Cần nghiên cứu, xây dựng Luật Nhà giáo trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất

GD&TĐ -  Nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất.

Cô - trò Trường tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Cô - trò Trường tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Vấn đề ngày càng bức thiết

Theo thống kê từ hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục, năm học 2021 - 2022 có 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành Giáo dục; trong đó số giáo viên công lập nghỉ việc là 10.407 người, số giáo viên ngoài công lập nghỉ việc là 5.858 người.

Đề cập đến vấn đề thiếu giáo viên, đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) – cho rằng, đây là vấn đề ngày càng bức thiết. Chúng ta đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; trong đó có nhiều môn học mới nhưng chưa được bố trí đội ngũ giáo viên. Đồng thời, số lượng nhà giáo bị thiếu hụt do nghỉ việc, chuyển việc sau đại dịch Covid-19 đã làm tăng áp lực đối với nhiều địa phương, nhất là giáo viên mầm non.

“Tôi đánh giá cao Chính phủ mới đây đã bổ sung 65.000 chỉ tiêu giáo viên cho các địa phương để triển khai nhiệm vụ năm học mới. Tuy nhiên, số chỉ tiêu trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu giáo viên ở các địa phương, đặc biệt là đô thị lớn, có dân số đông như thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh” - đại biểu Dương Minh Ánh nhìn nhận.

Đại biểu Dương Minh Ánh phát biểu thảo luận tại Quốc hội.

Đại biểu Dương Minh Ánh phát biểu thảo luận tại Quốc hội.

Theo đại biểu đoàn Hà Nội, qua khảo sát tại các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non tại địa phương cho thấy, có tình trạng khó tuyển ở một số vị trí giáo viên dạy các môn mới trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và giáo viên mầm non.

Hiện nay, có lực lượng giáo viên đang làm hợp đồng tại các cơ sở giáo dục hoặc sinh viên đã được đào tạo đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định cũ nhưng chưa đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định mới của Luật Giáo dục 2019. Do vậy, đối tượng này không đủ điều kiện tuyển dụng. Mặc dù địa phương đang rất thiếu giáo viên và có chỉ tiêu nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu.

Ngoài ra, do áp lực công việc ngày càng lớn, yêu cầu về tiêu chuẩn của nhà giáo ngày càng cao nhưng chính sách tiền lương lại chưa tương xứng với công sức của họ bỏ ra, dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám, không giữ chân được người tài giỏi trong lĩnh vực giáo dục. Sinh viên được đào tạo bài bản nhưng ra trường không mặn mà với nghề nhà giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non. Điều này dẫn đến hệ lụy rất lớn cho tương lai phát triển của đất nước.

Sớm đưa Luật Nhà giáo vào xem xét

Từ những vấn đề nêu trên, đại biểu Dương Minh Ánh, đề nghị Quốc hội chỉ đạo nghiên cứu sớm đưa Luật Nhà giáo vào xem xét tại các kỳ họp tới của Quốc hội. Thực hiện đúng chủ trương Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương.

“Trong khi chờ xây dựng Luật Nhà giáo, đề nghị Chính phủ nghiên cứu các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ đối với nhà giáo nói chung và giáo viên mầm non nói riêng để các nhà giáo an tâm công tác, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của đất nước” – đại biểu Dương Minh Ánh đề xuất.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga thảo luận tại Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga thảo luận tại Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình) kiến nghị, cần quan tâm nghiên cứu, xây dựng Luật Nhà giáo trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất. Trong đó có chính sách tốt hơn đối với nhà giáo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Mặt khác, nhanh chóng hoàn thiện ban hành Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2022-2030 và tầm nhìn đến 2045. Đảm bảo ngân sách 20% cho giáo dục, có lộ trình tăng tỷ lệ và mức đầu tư cho giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp lên tương đương với các nước trong khu vực hoặc trên thế giới.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, sự thành bại của đổi mới giáo dục có vai trò quyết định của nhà giáo. Vì vậy cần quan tâm tới chính sách cho nhà giáo. Có giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, ưu tiên biên chế nhà giáo. Đặc biệt là quan tâm đến chính sách đào tạo đội ngũ, bồi dưỡng việc dạy học, chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là những môn học đang dạy theo phương pháp tích hợp.

Tại báo cáo gửi các vị đại biểu Quốc hội về việc cung cấp một số thông tin về lĩnh vực giáo dục và đào tạo trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ GD&ĐT đề nghị Quốc hội cho phép xây dựng Luật Nhà giáo nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, tuyển dụng, quản lý, đãi ngộ, tôn vinh… phù hợp với vai trò, vị trí quan trọng, đặc thù lao động nghề nghiệp của nhà giáo; tạo động lực để nhà giáo gắn bó, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.

Bộ GD&ĐT cũng đề nghị Nhà nước quan tâm tới chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác của viên chức giáo dục để tiền lương và thu nhập của viên chức giáo dục cơ bản đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống.

Đối với giáo viên mới vào nghề, giáo viên hợp đồng cần có chính sách hỗ trợ để đảm bảo thu nhập không thấp hơn lương tối thiểu vùng; được hưởng phụ cấp ưu đãi, các khoản hỗ trợ học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng dạy học…

Ngoài chính sách chung của Nhà nước, các địa phương căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội, có các chính sách hỗ trợ khác về thu nhập, điều kiện làm việc, nhà công vụ, đi lại… cho giáo viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.