Cẩn trọng với thực phẩm chức năng trên mạng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trên không gian mạng hiện không khó để tìm kiếm những thực phẩm chức năng với nhiều mức giá khác nhau, nhưng nguồn gốc thì chỉ người bán biết.

Cục Quản lý thị trường TPHCM kiểm tra và xử lý những sản phẩm nhập lậu, thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ vào tháng 5/2023. (Ảnh: Cục QLTT)
Cục Quản lý thị trường TPHCM kiểm tra và xử lý những sản phẩm nhập lậu, thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ vào tháng 5/2023. (Ảnh: Cục QLTT)

Bát nháo quảng cáo thực phẩm chức năng

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thời gian qua, lực lượng chức năng trong cả nước đã liên tiếp ra quyết định xử phạt các cá nhân, doanh nghiệp quảng cáo “thổi phồng” công dụng thực phẩm chức năng.

Nhiều đối tượng còn kết nối với các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân để tổ chức giới thiệu, quảng bá và bán các loại thực phẩm chức năng trong khi chưa được sự cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Đặc biệt, các sản phẩm không chỉ được kinh doanh tại các nhà thuốc, mà còn được rao bán, quảng cáo trên nhiều sàn thương mại điện tử, trên các mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok, YouTube… với vô vàn chủng loại khác nhau.

Mới đây, Công an huyện Tân Yên (Bắc Giang) phối hợp cùng nhiều đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Bắc Giang đã triệt phá ổ nhóm mạo danh bác sĩ lừa bán thực phẩm chức năng.

Theo đó, giá nhập thực phẩm chức năng của doanh nghiệp và nhóm đối tượng lừa đảo này chỉ 30 đến 40 nghìn đồng/hộp, nhưng bán cho người bệnh với giá từ 1 đến 3 triệu đồng/hộp tùy theo loại bệnh.

Chỉ tính riêng từ tháng 10/2022 đến ngày 15/12/2023, nhóm đối tượng này đã bán khoảng 80 nghìn đơn hàng thực phẩm chức năng giả cho hơn 20 nghìn bị hại ở khắp cả nước, thu lợi bất chính gần 75 tỷ đồng.

Theo thống kê của Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam, hiện nay, số người sử dụng thực phẩm chức năng ở nước ta để chăm sóc, bảo vệ, tăng cường sức khỏe chiếm khoảng 60% dân số trên 18 tuổi. Nhu cầu sử dụng không ngừng tăng cao khiến thị trường kinh doanh thực phẩm chức năng luôn sôi động.

Ngoài hàng nghìn sản phẩm thực phẩm chức năng nhập ngoại, cả nước hiện có khoảng 3.100 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, cung cấp ra thị trường trên 12.000 sản phẩm các loại. Các mặt hàng thực phẩm chức năng và thực phẩm bảo vệ sức khỏe trong nước sản xuất đang chiếm khoảng 70% trên thị trường.

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM cho biết, trước nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng của người dân tăng cao, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước không đăng ký với cơ quan quản lý, mà tự công bố hoặc có đăng ký nhưng sản xuất đưa ra thị trường các sản phẩm với chất lượng khác với đăng ký.

Ngoài ra, cùng với sự phát triển của truyền thông, một số loại thực phẩm chức năng hiện đang được thổi phồng về chất lượng, không đúng giá trị sử dụng, khiến người dân rơi vào tình cảnh loạn thông tin.

Bà Lan cũng cho rằng vấn đề quản lý và xử phạt quảng cáo sai sự thật về thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng là một nhiệm vụ quan trọng để bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.

Các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng để đảm bảo chất lượng, an toàn sản phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng. Đồng thời, các đơn vị cũng cần xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi kinh doanh, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng và quảng cáo sai sự thật.

Một loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe bị Cục An toàn thực phẩm cảnh báo vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo vào tháng 7/2023. (Ảnh: Cục ATTP)

Một loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe bị Cục An toàn thực phẩm cảnh báo vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo vào tháng 7/2023. (Ảnh: Cục ATTP)

Xử lý hình sự nếu tái phạm

Theo luật sư Bùi Thị Lệ Hằng, Đoàn Luật sư TPHCM, hiện nay tình trạng các tổ chức, cá nhân quảng cáo các sản phẩm có tác dụng như thuốc nhưng không phải thuốc; quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng chưa được phép lưu hành như thần dược, sai sự thật gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Nhiều quảng cáo không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung hay không đúng nội dung đã được xác nhận. Thậm chí nhiều đối tượng còn lợi dụng lời nói, hình ảnh của giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, dược sĩ, bệnh nhân, nghệ sĩ để tạo niềm tin.

“Quảng cáo sai lệch là vi phạm pháp luật, nhưng quảng cáo sai lệch về thuốc, thực phẩm chức năng thì nguy hại hơn gấp nhiều lần bởi nó tác động trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng con người”, luật sư Hằng nhấn mạnh.

Luật sư Bùi Thị Lệ Hằng cũng cho biết, theo Điều 6 Luật Dược năm 2016 quy định: quảng cáo thuốc khi chưa được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung hoặc không đúng với nội dung đã được xác nhận là hành vi bị nghiêm cấm.

“Theo Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh.

Phạt tiền từ 60 đến 80 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố”, luật sư Bùi Thị Lệ Hằng cho biết.

Đặc biệt, hành vi quảng cáo sai sự thật còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 197, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), quy định về Tội quảng cáo gian dối.

Theo đó, người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 đến 50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

“Người tiêu dùng nên cẩn trọng khi mua và sử dụng các loại thực phẩm chức năng. Người dân cần lựa chọn mua sản phẩm tại những nhà sản xuất có uy tín, được chứng nhận của cơ quan chuyên môn. Ngoài ra, người dân cũng nên tìm hiểu rõ về nguồn gốc, xuất xứ, các thông tin, nhãn mác, hướng dẫn sử dụng trên bao bì sản phẩm để tránh tình trạng tiền mất, tật mang”, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan khuyến cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Con trai Ronaldinho lọt tầm ngắm của MU.

Man United hỏi mua con trai Ronaldinho

GD&TĐ - Theo Mundo Deportivo, Man United có ý định hỏi mua Joao Mendes, khi Jim Ratcliffe rất ngưỡng mộ tài năng của sao trẻ người Brazil.