Cần nhiều hơn nữa chính sách đặc thù cho giáo viên miền núi

GD&TĐ - Liên quan đến đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo, nhiều thầy cô cho rằng cần nhiều hơn nữa chính sách đặc thù cho người công tác ở miền núi, biên giới.

Các thầy cô giáo vùng cao mong muốn Luật Nhà giáo cần đảm bảo quyền lợi trong giảng dạy.
Các thầy cô giáo vùng cao mong muốn Luật Nhà giáo cần đảm bảo quyền lợi trong giảng dạy.

Cần tăng lương cho nhà giáo

Ông Nguyễn Công Viên, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sông Mã (Sơn La) có nhiều năm gắn bó với ngành giáo dục vùng cao Sơn La. Ông Viên cho rằng: Đội ngũ nhà giáo là lực lượng đông đảo nhất trong tổng số công chức, viên chức của tất cả các ngành, lĩnh vực, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước (chiếm khoảng 70%). Vai trò, vị trí, nhiệm vụ của nhà giáo ngày càng quan trọng, nhưng hệ thống pháp luật quy định về nhà giáo hiện nay tương đối phức tạp, có nguy cơ triệt tiêu lẫn nhau. Vì vậy, xây dựng Luật Nhà giáo để định vị vị trí pháp lý và các điều kiện đảm bảo cho sự phát triển của ngành, đồng thời còn là một yêu cầu cấp thiết.

Theo ông Viên, Sông Mã là huyện biên giới của tỉnh Sơn La có địa hình đồi núi, đường sá đi lại hiểm trở và còn khó khăn vất vả. Đời sống của các thầy cô giáo và học sinh đến trường còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, đồng lương ít ỏi không đáp ứng nhu cầu của cuộc sống. "Tôi mong muốn cần phải tăng lương cho nhà giáo, có chính sách trợ cấp đặc thù hơn nữa cho giáo viên và học sinh. Qua đó, sẽ góp phần nâng cao đời sống, nơi ở, nơi làm việc đối với đội ngũ nhà giáo vùng cao. Đồng thời, giúp các thầy cô yên tâm công tác, bám trường, bám lớp, bám bản", ông Viên nói.

Còn thầy giáo Phan Thế Anh, Hiệu trưởng trường PTDTBT THCS xã Mường Cai, huyện Sông Mã cho biết: "Trường thuộc xã giáp biên giới còn nhiều khó khăn, để các thầy cô giáo, học sinh vùng cao có điều kiện giảng dạy và học tập được tốt hơn với góc độ là người quản lý, tôi mong muốn luật cần bổ sung và sửa đổi trong khâu tạo chính sách đặc thù đối với nhà giáo. Cần xây dựng hành lang pháp lý bảo vệ nhà giáo và cán bộ quản lý trước những yếu tố ảnh hưởng, tác động ngoài mong muốn", thầy Phan Thế Anh bộc bạch.

Các thầy cô giáo vùng cao mong muốn tăng lương và trợ cấp, để đảm bảo yêu cầu cuộc sống.

Các thầy cô giáo vùng cao mong muốn tăng lương và trợ cấp, để đảm bảo yêu cầu cuộc sống.

“Đặc biệt, tôi mong muốn trong luật có chế độ đãi ngộ, khuyến khích đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Chúng tôi cũng mong muốn là tăng lương, tăng trợ cấp cho giáo viên để phù hợp với công việc thực tế, vì phải đi dạy ở điểm trường khó khăn. Tập trung ưu tiên và quy định tuổi nghỉ hưu hợp lý đối với nhà giáo có trình độ cao, nhà giáo công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo và đối với từng cấp học. Cùng với đó, trong luật cần xây dựng chính sách trợ cấp nhiều hơn nữa đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn”, thầy Thế Anh cho hay.

Giảm độ tuổi nghỉ hưu với giáo viên Mầm non

Ngoài ý kiến về tăng lương, tăng trợ cấp, còn rất nhiều ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của các thầy cô giáo vùng cao ở tỉnh Sơn La về thời gian làm việc của giáo viên mầm non. Vừa qua tại các trường học mầm non còn tồn tại một số bất cập. Có thể kể đến như việc giáo viên mầm non luôn giảng dạy nhiều hơn định mức quy định. Theo các nhà giáo phân tích, khi tuổi càng cao thì sức khỏe, độ linh hoạt, nhạy bén của giáo viên cũng hạn chế nhiều. Bởi vậy, nhiều giáo viên mầm non mong muốn được nghỉ hưu ở tuổi 55, đồng thời có cơ chế hỗ trợ giáo viên mầm non cắm bản, công tác lâu năm.

Cô Nguyễn Thị Oanh, giáo viên trường Mầm non xã Chiềng Kheo, huyện Mai Sơn cho rằng khi tuổi đã cao song các cô vẫn phải đứng lớp dạy múa, hát là một áp lực và khó khăn. Cô Oanh chia sẻ: “Năm nay tôi hơn 50 tuổi. Tôi công tác trong ngành giáo dục được hơn 30 năm. Hàng ngày tôi phải vượt hơn 30km đến trường dạy học, do tuổi cao nên khi thời tiết mưa phùn, gió bấc, rét buốt cũng gặp nhiều trở ngại. Hiện nay, dạy trẻ nhỏ tại các trường mầm non đòi hỏi người giáo viên phải quán xuyến và tiếp cận học sinh khác với thời xưa, vì vậy mất rất nhiều năng lượng”.

“Nỗi lo sợ nhất đối với giáo viên mầm non khi có tuổi cao chính là sức khoẻ và ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Nói vậy vì từ độ tuổi 48, 49 trở lên người phụ nữ sẽ gặp một số khó khăn như: Trí nhớ kém, mắt kém, chân tay run rẩy và nhiều yếu tố khác… sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình giáo dục và chăm sóc cho học sinh. Vì vậy, cần cơ chế chính sách hỗ đặc thù cho giáo viên mầm non ở vùng cao, để các giáo viên yên tâm giảng dạy", cô Oanh thổ lộ.

Hiện nay, nhiều thầy cô giáo dạy cắm bản còn nhiều khó khăn, mong muốn luật có chính sách đãi ngộ cao hơn.

Hiện nay, nhiều thầy cô giáo dạy cắm bản còn nhiều khó khăn, mong muốn luật có chính sách đãi ngộ cao hơn.

Cô Đinh Thị Sen, Hiệu trưởng trường Mầm non Chiềng Kheo, huyện Mai Sơn cho biết: Đặc thù nghề nghiệp của giáo viên mầm non khác hẳn so với giáo viên các bậc học khác. Đối tượng của giáo viên mầm non là trẻ em nhỏ tuổi. Tuy nhiên, thời gian làm việc của giáo viên mầm non luôn nhiều hơn quy định. Tuổi càng cao thì độ hoạt bát, nhạy bén của các giáo viên cũng bị hạn chế. Họ không thể chạy nhảy, hát múa cho trẻ nhỏ như các giáo viên trẻ tuổi.

“Đa số giáo viên mầm non đều mong muốn nghỉ hưu ở độ tuổi 55, vì khi tuổi cao thì không còn mềm dẻo, nhanh nhẹn. Vì nghề mầm non là các giáo viên phải múa, hát, âu yếm trẻ nên việc đứng lớp dạy trẻ nhỏ gặp rất nhiều khó khăn và không thể đáp ứng yêu cầu được. Đối với nữ cán bộ quản lý thì ở tuổi 60 vẫn có thể cáng đáng công việc được, nhưng giáo viên đứng lớp thì không được. Do vậy, quá trình xây dựng luật nhà giáo cần giảm độ tuổi nghỉ hưu xuống đối với giáo viên mầm non. Có chính sách đãi ngộ tốt hơn nữa đối với giáo viên trong thời gian tới", cô Sen kiến nghị.

Ông Phạm Văn Khanh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mai Sơn cho hay: "Xây dựng luật nhà giáo cần có chính sách căn cơ phát triển đội ngũ, gồm: Định danh, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quyền và nghĩa vụ nhà giáo. Cùng với đó, luật cần xây dựng chính sách tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch, đào tạo, phát triển nghề nghiệp nhà giáo trọng tâm và hiệu quả. Có cơ chế đãi ngộ, tăng vị thế nhà giáo, tôn vinh nhà giáo và quản lý Nhà nước về nhà giáo tốt hơn nữa. Đây là điều giáo viên rất mong chờ, khi luật nhà giáo được xây dựng và ban hành".

“Tôi nghĩ trong xây dựng Luật Nhà giáo lần này cần làm rõ về tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non. Đồng thời, luật cần bảo đảm đầy đủ quyền lợi về trợ cấp, hỗ trợ đối với giáo viên ở vùng cao như tỉnh Sơn La nói riêng và các tỉnh Tây Bắc nói chung”, ông Khanh cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.