Xây dựng Luật để cụ thể hóa vai trò, tiêu chuẩn nhà giáo

GD&TĐ - Xây dựng Luật Nhà giáo nhằm cụ thể hóa vị trí, vai trò, tiêu chuẩn nhà giáo; việc đào tạo bồi dưỡng nhà giáo, về chính sách đối với nhà giáo...

Cô trò Trường TH 1 thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn (Cà Mau). Ảnh: Q. Ngữ.
Cô trò Trường TH 1 thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn (Cà Mau). Ảnh: Q. Ngữ.

Cần quan tâm vị thế nhà giáo

Theo nhà giáo Lê Xuân Bột, nguyên giáo viên Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (TP Cần Thơ), Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam: Luật Giáo dục 2019, ở Chương 4 nói về vị trí, vai trò, tiêu chuẩn nhà giáo, việc đào tạo bồi dưỡng nhà giáo, về chính sách đối với nhà giáo… Tuy nhiên, để cụ thể hóa những vấn đề này, việc ban hành Luật Nhà giáo sẽ cụ thể hơn.

Trước hết, cần nâng cao bồi dưỡng chuyên môn cho nhà giáo và cán bộ quản lý. Cán bộ chuyên môn các Phòng và Hiệu trưởng các trường cần có trình độ thạc sĩ và bằng Trung cấp chính trị trở lên. Lương cán bộ quản lý Phòng, Sở cần cao hơn giáo viên một bậc, kèm theo phụ cấp để họ toàn tâm toàn ý cho công việc chỉ đạo chuyên môn.

Về chính sách tiền lương nhà giáo cần nâng lên mức đủ sống để giáo viên yên tâm công tác. Hiện nay mức lương của giáo viên còn rất thấp so với nhiều ngành nghề khác. Nghề giáo cần có một mức lương tốt hơn hiện nay đề bảo đảm nhu cầu cuộc sống tốt hơn. Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

Đặc biệt, việc bảo vệ nhân phẩm nhà giáo cần kết hợp với các ngành chức năng làm kịp thời để tránh hậu họa và kéo dài làm ảnh hưởng việc dạy và học của nhà trường. Đồng thời kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ, giáo viên không đủ năng lực chuyên môn và tư cách đạo đức. Khuyến khích tăng lương vượt bậc so với quy chế cho những giáo viên có thành tích xuất sắc 2 năm liền. Về đời sống, mỗi trường cố gắng có nhà công vụ cho giáo viên ở xa giáo viên hoàn cảnh khó khăn khỏi phải ở trọ.

Góp ý kiến về xây dựng Luật Nhà giáo, ông Lê Xuân Bột cho biết: Cần có chính sách phù hợp nghề nghiệp đặc thù; luật hóa các chính sách nhà giáo có tính đặc thù nghề nghiệp; tạo khung pháp lý cho phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực giáo dục; hiệu lực pháp lý mạnh để thực hiện chế độ tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đãi ngộ, tôn vinh và nâng cao vị thế của nhà giáo. Việc phong danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú cần kịp thời, đúng chuẩn để động viên cán bộ, giáo viên...

Có chính sách đãi ngộ, bảo vệ nhà giáo

Nhà giáo Lê Xuân Bột kiến nghị Nhà nước chăm lo, có chính sách đãi ngộ cho giáo viên ở vùng miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Nhưng các chính sách chăm lo, tiền lương... cho những người làm trong ngành giáo dục ở các thành phố lớn - nơi có mức sống cao, giá cả đắt đỏ... cũng cần phải có. Kiến nghị khi xây dựng Luật Nhà giáo cần đưa các chính sách quan tâm, đãi ngộ cho giáo viên ở các thành phố lớn cho tương xứng với thực tế cuộc sống hơn.

Trong Luật Nhà giáo cũng cần đưa ra các quy định cụ thể trong việc bảo vệ quyền lợi, danh dự, nhân phẩm của giáo viên. Cần phải ban hành những điều luật rõ ràng để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của giáo viên. Nếu có những hành vi, thái độ bôi nhọ, xúc phạm đến giáo viên thì phải có hình phạt đủ sức răn đe. Đồng thời cũng cần cụ thể hoá các quy định bảo vệ danh dự, nhân phẩm và thân thể nhà giáo, đặc biệt trên không gian mạng.

Nhà giáo Lê Xuân Bột.

Nhà giáo Lê Xuân Bột.

Có chế độ ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Việc tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phải trên cơ sở đánh giá năng lực, đạo đức nghề nghiệp và hiệu quả công tác. Có chế độ ưu đãi và quy định tuổi nghỉ hưu hợp lý đối với nhà giáo có trình độ cao; có cơ chế miễn nhiệm, bố trí công việc khác hoặc kiên quyết đưa ra khỏi ngành đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Khuyến khích đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Có chính sách hỗ trợ giảng viên trẻ về chỗ ở, học tập và nghiên cứu khoa học. Bảo đảm bình đẳng giữa nhà giáo trường công lập và nhà giáo trường ngoài công lập về tôn vinh và cơ hội đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ... Tạo điều kiện để chuyên gia quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy và nghiên cứu ở các cơ sở giáo dục, đào tạo trong nước...

Luật Nhà giáo rất cần thiết, nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo; tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo; tạo cơ hội cho nhà giáo yên tâm hoạt động nghề nghiệp và có những đóng góp tốt hơn cho ngành, cho đất nước. Đây là vấn đề thu hút được sự quan tâm của đội ngũ nhà giáo trên cả nước - Nhà giáo Lê Xuân Bột

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT

Đến với bài thơ hay: Ngọt ngào tình mẹ

GD&TĐ - Tôi thực sự ấn tượng với bài thơ “Trong lời mẹ hát” của Trương Nam Hương, như một bản nhạc du dương, êm dịu về tình mẫu tử thiêng liêng.

Ảnh minh họa.

Đến với bài thơ hay: Yêu con

GD&TĐ - Bài thơ mở ra với cụm từ 'yêu con' giản dị nhưng sâu sắc, tựa trời cao, biển rộng, như tình yêu không bờ bến.