Càng chậm càng lãng phí

GD&TĐ - Triển khai Chương trình mới, một trong những vấn đề nóng được nhiều địa phương khẩn thiết báo cáo là tình trạng thiếu trang thiết bị dạy học.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Đáng chú ý, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là những rườm rà, rối rắm trong thủ tục hành chính, tài chính liên quan đến việc đấu thầu, thẩm định giá, mua sắm tập trung…

Tại TPHCM, từ năm 2018, việc mua sắm máy vi tính để bàn phục vụ giảng dạy, học tập tại các cơ sở giáo dục phải thực hiện theo thủ tục mua sắm tập trung. Các cơ sở giáo dục đăng ký nhu cầu gửi về cơ quan chủ quản là sở GD&ĐT, UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện đăng ký nhu cầu theo thông số kỹ thuật và đơn giá được UBND TP phê duyệt gửi về Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản để tổ chức đấu thầu tập trung lựa chọn đơn vị cung cấp theo quy định. Rất nhiều phòng máy của trường học ở TPHCM được đầu tư từ hơn 10 năm trước, hiện chạy chậm, kết nối mạng lúc được, lúc mất cũng được đề xuất trang bị lại theo chương trình này. Thế nhưng đã 2 năm trôi qua, với bao thủ tục giấy tờ, nhiều trường vẫn chưa nhận được máy.

Đăk Nông cũng là tỉnh gặp nhiều khó khăn do thiếu trang thiết bị dạy học. Nguyên nhân do trên địa bàn tỉnh, các đơn vị chỉ báo được một số mặt hàng, chưa có đơn vị nào có thể cung cấp đầy đủ báo giá. Tỉnh cũng chưa có đơn vị làm công tác thẩm định giá và kiểm định chất lượng một số hàng hóa. Vì thế, công tác mua sắm bị tắc.

Báo cáo của Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy số lượng các đơn vị thẩm định được niêm yết trong danh sách trên cổng thông tin của Bộ Tài chính có giới hạn. Trong khi đó, khi thực hiện thẩm định giá, một số đơn vị không đầy đủ danh sách thiết bị theo yêu cầu, các cơ sở có nhu cầu lại phải mời đơn vị khác, rất mất thời gian.

Ngoài ra, nhiều vụ án trong đấu thầu trang thiết bị giáo dục ở Quảng Ninh, Thanh Hóa, Điện Biên… được khởi tố thời gian gần đây cũng khiến nhiều lãnh đạo, các đơn vị thẩm định giá có tâm lý thận trọng hơn, khiến tiến trình mua sắm trang thiết bị chậm lại. Tại Cà Mau, không chỉ mất thời gian với quy trình mua sắm vốn đầu tư công, đấu thầu qua mạng, việc tìm đơn vị tư vấn thẩm định giá để lập hồ sơ mua sắm cũng khó khăn, vì các đơn vị còn e dè, ngán ngại.

Cho đến nay, trong khi chờ đợi thiết bị được cấp, ngành Giáo dục các địa phương đã nỗ lực để tranh thủ thiết bị sẵn có, thiết bị tự làm, nguồn xã hội hóa, thuê máy tính… bảo đảm việc dạy và học theo chương trình mới. Những nỗ lực này rất đáng ghi nhận, nhưng cũng không thể vì thế mà công tác đầu tư trang thiết bị dạy học, với sự phối hợp liên ngành, cứ giẫm chân tại chỗ. Bởi thực tế cho thấy, nhiều thiết bị, nhất là nhóm công nghệ, càng chậm trễ mua sắm thì càng trở nên lạc hậu, lãng phí.

Giáo viên Tin học một trường THCS tại TPHCM cho biết hai năm trước trường đề xuất máy mới nhất, cấu hình mới nhất, nhưng đến nay máy chưa về thì cấu hình đó đã lạc hậu. “Nếu tiếp tục theo kiểu mua sắm tập trung máy tính với những rối rắm như hiện nay thì khi máy tính về đến trường cũng đã bỏ xa công nghệ ngoài cuộc sống rồi. Vậy, chúng ta làm sao dạy học sinh cái mới nhất được”, giáo viên tâm tư.

Các quy trình, thủ tục trong mua sắm tài sản công hay hợp tác công tư là cần thiết để giảm thiểu những vi phạm, gây thất thoát tài sản Nhà nước. Thế nhưng đối với trang thiết bị dạy học, đặc biệt nhóm sản phẩm công nghệ, cũng cần cập nhật, kịp thời mới hiệu quả. Để nhà trường sớm có thiết bị dạy học, đáp ứng Chương trình GDPT 2018, song song với việc tăng cường hướng dẫn công tác mua sắm, cũng cần xem xét phân loại trang thiết bị để đưa vào danh mục mua sắm tập trung hay cho đơn vị thụ hưởng đấu thầu rộng rãi theo nguyên tắc tài chính. Đề xuất gần đây của Sở GD&ĐT TPHCM rằng máy tính để bàn phục vụ dạy học trong nhà trường không thuộc danh mục mua sắm tập trung là một gợi mở đáng chú ý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.