Ngày 12/5, tại Cần Thơ diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ”. Hội thảo do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ tổ chức.
Tham dự hội thảo có PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, GS.TS Trình Quang Phú - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, GS.TS Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ và các diễn giả, chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục của các trường cao đẳng, đại học trong cả nước.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, đặc biệt trong bối cảnh phát triển kinh tế xã hội trong nước cũng như quốc tế hiện nay. Hội thảo đưa ra bàn luận và có giải pháp cho các vấn đề đặt ra như: Nguồn lực lấy từ đâu? Đầu tư nguồn lực đến mức độ nào? Ưu tiên nguồn lực đầu tư từ đâu? Đầu tư cho giáo dục đại học nên tiếp cận theo cơ chế thị trường hay cần có sự can thiệp của Nhà nước và sự can thiệp đó đến mức độ nào?
PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại hội thảo. |
Thứ trưởng mong muốn, các đại biểu cùng nhau bàn luận đưa ra những giải pháp thiết thực, hiệu quả để cải thiện nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Từ những đóng góp đó Bộ sẽ đề xuất với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cùng xã hội để giáo dục đại học thực sự trở thành một động lực then chốt cho phát triển đất nước trong những năm tới.
Tại hội thảo các diễn giả đã tham luận nhiều vấn đề liên quan đến đầu tư nguồn lực như: Chuyển đổi giáo dục đại học đến 2030: Những thách thức về chính sách và tài chính và vai trò của Nhà nước và xã hội; Nguồn lực tài chính cho trường đại học nhìn từ cơ chế thu, chi; Đầu tư cho Giáo dục đại học Việt Nam theo tinh thần xem giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu: Thực trạng và giải pháp;
Đề xuất mô hình phát triển nguồn nhân lực Việt Nam gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội; CHATGPT sẽ là tác nhân chính thúc đẩy đổi mới giáo dục đại học trong thời đại 4.0; Nguồn lực công nghệ cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ: Thực tiễn tại Trường Đại học Kinh Bắc; Hợp tác quốc tế về điều dưỡng tại Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ: Những kết quả bước đầu trong đào tạo và định hướng việc làm tại Nhật Bản và Đức; Khoảng trống nguồn lực đầu tư về khoa học mở cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ...