Cẩn trọng khi lựa chọn ngành Tài chính – Ngân hàng

Cẩn trọng khi lựa chọn ngành Tài chính – Ngân hàng

(GD&TĐ)-Trong vài năm trở lại đây, Tài chính – Ngân hàng luôn là ngành “nóng” với điểm chuẩn đầu vào rất cao vì thu hút được số lượng đông đảo thí sinh ĐKDT. Tuy nhiên, trong tương lai, triển vọng của ngành này như thế nào, cơ hội việc làm của những sinh viên tốt nghiệp ngành  Tài chính – Ngân hàng có gì thay đổi?…

dfdfdf
Ông Tom Nguyễn - Giám đốc Pháp chế, Vietnam, Cambodia & Laos - Ngân hàng Standard Chartered. Ảnh: gdtd.vn

Phóng viên báo Giáo dục và Thời đại online đã có cuộc trao đổi với ông Tom Nguyễn - Giám đốc Pháp chế, Vietnam, Cambodia & Laos - Ngân hàng Standard Chartered, người đã dành tâm huyết của mình cho ngành Tài chính, Ngân hàng và đã từng hoạt động ngân hàng tại Châu Âu, Châu Phi, Châu Á, và Trung Đông.

PV.Hiện ngành Tài chính – Ngân hàng luôn được đông đảo sinh viên lựa chọn trong mỗi kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ. Để có thêm thông tin giúp các thí sinh có quyết định đúng đắn khi lựa chọn ngành này, ông có thể cho biết triển vọng ngành Tài chính – Ngân hàng trong vòng 5 năm tới sẽ như thế nào?

Ông Tom Nguyễn: Theo nhìn nhận của cá nhân tôi, trong vòng 5 năm tới thị trường này sẽ vẫn rất sôi động và có cơ hội rất lớn. Việc thí sinh ưu ái lựa chọn ngành học này hiện nay cũng là đúng thời điểm. Mặc dù hiện nay, khủng hoảng trong ngành ngân hàng đã tạo ra hình ảnh rất không tốt cho ngành này như ở Châu Âu hay Mỹ, cũng như khiến mọi người nhìn đó như là một ngành nhiều rủi ro, nhưng trong tương lai, lĩnh vực này sẽ có tính chất đáng tin cậy hơn, vì vậy, không thể nào sẽ vẫn gặp những rủi ro như hiện nay. Điều đó cũng có nghĩa, thế hệ tương lai khi học xong ngành ngân hàng sẽ có cơ hội rất lớn để thay đổi định hướng và nâng cao hình ảnh của ngành này.

PV.Theo một khảo sát mới nhất của ĐH FPT, năm 2012, lượng thí sinh mong muốn thi vào ngành Tài chính – Ngân hàng giảm khá nhiều so với năm ngoái. Một số chuyên gia trong nước cũng nhìn thấy khả năng thất nghiệp rất cao đối với các thí sinh theo học ngành này. Ông chia sẻ gì về vấn đề trên, nó có mâu thuẫn gì đối với dự đoán của ông ở trên?

Ông Tom Nguyễn: Việc lượng sinh viên quan tâm đến lĩnh vực này giảm cũng là tình trạng chung tại Châu Âu và tại Mỹ do như tôi đã nói ở trên, ngành Ngân hàng đã tạo ra một hình ảnh không đẹp lắm trong vòng 2 – 3 năm qua. Còn việc thất nghiệp, đó là vấn đề lớn không riêng gì ở Việt Nam. Có ngân hàng đã và đang phải xem xét lại các hoạt động của họ, có ngân hàng phải đóng cửa. Tuy nhiên cũng có những ngân hàng như ngân hàng Standard Chartered vẫn đang lớn mạnh và thu hút nhiều người làm việc. Điều đó tạo nên sự cân bằng cũng như tiếp tục tạơ ra cơ hội việc làm.

PV. Ông nghĩ gì về sinh viên Việt Nam nói chung và sinh viên đang học tập tại ngành Tài chính – Ngân hàng tại Việt Nam nói riêng?

Ông Tom Nguyễn: Theo nhìn nhận của tôi, sinh viên Châu Á nói chung học nhiều và lấy quá nhiều kiến thức từ sách vở. Trong khi đó, các bạn không được khuyến khích nghĩ cho bản thân của mình cũng như phải biết đặt ra câu hỏi nhiều hơn, biết đối mặt với thử thách và vượt qua thử thách chứ không chỉ đơn giản là biết tiếp nhận và nghe lời. Tại các trường quốc tế, họ luôn cung cấp cho các bạn những kỹ năng để sẵn sàng làm việc như kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc theo nhóm.

PV. Ông có thể cho vài lời khuyên đối với những thí sinh sẽ lựa chọn ngành Tài chính – Ngân hàng?


Ông Tom Nguyễn:
Các bạn phải biết được và hiểu rất rõ tình hình thực tại của khối ngân hàng bởi khối ngân hàng hiện nay đã thay đổi rất nhiều. Cùng với đó, cần nắm được bản chất của ngành này. Nó không chỉ đơn thuần là nơi gửi tiền mà cốt lõi là nơi làm ra tiền. Đồng thời, các bạn cũng phải nhớ kỹ, vào làm việc trong ngành ngân hàng cần tìm được đúng chỗ và phải thể hiện được đúng trách nhiệm của mình.

PV.Xin trân trọng cảm ơn ông!
 

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ