Căn nhà nhỏ, giấc mơ lớn

Căn nhà nhỏ, giấc mơ lớn

Coù nhöõng giaùo vieân chöa mua ñöôïc nhaø rieâng ñaõ phaûi ôû nhaø troï nhö sinh vieân (aûnh minh hoaï)
Có nhiều giáo viên phải ở nhà trọ như sinh viên (ảnh minh hoạ)

(GD&TĐ) - Phần lớn những người làm công ăn lương hiện nay, trong đó có giáo viên, nếu không có sự tích lũy kiên trì, sự trợ giúp tài chính của gia đình và cả vay mượn thêm, thì một căn nhà nho nhỏ cũng là giấc mơ xa vời.

Một căn nhà nhỏ, cả nhà lao đao

Trong lần được mời về chơi nhà anh Linh (Thư ký hội đồng của một trường Tiểu học ở thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa), chúng tôi thêm hiểu nỗi gian nan của không ít giáo viên tỉnh lẻ khi phải lo chốn an cư.

Vợ anh Linh cũng là giáo viên một trường tiểu học cùng thị xã, căn nhà của đôi vợ chồng này nằm nép mình ở cuối thị xã, cách quốc lộ 1A cũng không xa. Nhà một tầng mái bằng còn khá mới, trên diện tích đất chừng 50 m2, diện tích như thế là khá khiêm tốn là khá khiêm tốn so với những ngôi nhà bề thế, diện tích rộng trong cùng khu vực.

Anh Linh khoe mới dựng được chốn an cư này hơn năm nay. Cả hai vợ chồng đều ở huyện khác đến dạy học và sinh sống ở đây. Căn nhà là niềm hạnh phúc khi chấm dứt được gần 10 năm triền miên thuê nhà trọ, cứ một vài năm lại chuyển một lần. 

“Trước vợ chồng ở trọ cũng chỉ 400 - 500 ngàn đồng một tháng. Chủ nhà trọ thương giáo viên nghèo nên thu tiền thuê phòng trọ từng tháng, không đến nỗi vất vả lắm, nhưng bất tiện. Hai vợ chồng với hai đứa con mỗi ngày cứ chui ra chui vào căn phòng trọ chỉ có hơn chục mét vuông, xung quanh cùng đồng cảnh thuê trọ là sinh viên trường cao đẳng hay công nhân nhà máy gần đó. Nhà vệ sinh, nhà tắm chung.

Mà nhất là không ổn định. Nay người ta còn đất trống thì làm nhà trọ cho thuê, mai có nhu cầu xây, bán, thế là vợ chồng con cái dắt díu nhau dọn đồ tìm nơi thuê trọ mới. Muốn thuê nhà riêng biệt để ở cho đỡ vất vả, nhưng tiền thuê phải cỡ từ 1 triệu một tháng trở lên, thêm tiền điện nước nữa thì hết lương của chồng hoặc vợ. Vậy nên chấp nhận ở khổ để tích lũy, mong đến ngày có một chốn an cư” - Anh Linh tâm sự.

Chắt chiu hơn 10 năm trời, cộng với sự hỗ trợ của gia đình hai bên nội ngoại, cuối cùng thì vợ chồng anh Linh cũng mua được mảnh đất ven thị xã với giá gần 400 triệu hơn 50 mét đất. Chỉ một, hai năm trước, mảnh đất như vậy không dưới 500 - 600 triệu.

Thời điểm ấy, anh chị chỉ có trong tay chừng 60 triệu đồng dành dụm bấy lâu. Gia đình nội ngoại ở quê cũng góp thêm được chừng 150 triệu; vay ngân hàng bằng sổ lương được thêm mấy chục triệu nữa, còn đâu vay mượn quanh bạn bè thân thiết.

Cố hết mức rồi vẫn còn thiếu 50 triệu để mua mảnh đất đã nhắm được. Có lúc hai vợ chồng tưởng chừng phải gác lại giấc mơ nhà cửa, trả hết các khoản vay quý giá từ người thân và bạn bè, không ngờ người bán đất (là một phụ huynh học sinh trong lớp anh Linh từng làm chủ nhiệm) đã gọi anh Linh đến hỏi có quyết mua không vì người bán đang cần bán và còn bớt thêm 20 triệu, nói luôn là muốn bán cho thầy giáo nên nếu thầy thiếu ít thì cho nợ lại trả dần. Thế là vợ chồng anh Linh mừng còn hơn bắt được vàng, quyết định mạnh dạn mua mảnh đất, xin nợ lại 30 triệu đồng.

Giấc mơ xa vời

Nhiều GV mong ước có nhà công vụ khang trang như thế này
Nhiều GV mong ước có nhà công vụ khang trang như thế này
 

Nhưng mua được đất cũng chỉ mới là một công đoạn. Phần tiếp theo cũng nan giải không kém: Làm sao có tiền để dựng lên ngôi nhà. 

Trước khi mua đất, người quen đã tư vấn, mua đất xong lấy giấy tờ đất đi vay ngân hàng để xây lên chỗ che mưa che nắng. “Lần này thì không dám đi hỏi vay cá nhân, ai có thì đã cho mình vay từ trước rồi, bạn bè cũng chủ yếu là đồng nghiệp, giáo viên với nhau, mấy ai dư dả đâu, người thân thì cũng đã dốc hết cho rồi” - Anh Linh cho biết.

Thật may là nhờ ông anh trai lập nghiệp phương xa vẫn lo lắng cho cậu em, nên đã tìm một người quen am hiểu về vay vốn ngân hàng để xây nhà. Tất nhiên mảnh đất của anh Linh mua vài trăm triệu, thế chấp giấy tờ cho ngân hàng cũng chỉ vay được mấy chục triệu.

Anh trai anh Linh đã bàn trước với bố mẹ, đồng ý cho thế chấp ngôi nhà ở quê kèm theo mảnh vườn hơn 500 m, cũng được suýt soát 100 triệu đồng. Cộng cả lại, được gần 150 triệu, thời hạn vay kéo dài 10 năm.

Anh Linh kể lại: “Lúc ấy cũng hoang mang lắm, mình làm nghề giáo, chỉ toàn con chữ chứ tiếp xúc với tính toán tiền nong bao giờ đâu. Khoản vay mua đất kia, mỗi lần nghĩ đến đã xây xẩm mặt mày rồi, nhưng ít nhất là còn chưa dính dáng đến ngân hàng. Bây giờ cắm giấy tờ đất thế này, không trả được ngân hàng thu đất phát mại thì bố con ra đường cả”.

Rồi anh lại trầm ngâm: “Mỗi lúc nhớ lại thời điểm làm vốn vay ngân hàng mà mình lại rơm rớm nước mắt. Vừa thổ lộ với ông cụ ở quê là có khi chẳng xây nhà nữa, bán mảnh đất 50 m2 ấy đi, mua một mảnh khoảng 30 m2 thôi, tiền dư còn xây nhà.

Nhưng ông cụ gạt phắt, rồi rút ngay sổ hưu ra: Đây, cái này là tiền trả dần hàng tháng cho ngân hàng của anh chị, còn tiền thương binh của tôi nữa là khỏi lo chứ gì. Ở quê rau cỏ sẵn, chăn nuôi, trồng trọt được, có phải mua sắm gì đâu mà lo. Chứ đã cố mà không cố hết mức, loanh quanh rồi lại đi thuê nhà thì khổ”.

Cũng phải co kéo lắm, vợ chồng anh Linh mới biến số tiền thế chấp ngân hàng thành căn nhà hiện nay. Vật liệu mua ở người quen được tính giá thấp, công thợ cũng phần lớn là bạn bè, gia đình và cả phụ huynh học sinh giúp thầy là chính. Tất nhiên còn nhiều mối lo nghĩ về các khoản nợ, nhưng ít nhất bây giờ vợ chồng anh đã có căn nhà cố định, mỗi lần ông bà nội ngoại lên hay bạn bè về chơi có chỗ ngủ lại. 

“Mình đang tính phải làm thêm gì, chứ trông chờ vào lương không thì cũng chỉ đủ ăn, tích lũy để trả ngân hàng thật gian nan. Nhưng bây giờ khó quá, người kinh doanh có nghề còn lao đao nữa là. Nhiều đêm đang ngủ cũng giật mình tỉnh dậy lo nghĩ.

Thôi đành đến đâu hay đến đấy vậy, trước mắt cứ chắt bóp chi tiêu để dành dụm được đồng nào trả ngân hàng hay đồng. Mọi người cứ động viên hai vợ chồng, đã mạnh dạn thì cố gắng, công nợ trả dần cháo nóng húp quanh” - Thầy giáo Linh cố cười khà khà, nhưng trong ánh mắt, nỗi lo âu lại phủ đầy...

Thư Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ