Thiếu thốn từ cơ sở
Thầy Hà Ánh Hùng – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Pa Ủ, huyện Mường Tè, Lai Châu chia sẻ: Năm học tới để triển khai dạy học lớp 2 theo Chương trình GDPT mới hiệu quả, trường sẽ đón toàn bộ HS lớp 2 tại 11 điểm trường lẻ về học tập, bán trú tại trường chính. Như vậy, số lượng HS lớp 2 năm học tới sẽ tăng lên (99 HS) và kéo theo hàng loạt thiếu hụt cơ sở vật chất.
Tại trường chính sẽ thiếu ít nhất 2 phòng học, 1 nhà bếp, 1 phòng bán trú cho 40 HS. Cùng đó, trang thiết bị dạy học tại trường chính cũng mới bảo đảm tối thiểu cho số HS đã học tại đây.
Thầy Ngô Văn Ninh - Hiệu trưởng Trường THCS Pò Tấu (Trùng Khánh – Cao Bằng) bày tỏ: Trường thuộc vùng khó của huyện, trang thiết bị dạy học mới chuẩn bị cho lớp 6 vẫn đang rà soát và đề xuất nên chưa biết sẽ thiếu, đủ tới đâu. Tuy nhiên, điều tôi lo lắng hằng năm trường đều rà soát và đăng ký trang thiết bị mới để đáp ứng việc dạy học nhưng số lượng được cấp không mấy khi đủ như đăng ký. Thiết bị dạy học thiếu sẽ mang lại không ít khó khăn cho GV và HS ở năm đầu tiên triển khai Chương trình GDPT mới….
Năm học tới, Trường THCS Pò Tấu có 3 lớp 6 (tăng 1 lớp so với năm học trước). 99% HS thuộc dân tộc (Tày, Nùng). Việc kêu gọi xã hội hóa giáo dục gần như bất khả thi bởi phụ huynh khó khăn, doanh nghiệp, công ty nhà máy lớn lại không đóng trên địa bàn huyện.
Trang thiết bị dạy học cũng là “bài toán” khó giải đối với giáo dục nhiều địa phương trong đó có huyện Vân Hồ (Sơn La). Ông Phạm Thanh Hải – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vân Hồ cho hay: Hiện, ngân sách mua sắm thiết bị dạy học mới chỉ đáp ứng được 50% và dành cho thiết bị cơ bản, tối thiểu.
Tại huyện Vân Hồ, các lớp học có máy tính, máy chiếu, màn hình tivi… rất hạn chế. Nếu có chỉ ở các trường trung tâm còn 100% điểm trường lẻ chưa được trang bị. Trong khi số lượng HS lớp 2 học tại các điểm trường lẻ, chưa được dồn về điểm chính còn không ít.
Thầy Dương Văn Đông – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Ngọc Long (Yên Minh – Hà Giang) cũng khẳng định: Ưu tiên triển khai Chương trình GDPT mới nên phòng, lớp học đã đủ nhưng trang thiết bị dạy học đặc biệt sách giáo khoa (SGK) còn thiếu. Trường có khoảng 60% HS được phát SGK (theo chính sách), còn lại 40% HS phải tự mua. Đáng nói, dù không thuộc diện nghèo, thì việc phải tự mua sách vẫn là vấn đề nan giải với nhiều gia đình học sinh.
Về màn hình, máy chiếu, máy tính… cũng chỉ có số lượng nhỏ và lắp ở trường chính. 19 điểm trường lẻ có HS lớp 2 với hơn 200 HS gần như “trắng” thiết bị dạy học hiện đại.
Tháo gỡ tình thế
Theo Trưởng phòng GD&ĐT Sa Pa (Lào Cai) – ông Đỗ Văn Tân, từ nay đến trước khai giảng năm học mới, ngành Giáo dục Sa Pa được bàn giao hơn 100 phòng học mới theo chương trình xóa phòng học tạm của tỉnh. Như vậy phòng học triển khai lớp 2, lớp 6 đã đủ.
Tuy nhiên, thiết bị đồ dùng dạy học mới chỉ được trang bị cơ bản nên vẫn còn thiếu về số lượng và chủng loại. Để tháo gỡ vấn đề trên, ngành sẽ triển khai trên tinh thần tận dụng thiết bị hiện hành còn phù hợp với chương trình mới theo hướng dẫn của Bộ. Mặt khác, rà soát thiết bị dạy học dùng chung của lớp 1 và lớp 2, cái nào có thể lồng ghép sử dụng được sẽ tiếp tục sử dụng. Cùng đó, chỉ đạo các nhà trường kêu gọi xã hội hóa để hoàn thiện hơn về trang thiết bị dạy học. Đề nghị tỉnh và sở cấp kinh phí để hỗ trợ đầu tư, tăng cường trang thiết bị dạy học…
Từ thực tế khó khăn của trường, thầy Hà Ánh Hùng bày tỏ: Nếu không có kinh phí để xây dựng kiên cố 2 phòng học, phòng bán trú, phòng bếp… trước năm học mới, nhà trường buộc phải dựng tạm bằng tôn để HS có chỗ học và ở ngay khi vào trường.
Tuy nhiên, điều đáng lo lắng là thời tiết khí hậu nơi đây khắc nghiệt, mưa to, giông gió, nắng gắt, lạnh buốt… những lớp học và phòng ở tạm khó bảo đảm an toàn. Việc dạy học và sinh hoạt không chỉ GV và HS vất vả mà ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng trước yêu cầu đổi mới.
Thầy Ngô Văn Ninh chia sẻ cách tháo gỡ thiết bị dạy học đối với HS lớp 6: 3 lớp 6 vào học trong 3 lớp đã được lắp máy tính, máy chiếu… của HS lớp 8, 9. Khi kinh phí cho trang thiết bị dạy học được cấp về, trường tiếp tục đầu tư cho HS các khối lớp còn lại.
Ông Phạm Thanh Hải cũng cho biết cách tháo gỡ khó khăn trang thiết bị dạy học chủ yếu là tận dụng thiết bị cũ còn dùng được. Thiết bị chưa đủ, chưa có, GV tạm thời “dạy chay” cho tới khi có ngân sách địa phương cấp cho các nhà trường.
Việc huy động GV tự làm đồ dùng dạy học theo ông Hải khó và không khả thi bởi thiết bị dạy học mang tính khoa học, đòi hỏi chính xác nên GV khó đáp ứng. Việc xã hội hóa giáo dục đối với 97% phụ huynh người dân tộc, đời sống khó khăn dù triển khai cũng không đạt được mong muốn.