Trong bối cảnh người tiêu dùng như rơi vào “ma trận” quảng cáo thực phẩm chức năng, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thượng tá, BS Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng về vấn đề này.
- Thực tế thực phẩm chức năng lợi và hại thế nào, thưa ông?
- Thực phẩm chức năng, trước hết là thực phẩm và có thể được thêm các thành phần khác để có tác dụng hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người. Thực phẩm chức năng có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm nguy cơ gây bệnh.
Thực phẩm chức năng có nhiều mặt tốt như: Bổ sung nhanh chóng chất dinh dưỡng và các chất có tác dụng chức năng mà cơ thể không được cung cấp đầy đủ trong chế độ ăn uống hằng ngày. Các chế phẩm đều ở dạng tinh chế tiện lợi, dễ sử dụng và bảo quản. Đồng thời, có thể mua bán và sử dụng dễ dàng, thậm chí lâu dài mà không cần hướng dẫn của bác sĩ.
Tuy nhiên, do chạy theo lợi nhuận, các nhà sản xuất và phân phối thường quảng cáo quá mức, sai sự thật với những lời ca ngợi “có cánh”. Ngoài ra, cách giới thiệu lập lờ khiến người tiêu dùng bị choáng ngợp và dễ bị ảnh hưởng bởi những thông tin không chính xác.
Do quá tin vào thực phẩm chức năng, nhiều người bỏ qua những nguồn cung cấp dinh dưỡng thường ngày, chế độ luyện tập thể dục thể thao dẫn đến thiếu hụt một số chất dinh dưỡng.
Nguy hiểm hơn, một số người còn bỏ cả đơn thuốc của bác sĩ điều trị để chuyển sang dùng thực phẩm chức năng khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.
Tuy không được coi là thuốc, nhưng thực phẩm chức năng cũng có khả năng gây các phản ứng dị ứng cho người dùng từ nhẹ đến nặng, thậm chí sốc phản vệ, nguy hiểm tính mạng. Việc sử dụng quá nhiều thực phẩm chức năng cũng không tốt, chưa kể còn tốn kém.
Thượng tá, BS Nguyễn Huy Hoàng. |
- Ông có đánh giá gì về sự bùng nổ quảng cáo thực phẩm chức năng, đặc biệt là khi không ít quảng cáo “nổ” về công dụng sản phẩm?
- Thị trường thực phẩm chức năng hiện tại rất sôi động. Lĩnh vực này mang lại doanh thu và lợi nhuận rất lớn, thường được quảng cáo với những tác dụng “thần kỳ”.
Do tính chất quá đa dạng của các nhà sản xuất và phân phối nên không thể tránh khỏi việc xuất hiện các sản phẩm có chất lượng kém. Điều đó khiến hình ảnh của thị trường thực phẩm chức năng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chúng ta cần phải có các quy định, chế tài đủ mạnh để “tuýt còi” những trường hợp cố tình làm sai.
- Theo ông, cần thực hiện những biện pháp gì để có thể hạn chế tình trạng doanh nghiệp quảng cáo thực phẩm chức năng sai công dụng?
- Cần truyền thông mạnh hơn nữa để người dân hiểu rằng, thực phẩm chức năng không thể thay được thuốc, dù đây vẫn là câu bắt buộc phải có trong mọi quảng cáo về sản phẩm này. Ngoài ra, phải có biện pháp để hạn chế tình trạng chi hoa hồng quá lớn cho các nhà thuốc. Trong đó, có phần của bác sĩ kê đơn, thường lên tới 40 - 50%, thậm chí lớn hơn.
Cần siết chặt hơn trong công tác quản lý; mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý các nhãn hàng, nhà sản xuất vi phạm về quảng cáo, thành phần hay chất lượng sản phẩm. Tránh việc một số doanh nghiệp thiếu đạo đức làm ảnh hưởng tới cả thị trường thực phẩm chức năng.
- Ông có thể đưa ra lời khuyên cho người dân khi lựa chọn thực phẩm bảo vệ sức khỏe trong bối cảnh hiện nay?
- Với người tiêu dùng, có thể chia ra ba nhóm. Thứ nhất là nhóm tôn sùng quá mức, thứ hai là tẩy chay và thứ ba là những người có hiểu biết đúng đắn về thực phẩm chức năng. Với nhóm thứ nhất, thực tế là ngay cả các bác sĩ khi khám bệnh trực tiếp có nói đến đâu nữa, thì họ vẫn chỉ tin dùng thực phẩm chức năng.
Với nhóm thứ hai, cần tư vấn để họ hiểu rằng, thực phẩm chức năng nếu chọn sản phẩm tốt, dùng đúng cách thì vẫn mang lại rất nhiều lợi ích. Để lựa chọn đúng sản phẩm phù hợp, vẫn nên cần có sự tư vấn của những người có chuyên môn về y dược.
Cuối cùng, không nên dùng quá nhiều thực phẩm chức năng mà bỏ quên thức ăn truyền thống, vốn đa dạng về dinh dưỡng và vitamin, vi chất. Thực phẩm chức năng cũng không thay được thuốc, chỉ nên là sự ưu tiên thứ hai sau đơn thuốc bác sĩ.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!