Cần nghiêm túc trong việc dạy bơi cho HS

GD&TĐ - Vụ việc 9 em HS nam cùng của lớp 6B, Trường THCS Nghĩa Hà (TP Quảng Ngãi, Quảng Ngãi) bị đuối nước trên sông Trà Khúc chiều 15/4 vừa qua để lại sự đau xót lớn cho gia đình và bàng hoàng đối với xã hội. 

Cần nghiêm túc trong việc dạy bơi cho HS

Bàng hoàng rồi giật mình: Năm nào cũng vậy, bắt đầu bước vào mùa hè là lại thấy đâu đó có tin trẻ bị đuối nước. Một lần nữa, yêu cầu về việc cần nghiêm túc trong triển khai dạy và trang bị kiến thức bơi lội cho trẻ từ tiểu học trở đi lại trở nên cấp thiết, đặc biệt khi một mùa hè nữa lại đang đến gần.

Thực tế từ nhiều năm qua, đòi hỏi phải triển khai mạnh và bài bản môn bơi lội cho các em HS đã được đặt ra trong ngành GD. Việc này không chỉ tăng cường sức khỏe, góp phần thúc đẩy sự phát triển thể trạng cho các em mà còn trang bị kỹ năng sống quan trọng, góp phần hạn chế những vụ đuối nước thương tâm rất thường gặp ở nước ta mỗi khi mùa hè nắng nóng đổ về. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà đòi hỏi cấp thiết này lại chưa được triển khai đồng bộ ở các nhà trường.

Cũng có một điều khó mà ai cũng nhận thấy: Do điều kiện hạn chế về cơ sở vật chất nên hầu hết các trường học ở nước ta (trừ một số trường chất lượng cao hoặc có tiêu chuẩn quốc tế tại các thành phố lớn) đều không hề có bể bơi. Không như các môn hoạt động khác có thể tận dụng hoặc khắc phục thực tế để có thể triển khai, đã dạy bơi thì bắt buộc phải có nước, có khu vực riêng an toàn và vệ sinh.

Để xây dựng một bể bơi đúng tiêu chuẩn sẽ đòi hỏi một khoản kinh phí không nhỏ, chắc chắn nguồn kinh phí dành cho giáo dục trong giai đoạn hiện nay khó có thể đảm đương nổi, trong khi việc kêu gọi xã hội hóa là không tưởng, khi mà còn có những hạng mục cấp thiết hơn cần đầu tư như trường lớp, trang thiết bị dạy học. Vậy việc dạy bơi cho HS sẽ triển khai như thế nào khi mà bể bơi không có?

Thiết nghĩ, hầu hết các đô thị tương đối lớn (chứ không cần đến các đô thị trung tâm) ở nước ta đều có các trung tâm thể thao của địa phương, trong đó thường có bể bơi. Những đô thị nào phát triển hơn thì có những bể bơi công cộng do tổ chức hay cá nhân đầu tư kinh doanh.

Các nhà trường có thể liên hệ với những nơi như vậy, đặt thuê vào những thời gian hợp lý, có thể tận dụng luôn các huấn luyện viên ở các bể bơi này làm người dạy cho các em. Đây thực tế là một hình thức xã hội hóa rất hữu hiệu mà một số cơ sở GD đã và đang triển khai.

Việc chi trả kinh phí cho phía có cơ sở vật chất (bể bơi) và huấn luyện viên triển khai theo tinh thần cha mẹ học sinh tự nguyện chi trả (trên cơ sở đã có sự bàn bạc và thỏa thuận trước). Nhà trường làm công tác tổ chức, có thể cùng với ban phụ huynh tìm kiếm các bể bơi hợp lý, đảm bảo an toàn và chất lượng.

Với các địa phương còn khó khăn về điều kiện kinh tế xã hội, hiện có một mô hình cũng đáng học hỏi là một số trường tận dụng những ao hồ sạch sẽ, ngăn lại một khu vực bằng phẳng để làm chỗ dạy bơi cho HS. Cùng với đó, cha mẹ nếu có điều kiện cũng nên cho con đi học bơi một cách bài bản ngay khi trẻ bắt đầu vào học lớp 1, thay vì trông đợi vào nhà trường.

Có thể có rất nhiều cách làm khác nhau để trang bị kỹ năng bơi lội cho HS. Thiết nghĩ, điều quan trọng là ngành GD cần coi môn bơi lội là một trong những môn học bắt buộc, có thi và cho điểm đàng hoàng. Cùng với đó là việc trang bị kiến thức sơ đẳng về sơ cứu người bị đuối nước cho HS, từ đó các em có thể hỗ trợ lẫn nhau khi có chuyện không hay xảy ra.

Dần dần, sẽ hình thành nên kỹ năng sống đáng quý khi các em trưởng thành, điều mà khi chúng ta xem trên phim ảnh, trẻ em những nước phát triển rất thành thạo, bình tĩnh khi gặp trường hợp người bị nạn cần hỗ trợ, trong khi ở ta, ngay những người lớn cũng không biết phải nên làm gì.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ