Thế nhưng do thiếu nguồn cung ký túc xá nên thị trường nhà trọ quanh các trường đại học đã và đang nóng lên từng ngày.
Ký túc xá cung không đủ cầu
Hiện nay, nguồn ký túc xá (KTX) của các trường đại học chưa đáp ứng nhu cầu của sinh viên. Theo TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, KTX của trường có quy mô khoảng 4.000 chỗ ở nhưng vẫn không thể đáp ứng hết nhu cầu cho tân sinh viên và sinh viên cũ.
2 năm nay trường có thêm được 3.000 chỗ ở KTX trong khu KTX của ĐHQG TPHCM nên cũng giảm tải áp lực đáng kể. Tuy vậy trường hiện vẫn có khá nhiều sinh viên phải thuê trọ.
Tại Trường ĐH Kinh tế TPHCM, hàng năm số lượng sinh viên nhập học mới đều trên 5.000. Tuy nhiên, quy mô KTX của nhà trường chỉ đáp ứng được 400 chỗ ở. Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (HUFI), quy mô KTX là 940 sinh viên/năm, nhưng tân sinh viên mỗi khóa là hơn 4.000.
Vì vậy, ngoài việc dành gần như toàn bộ suất ở KTX cho tân sinh viên thì trường phải thành lập nhiều tổ, ban xung kích hỗ trợ tìm kiếm nhà trọ cho tân sinh viên vào đầu năm học.
“Tính tới thời điểm này gần 500 địa chỉ nhà trọ uy tín xung quanh trường với hơn 1.000 chỗ ở giá rẻ đã được trường ghi nhận thông tin và nhập lưu trữ. Hiện có hơn 200 tân sinh viên đã được hỗ trợ giới thiệu phòng trọ trong 4 ngày nay. Trường vẫn đang tiếp tục hỗ trợ nhà trọ cho sinh viên có nhu cầu” - ThS Hoàng Thị Thoa - Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Hỗ trợ sinh viên HUFI nói.
Ký túc xá cung không đủ cầu, các trường đã có nhiều hoạt động hỗ trợ tân sinh viên tìm phòng trọ an toàn, giá rẻ. Lập fanpage để hỗ trợ sinh viên tìm nhà trọ là một cách phổ biến. Đơn cử Trường ĐH Kinh tế TPHCM có fanpage “Nhà trọ online UEH”, Phòng Chăm sóc và Hỗ trợ người học (DSA) để giúp kết nối chỗ trọ cho tân sinh viên.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có fanpage hỗ trợ sinh viên tìm phòng trọ… Hay như APP ISINHVIEN của nhóm sinh viên ĐHQG TPHCM vừa đạt giải Nhất Cuộc thi sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp 2022 cũng cung cấp tổ hợp dịch vụ với nhiều tính năng như hỗ trợ cho sinh viên kiếm nhà, thuê trọ, việc làm…
Hiện, Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng (HIU) cũng đã thành lập Đội hỗ trợ HIU Housing giúp sinh viên có thể yên tâm tìm kiếm chỗ ở mới khi bắt đầu nhập học. HIU HOUSING với sự kết nối đến hơn 20 đối tác là các cá nhân, công ty, tổ chức cung cấp cho thuê nhà trọ, ký túc xá đã được HIU khảo sát và xác thực, như Bee House, Happy Young House, May Home, Trust Home... có khả năng cung ứng đến hơn 300 chỗ ở mới cho các sinh viên theo học tại 2 cơ sở”.
Thị trường nhà trọ nóng, thận trọng để tránh bị lừa
Thiếu ký túc xá, xu hướng quan tâm tìm thuê nhà trọ, phòng trọ quanh các trường đại học gia tăng mạnh khi vào mùa nhập học. Báo cáo thị trường nửa đầu tháng 9/2022 của Propertyguru (chủ quản trang Batdongsan.com.vn) một đơn vị môi giới bất động sản uy tín chỉ ra, trong nửa đầu tháng 9, nhu cầu tìm thuê căn hộ chung cư tại TPHCM tăng trưởng ấn tượng.
Căn hộ, phòng cho thuê khu vực Quận 1 có nhu cầu tìm thuê tăng 35%, Quận 7 tăng 38%, quận Gò Vấp, Quận 12 tăng khoảng 29%, TP Thủ Đức ghi nhận nhu cầu thuê tăng 26 - 54% so với cùng kỳ.
Theo khảo sát của đơn vị này thì khi xét cùng một phân khúc giá và diện tích thuê, các phòng trọ cho thuê nằm gần các trường đại học luôn có mức độ quan tâm và tỉ lệ lấp đầy cao hơn hẳn, đặc biệt là phân khúc phòng trọ bình dân.
Nhu cầu tìm thuê phòng nhiều nhất vẫn tập trung ở khu vực TP Thủ Đức, nơi có số lượng trường đại học quy tụ nhiều nhất TP. Bên cạnh đó, các khu vực quanh trường đại học ở Quận 1, Quận 7, Quận 10, quận Tân Phú, Gò Vấp cũng ghi nhận nhu cầu tìm thuê nhà trọ, phòng trọ gia tăng trong tháng 8 vừa qua.
Chị Trần Thu Nguyên, chủ một dãy nhà trọ và căn hộ cho thuê tại đường Phạm Văn Đồng, TP Thủ Đức cho biết, hơn 1 tuần trở lại đây điện thoại của chị ngày nào cũng nhận 7 - 8 cuộc gọi đến từ môi giới hỏi thăm về thuê phòng, dù chị đã xóa bản tin đăng cho thuê căn hộ hơn 1 tháng nay vì đã kín phòng.
“Nhà chỉ có hơn 12 phòng trọ và 6 căn hộ dạng mini nên nhiều lúc có trống cũng chỉ trống 2 - 3 phòng. Tháng 7 vừa rồi sinh viên có trả hai căn nên tôi rao tin cho thuê và ngay lập tức đã có người thuê.
12 phòng trọ giá 1,8 - 2,4 triệu đồng/phòng gần như rất ít khi có phòng trống vì sinh viên, công nhân thuê lâu dài. Chỉ có căn hộ (4,5 triệu/căn/30m2) lâu lâu có người trả nhưng ở thời điểm này thì rất hiếm”, chị Nguyên nói.
Nhu cầu tìm chỗ ở của sinh viên gia tăng mạnh, khiến lượng phòng trọ quanh các trường đại học trở thành hàng hot trên mọi diễn đàn, kênh rao cho thuê phòng. Đội ngũ “cò” phòng trọ lùng sục khắp nơi để giới thiệu cho sinh viên ăn hoa hồng, thậm chí ăn kê giá.
Ông Nguyễn Hoài Chung, chủ dãy phòng trọ cho thuê trên đường 79, TP Thủ Đức cho biết, phòng trọ của ông do gần Trường Cao đẳng Công Thương TPHCM, ĐH Văn Hóa và Cao đẳng Kỹ nghệ II nên phòng gần như rất ít khi trống.
“Đầu tháng 9 vừa rồi khi tôi vừa trống một phòng thì có một “cò” sau khi dẫn phòng đã lấy của sinh viên 500.000 đồng. Chưa kể cò còn ăn chênh lệch 500.000 tiền đặt cọc phòng khi bảo sinh viên là tiền phòng giá 2,5 triệu đồng, trong khi tôi chỉ cho thuê có 2 triệu”, ông Chung nói.
Để tránh rơi vào bẫy lừa đảo của các “cò” phòng trọ, ThS Ngô Trí Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Truyền thông của Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng nêu ra những dấu hiệu điển hình để sinh viên lưu ý và tránh né.
Theo đó, để câu kéo sinh viên, hiện nay trên mạng xã hội hay dọc các tuyến đường, khu vực quanh các trường đại học xuất hiện nhiều thông báo “cho thuê phòng”, hay “còn phòng cho thuê” với giá rất rẻ. Tuy nhiên, sinh viên cần thận trọng, bởi chưa chắc tất cả thông báo kia là thật.
“Với các thông báo dạng này sinh viên có thể rơi vào hai tình huống nếu không thận trọng. Một là “cò” dẫn sinh viên đi sẽ đòi phí môi giới, hai là sinh viên sẽ bị lừa bắt đóng cọc giữ phòng khi “cò” đóng vai chủ nhà.
Đã có nhiều tân sinh viên rơi vào tình huống thấy phòng đẹp và rẻ nên đặt cọc luôn, nhưng khi đến nhận phòng mới biết người hôm mình đưa tiền là đối tượng lừa đảo, không phải chủ nhà.
Vì vậy, nếu muốn tìm phòng trọ thì sinh viên cần liên hệ với các trung tâm hỗ trợ sinh viên lớn của TP, các trường, hay Phòng Công tác sinh viên để tránh tiền mất mà phòng không có ở”, Th.S Ngô Trí Dũng cảnh báo.