Cẩn trọng khi xin việc làm mùa Tết

Cẩn trọng khi xin việc làm mùa Tết

(GD&TĐ) - Bao giờ cũng vậy, bước vào vài tháng cuối năm, nhu cầu tìm kiếm việc làm thêm của sinh viên các trường đại học, cao đẳng là rất lớn, bởi dường như ai cũng muốn tranh thủ kiếm thêm chút tiền để trang chải cho nhu cầu sinh hoạt và chi tiêu trong dịp tết.

Xuất phát từ nhu cầu đó, khoảng thời gian này cũng là lúc các Trung tâm dịch vụ giới thiệu việc làm (TTDVGTVL) của cả tập thể và tư nhân đã rầm rộ bung ra nhằm “chiêu sinh” môi giới. Hình thức “quảng bá” bấy lâu nay của các TTDVGTVL là trên các mặt báo, cũng như dán tờ rơi tại các nơi công cộng.

Theo thông tin mà chúng tôi tham khảo được từ các tờ rơi dán quảng cáo tại các điểm xe buýt, cổng các trường đại học, cổng các ký túc xá…, thì các TTDVGTVL đều đưa ra một mức lương hấp dẫn với sinh viên làm thêm, từ 2,5-4 triệu/tháng, với các khoảng thời gian làm cũng như đặc thù công việc khác nhau. Tựu trung là, nếu làm tối thiểu sinh viên cũng phải dành ra từ 2-4 giờ/ngày; hoặc tối đa là 8 giờ/ngày. Lướt qua danh mục công việc mà các TTDVGTVL cung ứng cho sinh viên thì thấy rất đa dạng, từ chạy bàn bán cà phê, bán đồ ăn, bán quần áo…, cho tới phát tờ rơi, dán phong bì, dạy kèm, đưa hàng bỏ mối…

Để nhận tìm được một công việc làm thêm và nhận được mức lương như hứa hẹn trong hợp đồng và phải mất một chút phí nho nhỏ thì không có gì đáng nói, đằng này có không ít sinh viên nhận được “quả đắng” khi tiền lệ phí mất mà công việc lại chẳng nhận được. Đã thế lại mất thời gian hò hẹn, đợi chờ, rồi năm lần bảy lượt đến trung tâm để đòi tiền đặt cọc mà vẫn không được. Vâng, chuyện sinh viên bị lừa khi đi xin việc làm qua các TTDVGTVL (Chủ yếu là các trung tâm “ma” của tư nhân) đã trở nên quá… cũ mà những sinh viên năm thứ ba, thứ tư dường như ai mà chẳng đã kinh qua.

Xin kể ra đây một vài chiêu lừa của các TTDVGTVL “ma” để sinh viên năm nhất, năm hai còn ít kinh nghiệm có ý định đi xin việc làm thêm lưu ý để rút kinh nghiệm cho bản thân và nhắc nhở bè bạn.

Mới đây, trong vai một sinh viên đi tìm việc làm, tôi đã ra bến xe buýt Cầu Giấy và tìm việc qua các tờ rơi dán quản cáo ở đây. Hàng trăm tờ rơi của hàng chục TTDVGTVL được dán chồng chéo lên nhau đã làm tôi hoa cả mắt. Định tìm một địa chỉ “lớn”, song chẳng có, tôi đành theo địa chỉ của một tờ rơi để gọi điện hỏi xem.

Từ số điện thoại Vinaphone thuộc diện sim “rác” 01237164372, của người mang chức danh: “Trưởng phòng nhân sự”, tôi gọi và người ở đầu kia kêu máy. Họ hẹn gặp trực tiếp mới nói chuyện chứ không bàn luận công việc qua điện thoại. Họ cho địa chỉ và tôi đã gặp họ tại một phòng nhỏ thuê trên đường Trần Đăng Ninh (Cầu Giấy). Phải đến 3 lần hẹn tôi mới được đi thử việc không lương tại một quán cà phê trên đường Tô Hiệu (Nghĩa Tân).

Thời gian thử việc là 1 tuần, và nếu quán không nhận là tôi không có thắc mắc gì. Trong thời gian thử việc ấy, mặc dù tôi đi đến đúng giờ và làm việc không có gì để chê trách, vậy mà không hiểu sao chủ quán vẫn không nhận. Tôi kết thúc 7 ngày đi làm thuê mà không nhận được đồng lương nào, đã vậy lại mất 55.000 đồng tiền hồ sơ, lệ phí cho trung tâm. Mang chuyện ấm ức này kể với một anh sinh viên năm 4 đồng hương, anh ấy cười bảo: “Sao không hỏi anh? Đó là thủ thuật của bọn trung tâm ma đấy. Chúng nó cấu kết với các nơi cần người để cho sinh viên thử việc. Cứ hết 1 tuần là chúng nó lại thay một số người đến thử việc mới, và như vậy là chúng nó lợi cả hai bên vì một bên vẫn thu tiền lệ phí, một bên có người làm thuê mà không phải trả lương. Chỉ có sinh viên là khổ, khi vừa mất tiền, vừa mất thời gian…”. Lúc đấy tôi mới ngã ngửa người ra, và thấy không chỉ riêng tôi, mà mấy người bạn cùng xin việc ở trung tâm, cùng đi thử việc và cùng không được tiếp nhận sau 1 tuần làm việc.

Còn một kiểu lừa đảo trong môi giới việc làm khá phổ biến và tinh vi nữa, đó là: Một số trung tâm nói trước là không thu tiền lệ phí môi giới, mà họ chỉ bắt sinh viên mua hồ sơ chờ đăng ký tìm việc. Họ đưa ra mức lương cực hấp dẫn, giờ làm ít, hợp lý nên nhiều người lầm tưởng họ “chân chính” đã lao vào rất đông đúc. Thực tình là họ lừa đảo theo kiểu thu ít- lợi nhiều.

Một người bạn tôi mắc mưu kiểu “không thu lệ phí” khi xin việc kiểu này đã bức xúc bảo: “Quá cay mũi cái TTDVGTVL ma mãnh tư nhân ở khu Mai Dịch. Chúng nó nói là không thu phí, nhưng thực ra là chúng nó lừa mình bằng tiền hồ sơ. Một người tới đăng ký tìm việc phải mua hồ sơ 30.000 đồng từ mẫu của trung tâm, trong khi bộ hồ sơ đó chỉ đáng 5.000 đồng là cùng. Mỗi hôm chúng tiếp nhận hàng trăm, thậm chí vài trăm bộ hồ sơ thì tiền bán hồ sơ đã là quá nhiều. Mà có ai đến cái trung tâm này xin được việc làm đâu, khi chúng cứ hẹn, hẹn, lại… hẹn. Dần dà sinh viên chán nản và không đến hỏi nữa. Mỗi người chỉ cần bị chúng lừa một lần như thế nữa thì chúng cũng ăn đủ rồi còn gì…”.

Nhu cầu tìm kiếm việc làm thêm của sinh viên mùa tết là chính đáng, thiết thực vì vậy trước khi có ý định đi làm thêm bạn hãy suy nghĩ thật kỹ, bởi lựa chọn nơi nào để gửi gắm tìm việc giúp mình là điều quan trọng, nếu không lại mất tiền oan, mất thời gian mà và mua thêm bực vào mình. Hãy đến các TTDVGTVL của các tập thể lớn như một số cơ quan báo chí, các ban ngành, đoàn thể có làm dịch vụ này, bởi ở những địa chỉ uy tín này bạn sẽ không bao giờ bị lừa đảo. Hoặc, bạn có thể đến trực tiếp tại các nơi cần việc làm để tuyển chọn, phỏng vấn. Ngoài ra, bạn cũng có thể nhờ bạn bè, các anh, chị sinh viên các năm cuối nhờ tìm xin việc hộ, bởi dẫu sao với họ đã có ít nhiều kinh nghiệm…

Phiêu Linh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ