Giám sát thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới tại Hưng Yên

GD&TĐ - Việc triển khai chương trình mới tại huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, đã nhận được sự đồng thuận từ phụ huynh và xã hội song còn gặp một số khó khăn.

Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Ngày 13/3, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 - 2022 đã làm việc với một số đơn vị, trường học tại tỉnh Hưng Yên.

Phụ huynh và xã hội đồng thuận

Sáng 13/3, đoàn chia thành 2 tổ, làm việc với Trường Tiểu học Hưng Đạo và Trường THCS Trung Dũng (Tiên Lữ, Hưng Yên). Chiều 13/3, đoàn làm việc với UBND huyện Tiên Lữ. Ông Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì buổi làm việc.

Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Đức Lăng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lữ, cho biết: Trong những năm gần đây, công tác giáo dục và đào tạo của huyện có bước phát triển khá cả về số lượng lẫn chất lượng. Hiện nay, toàn huyện có 48 trường học và 3 cơ sở giáo dục mầm non với 782 lớp; tổng số có 24.973 học sinh. Tổng số cán bộ giáo viên, nhân viên có 1.418 người.

Để đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (CT GDPT 2018), đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được tập huấn, bồi dưỡng đầy đủ, kịp thời. Cán bộ, giáo viên nhận thức đúng đắn; chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện; đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; đổi mới kiểm tra đánh giá.

Hiện tại, huyện cơ bản đảm bảo số lượng giáo viên giảng dạy môn Tin học và Công nghệ ở khối lớp 3 cấp Tiểu học; môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở khối lớp 6,7 cấp THCS.

Tiết học Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp của học sinh lớp 7 Trường THCS Đoàn Thị Điểm, Hưng Yên. Ảnh: TG.

Tiết học Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp của học sinh lớp 7 Trường THCS Đoàn Thị Điểm, Hưng Yên. Ảnh: TG.

Chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục nâng lên. Học sinh mạnh dạn, tự tin, chủ động trong học tập. Bước đầu, các em có khả năng tự học, tự giải quyết vấn đề, biết trao đổi, hợp tác và đạt được các phẩm chất cốt lõi theo yêu cầu cần đạt của chương trình, đặc biệt công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được coi trọng.

Công tác thông tin, truyền thông được thực hiện thường xuyên, chủ động bằng nhiều hình thức, phương tiện khác nhau, nhận được sự đồng thuận từ phụ huynh, học sinh và xã hội.

Tuy nhiên, huyện Tiên Lữ cũng gặp một số khó khăn về đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên. Số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục tiểu học của huyện còn thiếu so với quy định về định mức giáo viên/lớp. Nguồn tuyển dụng đối với 3 cấp học còn hạn chế.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học ở một số trường chưa đồng bộ, việc khai thác sử dụng thiết bị dạy học ở một số nhà trường còn hạn chế. Một số ít đơn vị thiếu phòng học, phòng bộ môn, phòng chức năng. Một số phòng học, phòng bộ môn có diện tích nhỏ hẹp.

Ngoài ra, năm học 2020 - 2021, 2021 - 2022, học sinh phải học trực tuyến trong thời gian dài do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên phần nào bị ảnh hưởng đến phương pháp học tập. Việc bồi dưỡng các mô đun chủ yếu thông qua hình thức online, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng bồi dưỡng.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tiên Lữ, Trần Đăng Tiến, phát biểu tại buổi làm việc.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tiên Lữ, Trần Đăng Tiến, phát biểu tại buổi làm việc.

Xây dựng cơ chế chính sách đặc thù cho giáo viên

Chia sẻ thêm thông tin tại buổi làm việc, ông Trần Đăng Tiến - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tiên Lữ, cho biết: Tính đến ngày 31/12/2022, toàn bộ giáo viên trên địa bàn huyện và tỉnh đã hoàn thành 9 mô đun đào tạo bồi dưỡng. Hiện nay, huyện có 34 giáo viên cốt cán.

Tỷ lệ giáo viên cốt cán bồi dưỡng lại giáo viên trên địa bàn huyện là 1/19 hoặc 1/20. 100% giáo viên được cấp tài khoản miễn phí để hoàn thành bồi dưỡng.

"Nhiều thầy cô tăng cường, chủ động sử dụng giáo án điện tử. Các nhà trường cố gắng triển khai, lắp đặt và phủ sóng Internet trong tất cả phòng học để góp phần ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học", ông Trần Đăng Tiến chia sẻ.

Trong năm đầu tiên thực hiện CT GDPT 2018 với lớp 1, giáo viên còn gặp một số khó khăn. Tuy nhiên, đến nay, sau gần 3 năm triển khai, giáo viên đã tích cực ứng dụng các phần mềm, công nghệ mới vào trong giảng dạy.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đại diện UBND huyện Tiên Lữ đề xuất xây dựng cơ chế chính sách đặc thù cho giáo viên, có lộ trình cải cách tiền lương đối với giáo viên.

Ngoài ra, tiếp tục triển khai các đợt bồi dưỡng về đổi mới chương trình, sách giáo khoa dành cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; mở các lớp tập huấn tại địa phương để đội ngũ giáo viên được tập huấn trực tiếp; đủ các vị trí việc làm theo Điều lệ trường học...

Kết luận buổi làm việc, ông Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thay mặt đoàn công tác ghi nhận sự quan tâm đồng bộ, tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc của cấp uỷ, chính quyền huyện Tiên Lữ cho việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa nói riêng và ngành Giáo dục địa phương nói chung.

Bên cạnh đó, ông Đinh Công Sỹ ghi nhận, đánh giá cao tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm, yêu nghề của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên các nhà trường trong quá trình triển khai chương trình mới. Điều đó đã góp phần tạo dựng không khí đồng thuận trong nhà trường và sự hào hứng, thích thú cho học sinh.

Chia sẻ với những khó khăn của huyện Tiên Lữ, ông Đinh Công Sỹ đề nghị cấp uỷ, chính quyền địa phương nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên đoàn giám sát; tiếp tục quan tâm đầu tư ngân sách, huy động nguồn xã hội hóa theo quy định để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao khi triển khai chương trình mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.