT 2013 gửi cho các sở GD&ĐT, yêu cầu chỉ đạo các trường THPT hoàn thành chương trình lớp 12 theo đúng kế hoạch. Các trường tuyệt đối không được cắt xén chương trình các môn phụ, dồn tiết cho các môn thi; không làm học sinh căng thẳng, quá tải vì ôn thi tốt nghiệp.
Trên thực tế có nhiều trường không chấp hành đúng chỉ đạo này. Giải thích cho việc làm này hầu hết các trường đều… đổ cho phụ huynh. “Phụ huynh yêu cầu tổ chức ôn thi cho con em họ để mong có kết quả tốt. Đây là yêu cầu chúng tôi không thể không làm”, một hiệu trưởng nói.
Phụ huynh thì luôn yêu cầu ôn tập thật tốt cho con em họ. Đó là yêu cầu chính đáng. Tuy nhiên, việc tổ chức ôn tập như thế nào để vừa đạt kết quả cao vừa không gây căng thẳng cho học sinh là công việc thuộc về nghiệp vụ của trường. Tiếc thay, nhiều trường đã không làm như vậy, mà ngược lại cắt xén các môn không thi, dồn tiết cho môn thi, tổ chức tăng tiết, truy bài, thi thử… Làm vậy, nhà trường vừa làm hài lòng phụ huynh vừa tăng thêm thu nhập qua việc “dạy thêm hợp pháp”. Với cách làm mang tính “lợi ích nhóm” này, các trường thật khó lòng cưỡng lại việc làm sai trái của mình.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT là nhằm đánh giá học sinh theo chuẩn kiến thức, kỹ năng do Bộ GD-ĐT ban hành. Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD&ĐT, khẳng định: Đề thi tập trung vào chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Nếu các trường dạy đủ số tiết trong phân phối chương trình và tổ chức ôn tập theo đúng hướng dẫn thì không đáng lo. Kết quả thi tốt nghiệp THPT các năm qua đã chứng minh điều này.
Như vậy, việc tạo ra căng thẳng trước kỳ thi thuộc về trách nhiệm của các trường. Thực tế cũng cho thấy có nhiều trường tổ chức ôn thi nhưng không tạo ra áp lực cho học sinh. Ngay từ đầu năm học, các trường này đã thực hiện giờ học nghiêm túc, giáo viên quan tâm theo dõi tình hình học tập của học sinh. Việc kiểm tra được rải đều trong năm. Cũng ngay từ đầu năm, nhà trường đã tư vấn kỹ cho các em là không có môn chính, môn phụ mà môn học nào cũng quan trọng, cần thiết. Bởi vậy khi công bố các môn thi các em không thấy bỡ ngỡ.
Vấn đề quan trọng là định hướng cho các em có một thái độ ôn thi đúng đắn, vì sau lưng các em còn nhiều kỳ thi khác quan trọng hơn.
Từ Nguyên Thạch