Cần chính sách sát thực tiễn
Những năm qua, vấn đề tự chủ trong giáo dục Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều trường bước đầu đạt được kết quả khả quan. Tuy nhiên, thực tế cho thấy quyền tự chủ của các trường đại học vẫn chưa được thực hiện đầy đủ và cũng chưa tạo ra những bước tiến đáng kể như kỳ vọng.
Tại Hội thảo khoa học quốc gia "Nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ" do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ tổ chức, các chuyên gia giáo dục đã nêu ra nhiều “trăn trở”, cũng như đề xuất giải pháp khả thi tháo gỡ những nút thắt này.
Theo PGS. TS Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, chính sách và cơ chế về nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học cần hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý thuận lợi vào việc đầu tư nguồn lực cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ.
Tự chủ đại học đã được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thể chế hóa thành quy định, hướng dẫn khá đầy đủ. Nhưng trong thực tế dưới góc độ thực thi về quyền tự chủ thì chủ yếu mới chỉ dừng lại trên các văn bản hành chính, việc triển khai thực hiện trong thực tế tại các trường trong toàn quốc còn rất hạn chế. Cần tiếp tục có những thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học sao cho phù hợp với những điều kiện thực tiễn và có hiệu quả nhất, bảo đảm chính sách, pháp luật về tự chủ phải đồng bộ và cụ thể.
TS Phạm Đỗ Nhật Tiến, thành viên Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng: Hiện nay khung pháp lý về tự chủ không phải chỉ nằm gọn trong Luật Giáo dục Đại học, hoạt động giáo dục đại học còn chịu sự điều chỉnh trực tiếp của các bộ luật liên quan khác như Luật Cán bộ công chức và viên chức, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách, Luật Khoa học - Công nghệ, Luật Quản lý tài sản công... dẫn đến chồng chéo, vướng mắc cho các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ.
Trong quá trình triển khai thực hiện tự chủ tại các cơ sở giáo dục đại học đã bộc lộ những hạn chế nhất định, làm ảnh hưởng đến quyền và khả năng tự chủ của các trường, đặc biệt là về lĩnh vực tài chính, như: về mức độ giao quyền tự chủ trên các lĩnh vực; về cơ chế khuyến khích các trường tự chủ; về hoạt động liên doanh liên kết; việc sử dụng tài sản, cơ sở vật chất cho thuê….
Tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, cũng cần phải chú ý đến quyền định đoạt đối với các khoản thu và chi. Đây là bất cập cần phải có những giải pháp và tháo gỡ kịp thời.
Theo thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, cần hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý thuận lợi vào việc đầu tư nguồn lực cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ. |
Nâng cao tự chủ tài chính
Ông Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học FPT cho biết: Trong bối cảnh dịch chuyển từ tinh hoa sang đại chúng, từ cung cấp nhân lực cho kinh tế công nghiệp sang cung cấp nhân lực cho dịch vụ, kinh tế tri thức trong bối cảnh công nghệ thay đổi hiện nay, nhiều khi chính sách chưa theo kịp sự phát triển của các trường.
Nhiều vấn đề vướng mắc cần được tháo gỡ nhưng quá trình lại kéo dài, khi đó sẽ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của các trường. Ví dụ điển hình là chính sách Nhà nước vẫn ưu tiên xã hội hóa giáo dục, trong đó có giáo dục đại học, đặc biệt các chính sách liên quan đến sử dụng đất.
Hiện nay chỉ 1/3 các tỉnh miễn đất giáo dục trong đó chủ yếu các tỉnh vùng sâu vùng xa, còn lại vẫn tính tiền. Mà theo quy định hiện nay trường ít nhất phải có 5ha đất, nếu tính theo giá đất hiện nay không một trường nào có thể kham nổi, cần sự đầu tư của doanh nghiệp.
Hoặc một vấn đề nữa liên quan đến học phí. Trong khi phần chi phí đầu tư cho giáo dục còn thấp, thay vì miễn thì chúng ta vẫn cứ thu để đầu tư cho giáo dục, tất nhiên đối tượng nào cần miễn thì vẫn miễn. Nhưng việc miễn 100% học sinh thì không hợp lý, mặc dù có vẻ đây là chính sách hợp lòng dân. Dùng tiền đấy nâng lương cho giáo viên, nâng cao chất lượng hiện đang có thì tốt hơn nhiều, vì học phí hiện nay chỉ vài trăm nghìn thì không phải quá sức người dân.
Đồng quan điểm, nhiều đại biểu cho rằng: Các trường công vẫn chưa được quyền tự chủ hoàn toàn trong việc sử dụng cơ sở vật chất, đặc biệt là quyền sử dụng đất vẫn phải theo quy định của các cơ quan chủ quản. Các trường vẫn bị hạn chế trong việc liên kết và cho thuê đất nhằm phục vụ cho quá trình đào tạo, liên kết, hợp tác giáo dục trong và ngoài nước, do đó nhà trường bị hạn chế một phần đáng kể về các khoản thu.
Với những hạn chế nhất định xuất phát từ nội tại của cơ chế tự chủ tài chính và quản lý tài chính tại các trường đại học công lập, cần thiết phải xây dựng hệ thống giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa cơ chế tự chủ tài chính cũng như hoàn thiện công tác quản lý tài chính theo xu hướng sẽ trao quyền tự chủ hoàn toàn cho các trường đại học công lập ở Việt Nam.