Loạn quảng cáo thực phẩm chức năng

GD&TĐ - Vừa qua, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã xử lý hơn 10 sản phẩm thực phẩm chức năng vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo.

Trang web mạo danh Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để bán thực phẩm chức năng.
Trang web mạo danh Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để bán thực phẩm chức năng.

Với sự bùng nổ của các phương tiện công nghệ thông tin, mạng xã hội, hiện, người dân đang rơi vào “ma trận” những sản phẩm được quảng cáo như “thần dược”.

Theo thống kê, trong 10 ngày qua, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã xử lý hơn 10 sản phẩm thực phẩm chức năng vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo.

Gần đây, cơ quan này đã cảnh báo về sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên khớp Joint Relief Plus, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Đông trùng hạ thảo Bách Niên, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Ngọc Mỹ Nữ Plus được quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo.

Trao đổi về vấn đề này, TS Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết: “Các hành vi vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng diễn ra khá phổ biến. Đặc biệt là việc sử dụng các từ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”… để quảng cáo sản phẩm”.

Cụ thể, mới đây, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng phát đi cảnh báo về việc thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nutrizabet quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo. Sản phẩm này được quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Trong khi thực tế, đây chỉ là các thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Sản phẩm này là một loại sữa hạt hỗ trợ người bệnh tiểu đường được quảng cáo bằng những ngôn ngữ “có cánh” như: “Dòng sữa tiểu đường NutriZabet siêu tái tạo”; “dùng 1 lần hiệu quả dài lâu”; hay “Xua tan nỗi lo bệnh tiểu đường”… Cũng tại trang web này, hình ảnh nhiều bác sĩ, chuyên gia được được sử dụng để làm “minh chứng” cho tác dụng của sản phẩm.

Hành vi sử dụng uy tín của các chuyên gia để “nổ” về tác dụng của sản phẩm hiện trở nên phổ biến. Thậm chí, vì lợi nhuận, người bán thực phẩm chức năng còn sẵn sàng mạo danh các chuyên gia y tế, bệnh viện lớn, nhằm tạo niềm tin và thu hút người sử dụng.

Năm 2022, hàng loạt các trang web, fanpage mạo danh Bệnh viện Quân y 103 đã được thành lập với mục đích chào bán thực phẩm chức năng. Đại diện Bệnh viện Quân y 103 cho biết, những năm qua, đặc biệt là từ năm 2019 đến nay, bệnh viện nhận được nhiều thông tin phản ánh một số trang web, trang mạng xã hội sử dụng thông tin, hình ảnh, logo hoặc cắt ghép hình ảnh của cán bộ, nhân viên bệnh viện để quảng cáo, bán thuốc, thực phẩm chức năng.

Đây là các hành vi mạo danh với mục đích lừa đảo để trục lợi. Nhiều cơ sở y tế có uy tín cũng đang bị các đối tượng xấu mạo danh với mục đích trục lợi.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, những năm gần đây, có nhiều cơ sở quảng cáo sai sự thật. Từ đó, gây hiểu nhầm cho người mua giữa thực phẩm bảo vệ sức khỏe với thuốc chữa bệnh bị Cục An toàn thực phẩm xử phạt.

Thực tế, nhiều đơn vị cố tình vi phạm về thực phẩm chức năng. Đó là sản xuất sản phẩm thực phẩm chức năng không đúng như đăng ký công bố sản phẩm. Nhà sản xuất vì lợi nhuận cho thêm chất cấm, chất độc hại vào thực phẩm chức năng. Từ đó, gây ảnh hưởng, nguy hiểm tính mạng người dùng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ