Cần thiết có bộ chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm

GD&TĐ - Nhận xét về chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm (GVSP), PGS.TS Nguyễn Văn Đệ - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp – khẳng định: Chuẩn nghề nghiệp là công cụ để giảng viên tự soi, tự sửa để phấn đấu, rèn luyện phát triển nghề nghiệp. 

Cần thiết có bộ chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm

Đồng thời, ông cho rằng: Cần thiết phải ban hành bộ chuẩn nghề nghiệp GVSP trong giai đoạn hiện nay, coi chuẩn như là một công cụ để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên các trường/ khoa sư phạm.

Khung năng lực phát triển nghề nghiệp trong thời đại 4.0

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đệ, GVSP có chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non, phổ thông, cán bộ quản lý, nhà nghiên cứu khoa học giáo dục. Để hoàn thành sứ mạng đó, một trong những yêu cầu đặt ra đối với GVSP hiện nay là phải phát triển nghề nghiệp liên tục đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục mầm non, phổ thông trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng 4.0.

Để GVSP có thể tự soi, tự sửa, tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học sát với yêu cầu của nghề nghiệp thì sự cần thiết phải có khung năng lực về nghề nghiệp GVSP làm căn cứ để phấn đấu, rèn luyện và tự bồi dưỡng để điều chỉnh; Mặt khác công tác đánh giá và tự đánh giá giảng viên phải khoa học, khách quan, xác thực.

“Bộ chuẩn nghề nghiệp GVSP mà Bộ đang xây dựng đã mô tả về khung năng lực giảng viên cần đạt được và cụ thể hóa với những tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ báo mô tả rõ về năng lực và mức độ năng lực của giảng viên trong các lĩnh vực như phẩm chất nghề nghiệp; Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; Nghiên cứu khoa học, xây dựng môi trường giáo dục dân chủ, phát triển quan hệ xã hội” - PGS.TS Nguyễn Văn Đệ khẳng định

Bộ chuẩn rõ ràng, cụ thể giúp giảng viên tự đánh giá

Với mục đích giúp giảng viên tự đánh đánh giá được năng lực nghề nghiệp bản thân từ đó xây dựng kế hoạch tự bồi dưỡng, phát triển, bộ chuẩn nghề nghiệp GVSP đang được Bộ Xây dựng là khung tham chiếu để cơ sở đào tạo đánh giá được năng lực nghề nghiệp giảng viên, từ đó xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo, bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp cho

giảng viên và xây dựng chính sách tuyển dụng, sử dụng giảng viên; Là một trong những khung tham chiếu để cơ quan quản lý Nhà nước đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng của cơ sở đào tạo giáo viên, là dữ liệu tham khảo trong xây dựng chế độ, chính sách phát triển nguồn nhân lực.

Trong dự thảo, bộ chuẩn nghề nghiệp GVSP gồm 5 tiêu chuẩn là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu cần có về năng lực của GVSP trong bối cảnh hiện nay; Hướng dẫn đánh giá giảng viên được thể hiện rõ ràng qua việc tự đánh giá của giảng viên và đánh giá của cơ sở đào tạo giáo viên.

Chuẩn là những yêu cầu cơ bản, cốt lõi, từng cơ sở đào tạo giáo viên có thể bổ sung thêm những yêu cầu về tiêu chí, mức độ hoặc minh chứng cho phù hợp với mục tiêu đào tạo và sứ mạng của nhà trường là hoàn toàn hợp lý.

Những thuận lợi và khó khăn khi đưa chuẩn và áp dụng

Theo PGS Nguyễn Văn Đệ, việc triển khai đánh giá năng lực giảng viên trong hoàn cảnh hiện nay cũng còn có những thuận lợi, thách thức. Thực tế cho thấy, trong những năm qua, việc đánh giá giảng viên còn chưa có những quy định mang tính pháp lý, chủ yếu dựa trên những văn bản hành chính về ngạch bậc của giảng viên; Các tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ báo, minh chứng chưa được phân định, thể hiện rõ khi triển khai đánh giá giảng viên, các mức năng lực chưa được xác định và phân hạng theo các mức cụ thể;

Tiếp đó là quy trình đánh giá, cách thu thập minh chứng, việc lưu trữ hồ sơ và kết quả phân loại năng lực giảng viên chưa thành hệ thống; đánh giá còn mang tính chủ quan, cảm tính, chưa căn cứ vào kết quả và minh chứng sản phẩm công việc và năng lực thực hiện của GVSP.

Chính vì vậy, ông cho rằng: Yêu cầu đối với đánh giá giảng viên theo chuẩn cần phải đảm bảo: Tính khách quan, tính phát triển; tính dự báo; tính toàn diện và sát thực; tính hệ thống. Theo ông, thuận lợi cho các cơ sở trong đánh giá giảng viên theo chuẩn: Có một công cụ mang tính pháp lý trong tay để làm thước đo đánh giá giảng viên một cách khoa học. Giúp giảng viên tự ý thức, tự bồi dưỡng để đạt chuẩn và vượt chuẩn, có cơ sở khoa học để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giảng viên và chiến lược phát triển giảng viên.

Khó khăn và rào cản trong công tác này, theo PGS.TS Nguyễn Văn Đệ đó là: Tâm lý ngại thay đổi của giảng viên, thói quen làm theo chỉ đạo, không có lưu giữ minh chứng cho hoạt động; tính kế hoạch trong hoạt động của mỗi giảng viên chưa cao. Một bộ phận giảng viên trong các cơ sở đào tạo giáo viên được đào tạo chuyên sâu về khoa học cơ bản, hạn chế nghiên cứu về khoa học giáo dục sẽ có những phản ứng về chuẩn. Mặt khác, chế độ chính sách đối với giảng viên hiện nay có một số điểm bất cập…

Để khắc phục tình trạng nêu trên, hiệu trưởng cơ sở đào tạo giáo viên dựa vào khung tham chiếu của Chuẩn GVSP cần chỉ đạo bộ phận chức năng xây dựng công cụ để đánh giá năng lực giảng viên theo các mức độ; xác định hệ thống các chỉ số, minh chứng giảng viên cần có tương ứng với từng mức độ đạt được của giảng viên sao cho phù hợp với mục tiêu, sứ mạng của nhà trường. Bộ GD&ĐT và cơ sở đào tạo giáo viên cần nghiên cứu thay đổi một số chính sách đối với giảng viên cho phù hợp với những yêu cầu về năng lực giảng viên trong bối cảnh đổi mới hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.