Cản trở trẻ đến trường là vi phạm pháp luật

GD&TĐ - Cho rằng việc sáp nhập trường gây khó cho học sinh nên gần 1 tháng nay phụ huynh học sinh Trường THCS Hương Bình (Hương Khê,Hà Tĩnh) đã phản đối không cho con em đến trường. 

 Mỗi ngày lớp học ở trường mần non xã Hương Bình chỉ có 5-7 em được đến trường vì phụ huynh phản đối việc sát nhập trường ở bậc THC . (Ảnh: Minh Thư)
Mỗi ngày lớp học ở trường mần non xã Hương Bình chỉ có 5-7 em được đến trường vì phụ huynh phản đối việc sát nhập trường ở bậc THC . (Ảnh: Minh Thư)
Không những thế, họ còn cản trở không cho học sinh Trường Mầm non và Tiểu học Hương Bình đến trường mặc dù chính quyền địa phương và UBND huyện Hương Khê đã phân tích, giải thích cho họ nhiều lần.

Học sinh 3 cấp không được đến lớp

Theo số liệu thống kê từ Phòng GD&ĐT huyện Hương Khê, đến sáng 16/9, mới có 37/215 học sinh bậc mầm non, 25 - 35/255 học sinh bậc tiểu học và 42/246 em bậc THCS đến trường. Số học sinh đến trường đã tăng lên hằng ngày nhưng số lượng còn thấp.

Về việc phụ huynh cản trở không cho học sinh đến trường, ông Đặng Quốc Bảo – Phó Bí thư xã Hương Bình - cho biết: Từ đầu tháng 8, Cán bộ Đảng ủy xã đã làm mọi cách để tuyên truyền vận động nhân dân đưa trẻ đến trường. 

Sau đó, Đảng ủy và Phòng GD tổ chức họp phụ huynh theo khối và họp phụ huynh từng lớp nhưng tại các cuộc họp phụ huynh đều có thái độ rất căng thẳng và bỏ về. Cuộc họp phụ huynh không thành công.

Trước khi họp phụ huynh thì số lượng học sinh đăng ký học tại trường THCS Hòa Hải 161 em sau đó rút xuống còn 120 em, tại trường THCS Phúc Đồng 87 em sau đó phụ huynh rút đơn còn 28 em. Một số phụ huynh cũng đã cho học sinh chuyển về trường THCS Chu Văn An và THCS Gia Phố.

Trước ngày khai giảng, phụ huynh không cho học sinh đến trường mà tổ chức tập trung trước cổng trường THCS để phản đối. Tổ chức cả người già, người trẻ túc trực ở cổng trường không cho vận chuyển đồ dùng học tập đi trường học mới. 

Để phản đối việc sáp nhập trường THCS, phụ huynh còn không cho học sinh mầm non và tiểu học của xã Hương Bình đến trường…

Chủ tịch, Bí thư, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã cũng đã trực tiếp họp phụ huynh tại các xóm nhưng họ vẫn phản đối không cho trẻ đến trường. 

Ban chỉ đạo cũng phô tô 400 bài phân tích cho phụ huynh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân cũng phối hợp vận động nhưng người dân còn chửi và dọa Hiệu trưởng... Một số phụ huynh khi được hỏi lí do thì phần lớn phụ huynh đều trả lời “làng không cho đi”.

Cô Phan Thị Anh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hương Bình - buồn rầu nói: “Năm học 2014 - 2015 Trường tiểuThọc Hương Bình có 255 em/10 lớp. Để chuẩn bị cho năm học mới trường đã tổ chức tựu trường sớm, lúc đó số lượng học sinh đến trường đầy đủ. Nhưng từ ngày 18/8, mỗi ngày chỉ có từ 25 - 35 em đến lớp.

Nguyên nhân là do phụ huynh phản đối việc nhập trường THCS Hương Bình vì thế cho rằng nếu không có trường THCS thì không học mầm non hay học tiểu học. 

Chúng tôi đã 3 lần cho giáo viên đến tận các gia đình tuyên truyền, vận động phụ huynh đem con em đến trường. Nhà trường cũng đã làm bài tuyên truyền phát trên hệ thống loa truyền thanh của xã hằng ngày nhưng sự việc vẫn không biến chuyển”.

Sáp nhập trường ở Hương Bình là hợp lý

Lãnh đạo huyện Hương Khê giao nhiệm vụ cho giáo viên đến gặp từng gia đình vận động và trực tiếp đem học sinh đến trường hằng ngày.
Lãnh đạo huyện Hương Khê giao nhiệm vụ cho giáo viên đến gặp từng gia đình vận động và trực tiếp đem học sinh đến trường hằng ngày. 

Tháng 12/2011, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh đã có Nghị Quyết 05- NQ/TU về việc phát triển nâng cao chất lượng Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2015 và những năm tiếp theo. 

Theo đó, ngày 8/8/2012 UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định 2286/QĐ-UBND phê duyệt đề án quy hoạch hệ thống trường mầm non và phổ thông tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020. 

Sau hơn 2 năm thực hiện đề án quy hoạch trường lớp cơ bản đã hoàn thành đúng lộ trình, hệ thống trường lớp đã sắp xếp lại hợp lý, cân đối góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Nhờ có quy hoạch mỗi xã đã có 1 trường Mầm non, 1 trường Tiểu học. Hà Tĩnh đã xây dựng thành công mô hình trường THCS liên xã để đảm bảo quy mô trên 16 lớp đã được các tỉnh bạn tham quan học tập kinh nghiệm. Đến tháng 6/2014, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã sáp nhập được 89 trường (từ 790 trường nay còn 692 trường).

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, xã Hương Bình có 4.600 dân được chia làm 9 xóm. Năm học 2014 - 2015, toàn xã có 247 học sinh học THCS, chia thành 8 lớp. 

Theo điều tra thì đến năm 2020 mỗi năm xã Hương Bình cũng chỉ có từ 215-230 học sinh THCS, phân 8 lớp, trung bình mỗi lớp chỉ có 25-29 học sinh. Theo tiêu chuẩn của trường THCS mỗi trường phải có từ 16 lớp trở lên.

Qua số liệu cho thấy, học sinh Trường THCS Hương Bình có quy mô trường, lớp quá nhỏ, không phù hợp với quy định của điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, ban hành theo thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ GD&ĐT và Quyết định số 2286/ QĐ – UBND ngày 8/8/2012 của UBND tỉnh Hà Tĩnh. 

Đồng thời, với quy mô 8 lớp theo quy định của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ chỉ bố trí được 15 giáo viên (1,9 giáo viên/lớp) trên tổng số 14 môn giảng dạy; đồng thời tránh tình trạng giáo viên phải dạy chéo môn, làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.

Sau sáp nhập, học sinh Hương Bình đến Trường THCS Hòa Hải, Trường THCS Phúc Đồng không quá 8,5 km, không qua sông suối thuận lợi hơn so với học sinh các nơi khác.

Như vậy, việc sáp nhập Trường THCS Hương Bình vào các trường THCS Hòa Hải, Phúc Đồng vừa đảm bảo tính khoa học, vừa phù hợp với thực tế, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài.

Ông Hoàng Công Lý – Phó Chủ tịch huyện Hương Khê - cho biết: “Ngày 9/9, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo nhanh chóng giải quyết xong việc nhập trường, ổn định tình hình học tập. 

Chủ trương nhập trường không có gì thay đổi. Huyện sẽ tiếp tục rà soát, bố trí cho những em học sinh bậc THCS ở xã Hương Bình có hoàn cảnh khó khăn được học tại trường Trung học nội trú. 

Hiện đã có 5/10 học sinh nhập học ở đây, những học sinh chưa có xe đạp hoặc khoảng cách đến trường từ 6 km trở lên thì được hỗ trợ mua xe đạp; UBND huyện đã quyết định miễn học phí cho học sinh bậc THCS của xã Hương Bình khi đến trường học mới.

Chúng tôi tiếp tục tập trung chỉ đạo cho cấp ủy, chi bộ xóm, coi đây nhận thức, nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình đổi mới giáo dục. Tuyên truyền làm rõ tình hình cho người dân hiểu việc sát nhập trường tại các điểm khó khăn hơn Lộc Yên, Hương Long, Hương Lâm hay Đức Lâm (Đức Thọ). Người dân cũng đã đồng thuận và thực hiện nhập trường tốt. 

Hương Bình là xã thực hiện việc sáp nhập trường cuối cùng để cùng toàn tỉnh thực công việc Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo mà Bộ GD&ĐT đã đề ra.

Với những người có thái độ cực đoan, chúng tôi vận động phân tích cho họ để tránh việc vi phạm pháp luật. Đến nay đã có sự chuyển biến của người dân như việc phụ huynh đã bắt đầu cho hoc sinh đến trường. 

Họ đã dần nhận ra những thông tin của một số đối tượng kích động là không đúng. Cấp ủy mong muốn nhân dân Hương Bình sớm cho con em đến trường.

Chúng tôi cũng đã quyết định bàn giao Trường THCS Hương Bình cho UBND xã sử dụng. UBND huyện đã mua sắm đủ bàn ghế cho học sinh học ở Hòa Hải và Phúc Đồng để đón học sinh đến lớp. 

Mong người dân không nên cực đoan, ngăn cản cho học sinh mầm non và tiểu học đến trường. Chúng tôi cũng chia sẻ và giao cho giáo viên đến từng gia đình vận động và trực tiếp chở học sinh đến trường hằng ngày”.

Cản trở không cho trẻ đến trường là vi phạm pháp luật

Học sinh Trường Tiểu học Hương Bình nhớ trường nhớ lớp nhưng chỉ lén đến đứng trước cổng nhìn vào trường. Ảnh: Minh Thư
Học sinh Trường Tiểu học Hương Bình nhớ trường nhớ lớp nhưng chỉ lén đến đứng trước cổng nhìn vào trường. Ảnh: Minh Thư

Được học tập là quyền đặc biệt với trẻ em. Điều này đã được Công ước quốc tế về quyền trẻ em và Hiến pháp, pháp luật nước ta quy định. 

Vì thế, việc cấm con em từ bậc MN đến TH và THCS đến trường của không ít phụ huynh ở Hương Bình (Hương Khê) đã và đang làm là trái với pháp luật, vi phạm Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004. 

Cụ thể, ở Khoản 8, Điều 7 của Luật BVCS&GD Trẻ em 2004 quy định: Nghiêm cấm các hành vi trong đó có hành vi “cản trở việc học tập của trẻ em”; 

Khoản 1, Điều 28 cũng chỉ rõ “Gia đình, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm cho trẻ em thực hiện quyền học tập; học hết chương trình giáo dục phổ cập; tạo điều kiện cho trẻ em theo học ở trình độ cao hơn.

Sáp nhập trường là chủ trương lớn nhằm khắc phục tình trạng quy mô nhỏ, chất lượng hạn chế, tạo điều kiện tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển GD&ĐT trong thời kỳ mới. 

Nhiều địa phương ở Hà Tĩnh đã tiến hành từ lâu, có những huyện còn gặp nhiều khó khăn hơn địa bàn xã Hương Bình nhưng cũng đã thực hiện thành công. Xã Hương Bình cũng chưa phải là địa bàn vùng sâu vùng xa của Hương Khê.

Phụ huynh xã Hương Bình không đồng thuận với việc sáp nhập trường THCS,ngăn cản hơn 700 học sinh ở 3 bậc học đến trường, phản đối chủ trương của tỉnh và huyện là đang tước đi quyền lợi của chính con em mình, đẩy con em mình đến nguy cơ thất học.

Dù biết rằng, việc thay đổi môi trường học và có thể đoạn đường đến trường xa thêm vài cây số, khó khăn hơn cho học sinh và phụ huynh nhưng mỗi một ngày chậm đến trường là một ngày con em chậm được trang bị kiến thức. 

Đặc biệt, với bậc tiểu học, khi năm học này áp dụng đại trà dạy Tiếng Việt lớp 1 theo công nghệ giáo dục. Với học sinh lớp 1, những buổi học ban đầu có vai trò quan trọng và cần thiết cho một thế hệ trẻ được hưởng thụ phương pháp giáo dục mới để 12 năm nữa chúng ta có một thế hệ nắm vững kiến thức và công nghệ. 

Để thắp lên niềm tin và tương lai cho con em chúng ta, các bậc phụ huynh nen nhanh chóng đưa các em đến trường.

Đối với những thành phần kích động phụ huynh phản đối chính sách sáp nhập trường của Đảng và Nhà nước đề nghị chính quyền huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh cần xử lí nghiêm minh trước pháp luật nhằm sớm ổn định tình hình sớm ổn định trường lớp dạy học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.