(GD&TĐ)-Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá chương trình bình ổn giá của Chính phủ với một số Bộ, ngành và 36 tỉnh, thành trên cả nước diễn ra ngày hôm nay (16/5).
Đến nay, số lượng điểm bán hàng bình ổn của cả nước đã đạt khoảng 6.400 điểm bán, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 4.230 điểm, Hà Nội có 688 điểm. Đối tượng mặt hàng và thời gian thực hiện chương trình bình ổn không ngừng được mở rộng. Từ chỗ chỉ tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong các dịp Tết Nguyên đán, đến nay chương trình đã bình ổn đối với cả các mặt hàng giấy vở học sinh, dược phẩm, sữa và thời gian thực hiện chương trình kéo dài gần hết cả năm. |
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong nhiều năm qua, để hạn chế sự tăng giá đột biến trong những dịp lễ tết, nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai khá tốt chương trình bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu. Chương trình đã thực sự đem lại hiệu quả thiết thực, số DN và tổng giá trị hàng hóa tham gia triển khai chương trình ngày càng tăng và đa dạng phong phú về các mặt hàng.
Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, biện pháp thực hiện chương trình bình ổn thị trường chủ yếu là chính quyền địa phương tạm ứng vốn ngân sách với lãi suất 0% hoặc sử dụng ngân sách hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng cho các doanh nghiệp lựa chọn tham gia chương trình. Các doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức sản xuất, kinh doanh, dự trữ lượng hàng hóa đảm bảo số lượng, chất lượng, giá cả và các điều kiện khác. Doanh nghiệp đăng ký giá và cam kết bán hàng bình ổn với giá bán thấp hơn giá thị trường 5% - 10%. Thời gian thực hiện chương trình khoảng 4 – 5 tháng dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Một số địa phương thực hiện cả năm như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Kết thúc thời gian thực hiện, doanh nghiệp có trách nhiệm thu hồi vốn, hoàn trả lại ngân sách địa phương. Chương trình bình ổn giá bắt đầu thực hiện từ năm 2002 tại thành phố Hồ Chí Minh, năm 2008 thực hiện ở một số địa phương như Hà Nội, Bắc Giang, Thái Nguyên… Đến năm 2010, bắt đầu thực hiện ở các địa phương khác.
Mức độ xã hội hóa của chương trình ngày càng mạnh mẽ. Từ chỗ 100% các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn nhận vốn vay (trong những năm đầu triển khai) đến nay đã có khá nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn mà không cần ứng vốn vay của Nhà nước.
Tuy nhiên, chương trình nảy sinh một số hạn chế như kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ so với tổng mức lưu chuyển hàng hóa bình ổn trên địa bàn. Tại nhiều địa phương, điểm bán hàng mới tập trung ở các trung tâm thương mại, đô thị lớn, đối với nông dân, người thu nhập thấp tập trung ở vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện tiếp cận. Chương trình chưa có sự gắn kết với các đề án, chương trình bổ sung như phát triển kinh tế xã hội địa phương, liên kết giữa sản xuất – lưu thông – bán lẻ, hệ thống phân phối, cửa hàng bán lẻ. Mặt khác, do giá bán hàng bình ổn thường thấp hơn giá thị trường nên vô hình chung hình thành cơ chế 2 giá, tạo kẽ hở cho tư thương đầu cơ, mua đi, bán lại hàng bình ổn nhằm hưởng chênh lệch… Hiện cả nước còn 15 tỉnh, thành chưa có điều kiện triển khai chương trình
Đi đầu trong triển khai chương trình bình ổn giá là TP.HCM. Năm 2002, với quy mô ban đầu chỉ 2 DN triển khai dự trữ hàng hóa dịp Tết Nguyên đán với số lượng vốn vay là 45 tỷ đồng. Đến nay Chương trình bình ổn giá của TP.HCM đã tăng lên 20 DN tham gia và với vốn vay là 446 tỷ đồng.
Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải tặng hoa chúc mừng đại diện các doanh nghiệp thực hiện tốt chương trình tại TPHCM. Ảnh: Thanh Tâm |
Đặc biệt trong Chương trình bình ổn giá các địa phương đã kết hợp tốt với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tập trung xúc tiến thương mại nội địa, các mặt hàng trong nước…từ đó góp phần vào thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước. Đối tượng mặt hàng và thời gian thực hiện chương trình cũng không ngừng được mở rộng, từ chỗ chỉ tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm dịp Tết, đến nay chương trình đã bình ổn đối với các mặt hàng thiết yếu khác như giấy vở, dược phẩm, sữa,... và thời gian thực hiện chương trình kéo dài gần hết cả năm.
Giá bán các mặt hàng bình ổn tại hệ thống phân phối của các DN tham gia chương trình bình ổn tại các địa phương được giữ tương đối ổn định và đảm bảo thấp hơn giá các sản phẩm cùng loại trên thị trường từ 5-10%, 2 năm liên tiếp, CPI 2 TP lớn đều thấp hơn CPI cả nước, điều này đã tạo định hướng rất tốt cho thị trường toàn quốc và các tỉnh lân cận góp phần hạn chế tăng mức giá chung, nhất là trong dịp lễ tết…
Bên cạnh các kết quả, tác động tích cực, phát biểu từ các địa phương, các tập đoàn, doanh nghiệp thương mại tham dự chương trình đi sâu phân tích những phương hướng mới, các vấn đề còn tồn tại, vướng mắc cần được điều chỉnh trong triển khai thời gian tới.
Đó là yêu cầu mở rộng hơn nữa diện "phủ sóng" của chương trình, các điểm bán hàng bình ổn giá, nhất là khu vực nông thôn; công tác phối hợp giữa các bên để tạo nguồn hàng ổn định, giá hợp lý hơn; việc hỗ trợ vốn vay mới tập trung cho một bộ phận DN phân phối, chưa mang tính phổ biến và nhất là tới cả các DN sản xuất; việc tổ chức phê duyệt giá bán chưa tốt ở nhiều nơi gây sự hiểu sai về chương trình hoặc tạo kẽ hở cho tư thương đầu cơ, hưởng chênh lệnh giá...
Tại Hà Nội, UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt Kế hoạch bình ổn các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2012 nhằm cân đối cung cầu, hạn chế việc tăng giá.
Mặt hàng cần bình ổn mang tính nhạy cảm về cung cầu, giá cả nhưng thành phố khó chủ động về số lượng và nguồn hàng cung ứng một cách ổn định, như gạo tẻ; gia cầm, gia súc và các thực phẩm chế biến, thủy hải sản tươi, đông lạnh; dầu ăn; đường RE; rau củ tươi và giấy vở học sinh.
Tổng số vốn thực hiện cho chương trình bình ổn là hơn 370.000 tỷ đồng, đáp ứng bình quân 8% nhu cầu cả 10 nhóm mặt hàng thiết yếu. Ngoài ra, Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp bằng các nguồn vốn khác chủ động tăng mức dự trữ đảm bảo tổng lượng hàng dự trữ đáp ứng được khoảng 20% so với tổng mức tiêu thụ của thành phố trong một tháng. Các doanh nghiệp quay vòng vốn liên tục để đảm bảo lượng hàng hóa dự trữ tương ứng với số vốn được đáp ứng trong suốt quá trình tham gia chương trình bình ổn giá.
Nguồn vốn sẽ được lấy từ quỹ dự trữ tài chính Thành phố, được tạm ứng để chuẩn bị nguồn hàng và tổ chức bán ra các mặt hàng bình ổn giá phục vụ nhu cầu từ tháng 5/2012 đến hết tháng 4/2013. Trường hợp thị trường có biến động, mức giá doanh nghiệp được phép điều chỉnh phải thấp hơn 10% giá thị trường. Nếu thị trường giảm giá, đơn vị thực hiện bình ổn chủ động điều chỉnh giảm, gửi thông báo về Sở Tài chính và Sở Công Thương.
Tại Thái Bình, trong năm 2011 và Tết Nguyên đán năm 2012 có 20 doanh nghiệp tham gia với 68 điểm bán hàng bình ổn. Nhiều mặt hàng trong danh mục bình ổn giá: gạo các loại, thực phẩm chế biến, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản đông lạnh.
Hội nghị sơ kết đánh giá chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn giá ở đầu cầu Thái Bình |
Đồng chí Phạm Văn Ca - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu ngành công thương phối hợp với ngành tài chính xây dựng kế hoạch bình ổn giá năm 2012. Trong đó tập trung cho công tác tuyên truyền, tổ chức hội thảo, nêu rõ lợi ích của người sản xuất, người tiêu dùng và doanh nghiệp trong công tác bình ổn giá. Xây dựng mạng lưới bình ổn trên địa bàn tỉnh, tham mưu xây dựng cơ chế chính sách, liên kết giữa sản xuất và lưu thông. Đồng thời tổng hợp đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp tham gia để khi triển khai thực hiện chương tình bình ổn giá đạt hiệu quả cao, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình có đồng chí Trần Đăng Ninh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở Công thương, Tài chính, Nông nghiệp & PTNT và đại diện các doanh nghiệp thực hiện Chương trình dự trữ hàng hóa Bình ổn giá của tỉnh.
Đầu cầu tỉnh Hòa Bình |
Tại Hòa Bình, chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn triển khai từ năm 2009, đến nay đã thực hiện 5 đợt ứng vốn, riêng năm 2011 có 2 đợt ứng vốn với tổng số tiền 100 tỷ đồng. Những nhóm mặt hàng tham gia bình ổn gồm lương thực, thực phẩm, dầu ăn, nước mắm, mì chính, chè, nước giải khát… Có 4 doanh nghiệp tham gia chương trình, tổ chức bán hàng bình ổn ở 16 điểm tại các siêu thị, chợ, cửa hàng trên địa bàn thành phố và các huyện trong tỉnh. Chất lượng, số lượng, giá bán hàng bình ổn đúng theo phương án được duyệt, ổn định suốt thời gian thực hiện. Chương trình cũng được tuyên truyền, quảng bá rộng rãi để nhân dân trong tỉnh nắm bắt thông tin kịp thời. Tỉnh ta đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương sớm có chủ trương chỉ đạo về công tác bình ổn giá hàng năm; hướng dẫn các tỉnh về quy định, phương pháp, cách thức khi thực hiện chương trình. Đề nghị tiếp tục cho thực hiện chương trình vào dịp Tết và những dịp có biến động lớn về quan hệ cung – cầu hàng hóa trên thị trường.
Tại tỉnh Đắk-Lắk, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về bình ổn thị trường và để kịp thời đáp ứng nhu cầu, ứng phó với khi có tình huống xảy ra. Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo, triển khai kế hoạch dự trữ hàng hoá thiết yếu phục vụ trong thời gian trước, trong và sau tết Nguyên đán Nhâm thìn với số kinh phí là 24,5 tỷ đồng trong thời gian 3 tháng. Các mặt hàng dự trữ được tập trung chủ yếu gồm: Muối, gạo, nếp, đường, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm, rau của quả, thuỷ hải sản, bánh mứt kẹo, thực phẩm chế biến (bột ngọt, bột nêm, chả lụa…) và sữa bột
Các doanh nghiệp tham gia thực hiện chương trình bình ổn giá sẽ bán tận tay người tiêu dùng, không tăng giá so với thị trường, công khai giá cả, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, là mặt hàng sản xuất trong nước. Chương trình bình ổn giá cả thị trường đã đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, phù hợp với thị hiếu của từng địa phương, công khai, các doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định như niêm yết đúng giá, trưng bày hàng hoá thuận tiện, niêm yết số điện thoại nhận phản ánh của người dân, hoàn trả kinh phí tạm ứng thực hiện chương trình đúng thời hạn.
Co.op Mart đã tổ chức 8 đợt bán hàng lưu động về 5 huyện, cùng với công tác bán hàng lưu động là các chương trình khuyến mãi, tặng quà, giảm giá nhằm kích cầu đã thu hút số đông dân cư tham quan mua sắm. Mặt hàng muối Iốt đã được HTX Hoà Tiến tổ chức bán tại vùng sâu vùng xa với giá thấp hơn 20% so với thị trường, tuy nhiên cần phải tăng thời gian tổ chức chương trình, quảng bá thông tin để thu hút người dân tham gia mua sắm.
Những giải pháp bình ổn giá cả thị trường đã mang lại kết quả tích cực tạo hiệu ứng tốt trong xã hội, người dân an tâm tin tưởng vào sự ổn định của thị trường, tin tưởng vào sự quan tâm của Nhà nước, từ đó mua hàng hoá với giá cả hợp lý góp phần kiềm chế lạm phát
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận những kết quả, tác động tích cực của các chương trình bình ổn giá thời gian qua. Đặc biệt là các kết quả chỉ tiêu về số địa phương, số doanh nghiệp, điểm bán hàng,... đều tăng lên, trong đó điều đáng mừng là đã tới được khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ giảm giá duy trì được thường xuyên, đáng kể.
Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Chương trình bình ổn thị trường là chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền địa phương, thể hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong điều kiện kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Để thúc đẩy, duy trì hiệu quả hơn nữa Chương trình trong 6 tháng cuối năm 2012 và những năm tiếp theo, các địa phương linh hoạt hơn trong kêu gọi, thu hút doanh nghiệp, hiệp hội tham gia chương trình, nêu cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Cần tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa, đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng hàng hóa. Các tỉnh, thành phố tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân tham gia chương trình phát triển hệ thống bán lẻ. Các Bộ và Chính phủ kiên trì mực tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.
"Đây là một trong những biện pháp đóng góp hết sức quan trọng trong bài toán kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế của Chính phủ và có tác động tích cực đến mục tiêu an sinh toàn xã hội", Phó Thủ tướng nói.
Tán thành với các phân tích, đề xuất của các địa phương, các doanh nghiệp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tới những vấn đề cần tháo gỡ để chương trình bình ổn giá tiếp tục phát huy tác dụng mạnh mẽ và thiết thực hơn nữa trong thời gian tới.
Trong đó, chương trình cần tập trung đẩy mạnh mở rộng đối tượng doanh nghiệp tham gia. Và đặc biệt, nâng cao nhận thức của DN, coi trọng lợi ích cộng đồng trong đó có lợi ích của chính mình, việc bình ổn giá là việc làm thường xuyên và là trách nhiệm xã hội của từng doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng mong muốn: "Thời gian tới, nhiệm vụ quan trọng là vận động mạnh mẽ tinh thần các doanh nghiệp, xây dựng nền văn hóa, nề nếp kinh doanh coi trọng chữ Tín, chung vai chia sẻ với cộng đồng cũng chính là giúp đỡ chính mình, cứu cánh của mình. Nhất là trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, thị trường sức mua suy giảm hiện nay."
Mức độ xã hội hóa của chương trình ngày càng mạnh mẽ. Từ chỗ 100% các DN tham gia chương trình bình ổn nhận vốn vay, đến nay đã có khá nhiều DN tham gia chương trình mà không cần ứng vốn hoặc tự tăng thêm khá nhiều giá trị hàng hóa đưa vào bình ổn.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định Chính phủ, các Bộ, ngành sẽ tiếp tục tạo điều kiện về mặt chủ trương, cơ chế để các địa phương thực hiện chương trình bình ổn, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng cơ chế đảm bảo chất lượng hàng hóa, quản lý phân phối hàng hóa, thường xuyên cập nhất, thể chế hóa các chương trình thành các quy định chặt chẽ.
Trên tinh thần đó, các địa phương hết sức ưu tiên hỗ trợ phát triển hệ thống bán lẻ, các điểm bán hàng bình ổn, kiên định, bám sát mục tiêu kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô trong điều hành quản lý thị trường, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền và có chính sách đi kèm nhằm đẩy mạnh hơn nữa quá trình xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội tham gia chương trình bình ổn.
Đối với một số đề xuất của địa phương, doanh nghiệp, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương tiếp thu, có hướng giải quyết như vấn đề lập quỹ bình ổn giá ở địa phương, biện pháp kiểm soát các mặt hàng "nhạy cảm" như gạo, muối, đường, VLXD.
Ngọc Khánh-Bùi Minh-Nguyễn Thành