Cần nhận thức đầy đủ về chương trình giáo dục phổ thông mới

GD&TĐ - Chiều 16/3, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ làm việc trực tuyến với Sở GD&ĐT Lai Châu về đổi mới sách giáo khoa, chương trình GDPT.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì buổi làm việc.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì buổi làm việc.

Chương trình đáp ứng yêu cầu đổi mới

Tại buổi làm việc, ông Đinh Trung Tuấn- Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu cho biết: Xác định là tỉnh miền núi biên giới, gặp nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế xã hội, thời gian qua, Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT cấp tỉnh, cấp huyện được thành lập và ban hành kế hoạch thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Ngành Giáo dục đã chủ động xây dựng kế hoạch của Ngành, chuẩn bị các điều kiện cho công tác đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng.

Sau 2 năm triển khai và thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, lớp 2, lớp 6 và đang triển khai thực hiện đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10, thực tế cho thấy chương trình phù hợp với điều kiện của địa phương về giảng dạy, học sinh học 2 buổi/ngày; cơ sở vật chất, đội ngũ cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới.

Sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn đánh giá học sinh theo Chương trình GDPT 2018. Các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện nghiêm túc, đa dạng, linh hoạt các hình thức, phương pháp đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh đáp ứng yêu cầu cần đạt và biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục.

Hiện nay, tại tỉnh Lai Châu, 100% các đơn vị giáo dục thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; linh hoạt, chủ động biên chế thời gian năm học phù hợp với điều kiện của từng đơn vị.

Các cơ sở giáo dục tích cực tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm để rèn kĩ năng sống, tăng tính thực hành và gắn học tập với thực tiễn cuộc sống, ứng dụng công nghệ thông tin vào trong giảng dạy, học tập. Giáo viên được giao quyền chủ động, xây dựng nội dung kế hoạch môn học, lấy hoạt động của học sinh làm trung tâm, áp dụng các phương pháp tích cực hoá hoạt động của học sinh.

UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo lồng ghép, bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật, thiết bị phục vụ giảng dạy và học học tập nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018. Trang thiết bị được đầu tư theo hướng có ưu tiên, có chọn lọc, bổ sung từng bước, ưu tiên đối với các hạng mục cần thiết, cấp thiết để phát huy hiệu quả.

Thầy Mai Văn Tường - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Dào San (huyện Phong Thổ) phát biểu tại điểm cầu Lai Châu.

Thầy Mai Văn Tường - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Dào San (huyện Phong Thổ) phát biểu tại điểm cầu Lai Châu.

Nội dung sách giáo khoa mới phù hợp từng lớp học

Phát biểu tại buổi làm việc, thầy Hoàng Kim Đô - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Bản Lang số 2 (huyện Phong Thổ) cho biết: Nhà trường có 27 lớp học với hơn 700 học sinh, trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm 99%. Quá trình triển khai chương trình GDPT mới cơ bản thuận lợi.

Để sách giáo khoa và Chương trình GDPT mới được triển khai đầy đủ, bài bản, đúng lộ trình, nhà trường đã tuyên truyền, quán triệt thực hiện theo các văn bản chỉ đạo, thống nhất từ cấp quản lý, giáo viên, học sinh và phụ huynh.

Việc tuyên truyền được triển khai trực tiếp tại nhà trường và lồng ghép vào các cuộc họp bản tại các thôn, bản có học sinh của nhà trường. Do vậy, tinh thần đổi mới theo Chương trình GDPT 2018 đã được phổ biến đầy đủ đến các đối tượng, đặc biệt là người dạy, người học.

Nhà trường cũng cử giáo viên tham gia các buổi bồi dưỡng, tập huấn, trao đổi chuyên môn của giáo viên do Sở GD&&ĐT Lai Châu tổ chức cũng như tập huấn, bồi dưỡng nội bộ tại nhà trường.

Đến thời điểm hiện tại, đội ngũ giáo viên đã nắm rõ, nắm vững nội dung và tinh thần của chương trình mới thông qua học tập, nâng cao trình độ, đảm bảo yêu cầu, lộ trình đặt ra. Từ đó, trường chủ động, linh hoạt hơn trong việc bố trí giáo viên, sắp xếp kế hoạch năm học, đặc biệt đối với những môn học mới.

Còn thầy Mai Văn Tường - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Dào San (huyện Phong Thổ) chia sẻ: Xác định những năm đầu triển khai Chương trình GDPT mới sẽ có khó khăn nhất định nên nhà trường đã bố trí những giáo viên có chuyên môn vững vàng để dạy các lớp học mới. Những giáo viên có nhiều kinh nghiệm, thích nghi nhanh sẽ truyền tải được nội dung đổi mới của chương trình cho các giáo viên khác trong nhà trường.

Những năm qua, trường luôn quan tâm đến đổi mới phương pháp thông qua sinh hoạt nhóm, tổ chuyên môn, nhóm chuyên môn liên trường. Vì vậy đến thời điểm hiện tại, cơ bản các giáo viên đáp ứng được tinh thần đổi mới của chương trình 2018.

Sách giáo khoa mới có nội dung phù hợp với từng lớp học, từng lứa tuổi học sinh. Nội dung bài học đề cập trong các bộ sách giáo khoa mới gần gũi với cuộc sống, phát triển năng lực của học sinh trong thực tế, đáp ứng đúng yêu cầu của Chương trình GDPT mới. Kênh hình, kênh chữ rõ ràng, thu hút sự thích thú của học sinh trong quá trình học tập. - Thầy Mai Văn Tường - Hiệu trưởng Trường PTPDTBT THCS Dào San (huyện Phong Thổ)

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Dào San (huyện Phong Thổ, Lai Châu).

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Dào San (huyện Phong Thổ, Lai Châu).

Giáo viên thấm nhuần tinh thần đổi mới

Tại buổi làm việc, đại diện các Vụ, Cục chức năng của Bộ GD&ĐT đã trao đổi, đề xuất, nêu giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với ngành giáo dục tỉnh Lai Châu về các vấn đề liên quan đến giá sách giáo khoa, ưu tiên kinh phí học tập cho học sinh dân tộc miền núi; tuyển dụng, biên chế đội ngũ giáo viên; thiếu giáo viên dạy các môn học mới; triển khai môn tích hợp, các môn học mới như Tin học, Ngoại ngữ.

Chia sẻ với tỉnh Lai Châu là một tỉnh miền núi, nền kinh tế, xã hội có nhiều khó khăn Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng lưu ý ngành giáo dục những vấn đề về chính sách nhà giáo, chính sách cho học sinh dân tộc thiểu số, vùng khó, tình trạng thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất, kinh phí giáo dục tại địa phương.

Đánh giá cao sự nghiêm túc, chặt chẽ, khoa học, đúng định hướng và đặc biệt là giáo viên tại tỉnh Lai Châu đã thấm nhuần tinh thần đổi mới, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhận định: Chương trình GDPT 2018 có nhiều điểm mới, nhiều sự khác biệt cụ thể, rõ ràng từ mục tiêu, định hướng, nội dung và được đổi mới một cách bài bản, có lộ trình hướng đến sự thay đổi, phát triển toàn diện ngành giáo dục.

Do vậy cần phải có sự quan tâm, nhận thức đầy đủ hơn nữa và quán triệt tinh thần đổi mới đến các cấp quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh và toàn xã hội để có sự nhìn nhận đúng đắn hơn, hiểu rõ hơn về Chương trình CTGDPT mới, sớm đạt được mục tiêu giáo dục đã đề ra...

Trong các ngày 27 và 28/3 tới, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ làm việc với UBND tỉnh Lai Châu và một số trường học trên địa bàn tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Đây là các buổi làm việc quan trọng, giúp đoàn nhận diện đầy đủ những điểm mạnh của chương trình cùng những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, qua đó đánh giá được đầy đủ việc triển khai chương trình GDPT 2018, để tham mưu Quốc hội ban hành các chính sách cho giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ yêu cầu Sở GD&ĐT Lai Châu cùng các nhà trường báo cáo đầy đủ, rõ ràng, phản ánh trung thực tình hình triển khai chương trình, sách giáo khoa GDPT mới tại đơn vị, đi đúng vào những nội dung mà Đoàn giám sát quan tâm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.