Nhiều địa bàn đặc thù được TPHCM chọn thử nghiệm CT GDMN mới

GD&TĐ - Thử nghiệm thí điểm Chương trình GDMN mới, Tp Hồ Chí Minh đã chọn các trường mầm non đại diện cho các khu vực đặc thù, để ghi nhận phản hồi. 

Tp Hồ Chí Minh chủ động nhập cuộc thử nghiệm thí điểm Chương trình GDMN mới.
Tp Hồ Chí Minh chủ động nhập cuộc thử nghiệm thí điểm Chương trình GDMN mới.

Quy mô giáo dục mầm non Tp Hồ Chí Minh và hệ thống trường lớp cơ bản đáp ứng được nhu cầu gửi con của người dân. Các trường mầm non được chọn thí điểm đều bảo đảm đáp ứng yêu cầu.

Chủ động nhập cuộc

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên (CBQL, GV, NV) ngày càng được chuẩn hóa, trình độ chuyên môn nghiệp vụ nâng cao đáp ứng xu thế phát triển xã hội. Với các điều kiện cơ bản trên, Tp Hồ Chí Minh là 1 trong 6 tỉnh/ thành thực hiện thử nghiệm Chương trình giáo dục mầm non (GDMN) mới theo Quyết định số 437/QĐ-BGDĐT ngày 28/1/2022 của Bộ GD&ĐT về ban hành Kế hoạch triển khai các hoạt động xây dựng, ban hành Chương trình GDMNB mới; Công văn số 627/VKHGDVN- GDMN ngày 24/10/2022 của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam về thử nghiệm Chương trình GDMN mới.

Để thực hiện kế hoạch 627/VNCKHGDVN-GDMNM ngày 24/10/2022 hiệu quả, Sở GD&ĐT đã triển khai đến 3 quận/huyện tham gia thử nghiệm. Trong đó huyện Cần Giờ là vùng khó khăn ven biển cách xa trung tâm thành phố, điều kiện kinh tế khó khăn dân cư chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt trên biển và nông nghiệp thủy hải sản; 2 quận ở khu vực thuận lợi gần trung tâm TP có mật độ dân cư đông, Quận 11 có nhiều trẻ em là người Hoa, đa số cha mẹ trẻ làm nghề buôn bán và Quận 7 khu đô thị mới, gần trung tâm TP, phần lớn cha mẹ trẻ là doanh nghiệp, cán bộ công chức.

Tại các quận/huyện này, có 4 trường mầm non ở khu vực thuận lợi (Quận 7: 1 ngoài công lập thử nghiệm,1 trường NCL đối chứng; Quận 11: 1 trường công lập thử nghiệm, 1 công lập đối chứng); 2 trường mầm non tại khu vực khó khăn huyện Cần Giờ (1 công lập thử nghiệm, 1 công lập đối chứng). Mỗi trường đều có 4 nhóm/ lớp tham gia thử nghiệm bao gồm (nhóm trẻ 24 - 36 tháng, lớp Mầm (3-4 tuổi), lớp Chồi (4-5 tuổi) và lớp Lá (5-6 tuổi). Số trẻ tham gia thử nghiệm: 283 trẻ/3 cơ sở GDMN trong đó (nhóm 24 – 36 tháng: 72 trẻ; Lớp Mầm 57 trẻ; Lớp Chồi 79 trẻ; Lớp Lá 75 trẻ.

Trao đổi chuyên môn về triển khai thí điểm Chương trình GDMN mới.

Trao đổi chuyên môn về triển khai thí điểm Chương trình GDMN mới.

Giữa tháng 11/2022 các phòng GD&ĐT đã tập huấn bồi dưỡng và hướng dẫn các CBQL, GV tham gia thực hiện thử nghiệm chương trình GDMN mới. Đồng thời phối hợp cùng nhà trường tiến hành giai đoạn khảo sát lấy ý kiến về khung kết quả mong đợi Nhà trẻ, mẫu giáo của 3 đối tượng (CBQL, GVMN và cha mẹ trẻ) và cùng phân tích, tổng hợp kết quả khảo sát.

Để cho việc lấy ý kiến khảo sát đạt hiệu quả và có kết quả nhanh nhất, các đơn vị thống nhất tạo 3 đường link thực hiện bảng khảo sát cho 3 đối tượng, tuyên truyền đến cha mẹ trẻ thông qua nhiều hình thức: trao đổi khảo sát trực tiếp, qua zalo, tin nhắn.…… Sau đó tổng hợp các phiếu khảo sát.

Tổ chức thử nghiệm

Sở GD&ĐT chỉ đạo các phòng GD&ĐT luôn giám sát, hỗ trợ các đơn vị thử nghiệm thực hiện từng bước, trong quá trình thực hiện kịp thời lưu trữ minh chứng và ghi nhận các thuận lợi khó khăn để báo cáo về Sở GD&ĐT đồng hành cùng các chuyên gia của Viện KHGD Việt Nam và Vụ GDMN tháo gỡ khó khăn, hướng dẫn cho các đơn vị tiếp tục thực hiện theo kế hoạch.

Dựa trên trên kết quả khảo sát, tình hình thực tế về năng lực, điều kiện của đơn vị các CBQL tiến hành điều chỉnh kết quả mong đợi ở khối nhà trẻ, mẫu giáo phù hợp với sự phát triển của trẻ tại đơn vị.

Kế hoạch triển khai thí điểm đã được Tp Hồ Chí Minh triển khai quy củ. Hướng dẫn GV nhóm/ lớp thực hiện cụ thể hoá kết quả mong đợi trong chương trình GDMN mới theo từng độ tuổi phù hợp với sự phát triển của trẻ tại nhóm/lớp.

Từ kết quả đã cụ thể hóa mong đợi, CBQL cùng với giáo viên thực hiện cụ thể hóa khung nội dung giáo dục trong Chương trình GDMN mới ở các lứa tuổi nhóm 25-36 tháng và mẫu giáo 3-4 tuổi, 4-5 tuổi, 5-6 tuổi phù hợp với nhu cầu, hứng thú của trẻ em và văn hóa tại địa phương.

Chủ động nhập cuộc, thí điểm bảo đảm tính đa dạng trong triển khai thử nghiệm.

Chủ động nhập cuộc, thí điểm bảo đảm tính đa dạng trong triển khai thử nghiệm.

Tháng 1/2023, các đơn vị thử nghiệm cơ bản hoàn thiện các bước thử nghiệm. Hiện nay các đơn vị đang trong quá trình tổ chức thực hành tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ học qua chơi và trải nghiệm ở các lĩnh vực Thể chất; làm quen với Toán; Khám phá khoa học và công nghệ; Ngôn ngữ; Tình cảm- xã hội; Nghệ Thuật.

Thông qua các hoạt động hằng ngày như: Đón trẻ, giờ học, hoạt động ngoài trời, hoạt động vui chơi, hoạt động các phòng chức năng, sinh hoạt chiều, sinh hoạt ngoại khóa v.v…. kết hợp đánh giá sự phát triển của trẻ hàng ngày để kịp thời hỗ trợ trẻ trong các nhóm/ lớp thử nghiệm.

Sở GD&ĐT Tp Hồ Chí Minh, các phòng GD&ĐT đã dự thực tế 2 hoạt động giáo dục trẻ tại nhóm 25-36 tháng về lĩnh vực hoạt động nghệ thuật “Chiếc đĩa sắc màu”; Lớp 5-6 tuổi về hoạt động lĩnh vực làm quen với Toán “Bảo toàn số lượng trong phạm vi 10”, Quận 11.

Kết quả dự thực tế: Nội dung GV tổ chức thực hiện ở mức cao (phát triển chương trình). GV linh hoạt trong tổ chức các hoạt động, bám sát mục đích yêu cầu. Trẻ được trải nghiệm thực hành các hoạt động phù hợp năng lực, hiệu quả. Dự kiến tiếp tục hỗ trợ dự thực tế tại Quận 7 các hoạt động liên quan chủ đề và hoạt động liên quan về dự án tại huyện Cần Giờ trong tháng 3/2023.

Trong suốt quá trình thực hiện thử nghiệm Chương trình GDMN mới, các cán bộ Trung ương (Vụ Mầm non, Viện KHGDVN), các giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP Hồ Chí Minh luôn đồng hành, quan tâm kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở GDMN thông qua các hình thức trực tuyến, trực tiếp, tin nhắn zalo... để đảm bảo thông suốt khi triển khai.

Chuyên gia ghi nhận, các cơ sở GDMN đã xây dựng hệ thống nội dung chủ đề, sự kiện, dự án phù hợp với kinh nghiệm sống, sự phát triển của trẻ, điều kiện thực tiễn ở đơn vị. Giáo viên xây dựng kế hoạch giáo dục năm, tháng, tuần, ngày phù hợp với điều kiện thực tiễn tại nhóm/ lớp, kinh nghiệm sống, nhu cầu hứng thú, năng lực của trẻ và dựa trên quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ