Cần đáp ứng thực tế
Từ những năm sau 2000, giáo dục mầm non (GDMN) đã vận dụng tiếp cận tích hợp trong quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ nhằm đảm bảo sự phát triển toàn diện và hài hòa cho trẻ em qua các văn bản luật, đều thể hiện quan điểm về quyền trẻ em, đảm bảo tất cả trẻ em đều được tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ GDMN, khuyến khích và thúc đẩy các hình thức giáo dục mang tính mở, đồng thời huy động sự tham gia tích cực của cha mẹ hay người chăm sóc trẻ, các tổ chức xã hội và cộng đồng vào quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội của đất nước trong suốt những năm qua đã có những tác động đến sự thay đổi, phát triển của giáo dục đồng thời ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ em, trong đó có trẻ em 5 tuổi. Những thay đổi đáng kể ở sự phát triển của trẻ ngày nay làm cho một số chỉ số trong Bộ chuẩn có thể trở nên không còn phù hợp với khả năng của trẻ. Nhiều địa phương đã ý kiến về việc này tại các Hội thảo “Đánh giá việc thực hiện Chương trình GDMN và Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi” thời gian qua.
Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 phát triển mạnh đã xâm nhập vào hệ thống xã hội, các ngành nghề, trong đó có ngành giáo dục. Công nghệ đã góp phần đẩy nhanh sự phát triển của trẻ em (nhận thức của trẻ ngày càng mở rộng do có điều kiện tiếp cận; trẻ mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp và giải quyết vấn đề trong cuộc sống; trẻ học được các thao tác tư duy và kĩ năng học tập; có thái độ tích cực và chuẩn bị sẵn sàng để vào học lớp 1…).
Việc chăm sóc giáo dục trẻ cần được đổi mới, phù hợp và tiệm cận với xu hướng phát triển của GDMN trên thế giới. |
Điều này càng thúc đẩy phải thay đổi Chương trình GDMN đã ban hành năm 2009, cần được đổi mới, phù hợp và tiệm cận với xu hướng phát triển của GDMN trên thế giới. Cụ thể: Nội dung của các lĩnh vực giáo dục chủ yếu được tổ chức thực hiện theo hướng tích hợp và tích hợp theo các chủ đề gần gũi thông qua các hoạt động đa dạng, thích hợp với trẻ và điều kiện thực tế của địa phương, giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; vận dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến.
Xây dựng chuẩn mới
Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi 2010 được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực, tuy nhiên còn nhiều chuẩn và chỉ số vẫn được diễn đạt theo cách đo lường kiến thức và kỹ năng đơn lẻ. Bởi vậy để đáp ứng với xu hướng đổi mới giáo dục hiện nay – hướng xây dựng chuẩn phát triển của trẻ và Chương trình giáo dục mầm non dựa vào những “giá trị và năng lực của người học”.
Các tiêu chuẩn trong “Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi” được thiết kế cho tất cả trẻ em Việt Nam, bất kể giới tính, dân tộc, tình trạng kinh tế xã hội, sự đa dạng văn hóa, và nhu cầu đặc biệt của cá nhân. Các tiêu chuẩn này nhằm tạo cơ hội khuyến khích sự phát triển tối ưu thông qua môi trường giáo dục và cơ hội học tập của trẻ em. Đặc tính toàn diện của “Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi” giúp mọi người có thể hiểu hơn về những năng lực và giá trị, sự sẵn sàng của trẻ đến học tập và phát triển.
Chuẩn mới cần đáp ứng những năng lực và giá trị, sự sẵn sàng của trẻ đến học tập và phát triển. |
Những tiêu chuẩn này có thể được sử dụng với bất kỳ ai quan tâm đến công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non nói chung và trẻ em 5 tuổi nói riêng, gồm: cha mẹ của trẻ hay người chăm sóc, nuôi dưỡng, người giám hộ, nhà giáo dục, bác sĩ nhi khoa, chuyên gia GDMN, các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và người thực hiện các chính sách giáo dục, cũng như các tác nhân khác tham gia vào công tác GDMN.
Do đó, Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi không chỉ là những hướng dẫn về sự phát triển theo từng mặt của trẻ năm tuổi, mà còn là: Cơ sở để xây dựng chương trình GDMN quốc gia và phát triển chương trình giáo dục địa phương, chương trình giáo dục nhà trường dựa trên chương trình khung do Bộ GDĐT ban hành; Công cụ để xem xét và điều chỉnh chương trình giáo dục địa phương hay chương trình giáo dục nhà trường;
Cải thiện và nâng cao năng lực của đội ngũ nhà giáo; Phát triển các nguồn tài liệu nâng cao nhận thức cho các bậc cha mẹ, người chăm sóc giáo dục trẻ và cộng đồng cùng tham gia nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ; Giám sát quốc gia về giáo dục và đề xuất chính sách phát triển giáo dục mầm non. Việc thực hiện văn bản này sẽ có tác động trực tiếp đến nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em và chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng học tập ở trường Tiểu học và ở các cấp học tiếp theo.
Việc xây dựng “Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi” thể hiện nỗ lực to lớn để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em mầm non trong thời kì mới. Các tiêu chuẩn đánh giá con người không chỉ chú ý đến hiểu biết, tri thức hàn lâm, mà coi trọng năng lực thực hiện hay các kĩ năng hành động và thái độ đối với việc học tập, hoạt động của con người. Các giá trị và năng lực thực hiện của trẻ em năm tuổi cũng cần đảm bảo tính liên thông theo hệ thống từ GDMN đến giáo dục tiểu học và tiếp tục ở các bậc học tiếp theo, đảm bảo việc phát triển bền vững lâu dài.