Tuy nhiên, do nhu cầu lớn, không gian sống tương đối ít, sinh viên có thể đối mặt với tình trạng thiếu nhà ở và chi phí cao.
Theo văn phòng nhà ở cho sinh viên Ghent, sau hai giờ đăng bài cho thuê phòng trọ trên Internet, văn phòng nhận được hơn 300 cuộc gọi. Văn phòng buộc phải từ chối nhận điện thoại từ các sinh viên đến sau do nhu cầu tăng mạnh có thể đẩy giá phòng lên cao.
Ông Serge Renard, người quản lý Ghent, cho biết, trong gần 40 năm làm việc, ông chưa bao giờ gặp phải tình trạng khan hiếm phòng trọ như hiện nay.
“Sinh viên xếp hàng một cách tuyệt vọng bên ngoài các khu nhà cho thuê với hi vọng tìm được một chỗ ở hợp túi tiền. Một số người thậm chí có mặt từ 5 giờ sáng để được xem nhà. Họ sẵn sàng chi trả cao hơn bình thường vì số phòng trọ hiện nay tương đối khan hiếm”, ông Serge nhận định.
Sinh viên Saar Van Hees, 22 tuổi, thừa nhận cũng gặp phải tình trạng tương tự. Sau một năm học chương trình liên kết tại nước ngoài, Saar trở về Bỉ để tiếp tục theo đuổi chương trình học trong nước.
Ban đầu, Saar tìm phòng trọ trực tuyến trên trang web Leuven. Nhưng những căn phòng được cho thuê quá nhanh nên nữ sinh không thể đăng ký online. Dù đến tận nơi, cơ hội phòng còn trống là rất thấp.
“Năm 2019, trước khi tôi đi du học, việc tìm phòng trọ tương đối thuận lợi và đơn giản. Hồi đó có rất nhiều phòng trọ nên chỉ cần tìm trên mạng là được. Khi về nước, tôi không ngờ số lượng phòng trọ hiện nay lại khan hiếm như vậy”, nữ sinh bày tỏ.
Số lượng nhà ở cho thuê tại Bỉ đang sụt giảm mạnh và dự kiến vấn đề sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn trong những năm tới. Bên cạnh số lượng sinh viên trong nước tăng, Bỉ cũng đang thu hút số lượng lớn sinh viên quốc tế.
Các chuyên gia bất động sản dự đoán vào năm 2030, Bỉ cần bổ sung thêm 95.000 phòng trọ để đáp ứng nhu cầu hiện tại của sinh viên. Nhưng điều này sẽ kéo theo giá cho thuê đắt đỏ hơn. Năm học 2019 - 2020, phòng trọ dành cho sinh viên có giá trung bình là 400 euro (khoảng 9 triệu đồng). Nhưng năm 2021, con số là 420 euro và dự kiến năm nay sẽ tăng lên 426 euro.
Trước vấn đề này, nhiều phụ huynh Bỉ cũng bày tỏ quan ngại chất lượng sống của con cái sẽ không được bảo đảm, từ đó ảnh hưởng đến trải nghiệm học tập đại học.
Ông Koen Vanacher, một phụ huynh có con đang học đại học, cho biết: “Năm ngoái, giá phòng trọ cho con gái tôi là khoảng 380 euro. Nhưng năm nay, những phòng tương tự có giá 430 euro. Điều này khiến chi phí học đại học của người trẻ hiện nay ngày càng cao, là gánh nặng cho không ít các gia đình”.
Tương tự Bỉ, Na Uy cũng đối mặt với tình trạng khan hiếm nhà ở dành cho sinh viên và giá nhà cho thuê tăng cao, đặc biệt tại những khu vực gần trường đại học. Tuy nhiên, Chính phủ Na Uy đã phân bổ quỹ hỗ trợ trị giá 43 triệu euro để nâng cấp ký túc xá, xây dựng thêm nhà ở cho sinh viên.
Bộ trưởng Nghiên cứu và Giáo dục Đại học Na Uy, ông Ola Borten Moe cho biết, tiền thuê nhà là khoản chi lớn nhất đối với sinh viên Na Uy. Vì vậy, các nhà chức trách cần tăng cường hỗ trợ và chia sẻ gánh nặng này với các em.