Cần mẫn “xóa mù” giữa lòng phố thị

GD&TĐ - “Còn sức khỏe thì tôi sẽ còn cống hiến hết mình cho cộng đồng, sẽ mang cái chữ đến với những cảnh đời khó khăn thiệt thòi ngoài xã hội, để góp phần cho cuộc sống này ngày một đẹp hơn.” - Đó là tâm nguyện xuyên suốt cuộc trò chuyện của tôi với “bà giáo” Phạm Thị Huyền, giáo viên lớp phổ cập xóa mù chữ bậc tiểu học – Trung tâm GDTX quận Thanh Xuân (Hà Nội).

Cần mẫn “xóa mù” giữa lòng phố thị
Cần mẫn “xóa mù” giữa lòng phố thị ảnh 1Cần mẫn “xóa mù” giữa lòng phố thị ảnh 2Cần mẫn “xóa mù” giữa lòng phố thị ảnh 3Cần mẫn “xóa mù” giữa lòng phố thị ảnh 4Cần mẫn “xóa mù” giữa lòng phố thị ảnh 5

Khu Thanh Xuân Nam - quận Thanh Xuân nhiều người biết tiếng và nhớ đến cô Phạm Thị Huyền với vai trò người chủ “lớp học linh hoạt” do chính cô khởi xướng và quyết tâm duy trì suốt 19 năm qua (từ 1998).

Là một người con của đất Tuyên Quang, tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm và dạy bậc tiểu học tại quê nhà, năm 1998, vì điều kiện gia đình, cô chuyển về phường Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội.

Cô Huyền hồi tưởng: “Thời gian mới xa nơi chôn nhau cắt rốn với bao nhiêu lạ lẫm chốn đô thành nhưng bù lại tôi có nhiều thời gian để quan sát, chiêm nghiệm. Ngày ấy, đất Hạ Đình còn hoang sơ lắm. Nhà tôi ở ngày đó quay mặt về hướng "xóm bụi" – nơi có rất nhiều trẻ em không được đến trường vì nhiều hoàn cảnh khác nhau. Và điều đó đã thôi thúc tôi phải làm điều gì đó cho các em, bù đắp cho các em để chúng có điều kiện hòa nhập và trở thành người có ích cho xã hội”.

Học trò đã biết tự tìm lối “xóa mù”

 Được dạy học là tôi vui rồi. Thương các em đều là con nhà nghèo, nên tôi mở lớp. Học sinh của lớp đa dạng lắm, em thì biết vài chữ, em thì chưa biết chữ nào. Vì thế, gọi là lớp nhưng trong một buổi tôi phải dạy vài ba chương trình liền. Lớp học của tôi bây giờ cũng giống như một số lớp ở vùng cao trước đây. Tuy có vất vả, nhưng điều làm tôi vui nhất là hằng ngày thấy các em trưởng thành rất nhiều. Chính sự trưởng thành, ngoan ngoãn của các em tạo cho tôi thêm động lực và quyết tâm “bám lớp”.
Cô giáo Phạm Thị Huyền

Trong câu chuyện đan xen giữa hiện tại và quá khứ, với những khó khăn, quyết tâm và nhiệt tình,…đọng lại trong tâm trí cô Huyền luôn là niềm tự hào về những học trò đặc biệt.

Từ những ngày đầu, vận động mọi nguồn lực sẵn có của gia đình để gây dựng những điều kiện tối thiểu cho một lớp học, rồi gõ cửa từng nhà để vận động các em đến lớp. Lớp học ấy xuất phát từ lòng thương cảm, từ tình người và từ tình yêu nghề còn đang cháy bỏng trong tâm hồn cô giáo trẻ. "Lúc đầu người ta không tin tôi, họ bảo làm gì có người nào dạy không công cho con em mình. Xóm giềng thấy tôi mở lớp, dạy học miễn phí cho bọn trẻ - con của những gia đình “đặc biệt” thì nghĩ tôi là gàn dở" - cô Huyền nhớ lại.

Lớp học đầu tiên với 6 học trò, sau tăng dần lên thành 10, 15, có lúc cao điểm lên tới 19 em. Đủ lứa tuổi, đủ hoàn cảnh. Những hoàn cảnh ấy, bất cứ ai khi gặp nếu không tiếp cận bằng tình yêu thương, lòng trắc ẩn và cả một chút dũng khí thì sự e dè sẽ có thể cản bước họ lại. Cô Huyền và chồng con của cô đã cùng nhau vượt qua mọi định kiến, cùng nhau làm điều thiện, mang ánh sáng tri thức đến với những mảnh đời tối tăm và nhân lên những điều tốt đẹp suốt gần 20 năm qua. Thật đáng khâm phục!.

Lớp cô giáo Huyền không giống bất cứ lớp học nào ở Hà Nội. Mỗi học sinh một hoàn cảnh, một lứa tuổi khác nhau. Nhiều em, một buổi đến lớp, buổi khác phải đi làm kiếm sống. Có học sinh đến lớp lúc 7 giờ sáng, nhưng cũng có em 8 giờ, 9 giờ mới đến được lớp học. Hiện lớp học có 11 học sinh, nhưng mỗi học sinh một trình độ khác nhau, cô giáo Huyền phải điều chỉnh cách dạy cho phù hợp để các em tiếp thu dễ dàng hơn.

Trong tập tài liệu được lưu giữ cẩn thận, cô Huyền tự hào giới thiệu cho tôi những giấy khen, ảnh kỷ niệm, những bài báo đã viết về lớp học của cô. Với cô, đó là chút ghi nhận làm cô thêm ấm lòng, thêm động lực khi được tiếp thêm niềm tin để thực hiện công việc thường ngày.

Danh sách học trò cô Huyền có cả những cái tên rất đặc trưng miền núi: Thèn Thị Giang, Chẻo Chẳn Đôi,… Cô Huyền giới thiệu:

Em Thèn Thị Giang, năm nay 28 tuổi, người dân tộc Nùng, đến từ Xí Mần – Hà Giang. Được người nhà đưa về Hà Nội kiếm việc làm nhưng vì không biết chữ nên dù tiết kiệm mua được chiếc điện thoại nhưng mỗi khi có người nhắn tin lại phải mang đến lớp nhờ cô đọc giúp.

Em Chẻo Chẳn Đôi, người dân tộc Dao đen. Quê Chẳn Đôi ở xã Huổi Luông (Phong Thổ, Lai Châu). Mẹ em mất sớm, nhà nghèo, lại đông anh em, nên Chẳn Đôi được gia đình xin về học ở Làng Hòa Bình. Biết tôi mở lớp dạy chữ cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, lãnh đạo Làng Hòa Bình giới thiệu Chẳn Đôi sang đây theo học. Chẻo Chẳn Đôi rất chăm chỉ học tập. Hiện, em đã học xong chương trình tiểu học và được bố đón về với gia đình.

Lớp học của cô còn rất nhiều trường hợp đáng thương. Chị em Nghiêm Thùy Linh, nhà ở phố Đội Cấn (Hà Nội) là một ví dụ. Nghiêm Thùy Linh, năm nay đã 16 tuổi, nhưng giờ mới theo học để làm quen với những phép tính cộng, trừ đơn giản. Em trai của Linh là Nghiêm Huy Đức, 14 tuổi, hiện đang theo học lớp 3. Chị em Linh có hoàn cảnh rất khó khăn, mẹ mất sớm, bố thiếu quan tâm, nên việc học hành của các em đành lỡ dở. Vì thế, chị em Linh xin vào học lớp tình thương để được cô Huyền dạy dỗ. Ngoài ra, lớp học của cô Huyền còn nhiều học sinh lớn tuổi theo học. Hiện có hai học sinh lớn tuổi đã có gia đình, vừa nuôi con, vừa đi học nên được cô Huyền cho phép học theo một khung thời gian đặc biệt.

Cô Huyền chia sẻ, thay vì phải tìm và vận động học sinh đến lớp như nhiều năm trước, những năm gần đây, học trò đã biết tự tìm hay nhờ người tìm đến gia nhập lớp học của cô. Lớp cô Huyền hiện nay có cả những học sinh trung niên như Nguyễn Gia Cường, năm nay 35 tuổi, người thôn Triều Khúc, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội. Gia Cường đã có vợ và 2 con, làm nghề xe ôm và vẫn chưa biết chữ. Anh tìm đến lớp học của cô Huyền, quyết tâm học chữ vì nhiều lần chạy xe, do không biết chữ, không đọc được biển chỉ dẫn mà đi vào đường cấm, bị phạt nhiều hơn cả số tiền kiếm được.

Hay như Phạm Thị Thoa, 33 tuổi, đến từ Nam Định, đã có con 9 tuổi với người yêu đến từ Bắc Giang nhưng gia đình chồng ra điều kiện phải biết đọc, biết viết để đọc được và ký tên vào Giấy chứng nhận kết hôn rồi mới cho làm đám cưới.

Thái Thanh Bình, năm nay 29 tuổi (Khâm thiên, Hà Nội) cũng vì không biết chữ mà trải qua mấy mối tình thất bại do gia đình nhà gái không chấp thuận. Hiện vừa học vừa làm và đã học qua trình độ lớp 2. Thanh Bình may mắn cưới được người vợ là giảng viên đại học và đã đón đứa con đầu lòng ra đời.

Cô Huyền cho biết: Những trường hợp được “treo thưởng” bằng việc biết chữ khi đã tìm đến với lớp học của cô Huyền đều đảm bảo thành công. Mọi chuyện đều kết thúc có hậu và chính những “giải thưởng” đầy tính nhân văn như thế, chính động lực tự thân và khao khát chinh phục cái chữ cũng đã đưa những hoàn cảnh khó khăn tìm đến đúng nơi để nhận được sự san sẻ.

Cần mẫn “xóa mù” giữa lòng phố thị ảnh 6 Chân dung "bà giáo" Phạm Thị Huyền

Lớp học là gia đình

“Mẹ Huyền” là cách gọi thân mật của các em học sinh trong lớp học của cô giáo Phạm Thị Huyền. Học sinh cô Huyền người thì gia đình ly tán, người thì mồ côi, người thì cha mẹ vướng vòng lao lý,…mỗi em một hoàn cảnh đặc biệt nhưng khi đến lớp, tất cả đều có chung một nguyện vọng: Cố gắng học tập để sau này trở thành người có ích.

Các em đến lớp của cô Huyền không chỉ được học viết chữ, làm tính mà còn được cô dạy bảo về đường ăn lẽ ở, dạy cả nữ công gia chánh và biết san sẻ yêu thương.

Nói về những học trò của mình, cô giáo Phạm Thị Huyền tâm sự: “19 năm trôi qua, nhiều học sinh của tôi giờ đã trưởng thành. Có em được tôn vinh là nhà tạo mẫu tóc giỏi cho các ngôi sao, có em trở thành một đầu bếp có tiếng ở Hà Nội, thành thợ pha chế lành nghề…”.

63 tuổi đời, 43 năm tuổi nghề, trong đó 19 năm miệt mài vận động, dạy học tại lớp học tình thương. Từ lớp học của cô Huyền đã có hàng trăm em học sinh thoát cảnh mù chữ, biết đọc, biết viết và trưởng thành. Lớp học ấy lúc nào cũng ê a tiếng học sinh tập đọc, tập tính... Lớp học của cô thu nạp những học sinh lành lặn, thông minh, nhưng cũng có không ít các em bị tự kỷ, trí tuệ chậm phát triển.

Trước nghĩa cử cao đẹp của cô Phạm Thị Huyền, được sự trợ giúp của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân, những học sinh “tốt nghiệp” tại lớp học tình thương được cô hoàn chỉnh hồ sơ gửi về Trung tâm GDTX của quận tiếp tục theo học. Cứ thế, năm này qua năm khác, tính đến hết năm 2016, cô giáo Phạm Thị Huyền đã trực tiếp dạy học miễn phí, chính thức “xóa mù chữ” cho 160 trẻ em và cả người lớn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Có lớp, có trò, cô duy trì thời gian giảng dạy cho các em trong suốt cả tuần (trừ chủ nhật). Kể từ ngày mở lớp cho tới nay, học sinh của cô Huyền không chỉ được học miễn phí, mà những em có hoàn cảnh quá khó khăn còn được cô trợ giúp giấy bút, sách vở.

Cô Huyền tâm sự: “Sau một thời gian mở lớp, chính quyền phường Hạ Đình biết tin đã đến kiểm tra và quyết định bồi dưỡng, giúp đỡ tôi mỗi tháng 400.000 đồng/tháng theo diện dự án Plan. Khi lớp học đông học sinh hơn, UBND phường Hạ Đình tiếp tục hỗ trợ cho tôi với mức kinh phí 800.000 đồng/tháng. Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, lớp tình thương của tôi được "biên chế" vào Trung tâm Giáo dục thường xuyên của quận Thanh Xuân. Vì thế, mỗi tháng tôi cũng nhận được 2.027.000 đồng gọi là tiền lương. Nhờ khoản hỗ trợ này nên tôi có điều kiện để mua thêm sách vở giúp các em học tập tốt hơn.”.

Chỉ có thấu hiểu mới có thể cảm thông. Chính vì vậy mà ngoài giờ lên lớp, cô Huyền thường dành thời gian để đến tận nơi tìm hiểu hoàn cảnh của các học trò. Có học sinh ở tận Phú Xuyên, có em ở Đội Cấn, Kim Giang... Cô Huyền nói: "Phải biết hoàn cảnh của từng trường hợp cụ thể để có phương pháp dạy hiệu quả, tránh làm tổn thương đến các em. Đó cũng là cách giúp tôi gần gũi với các em học sinh hơn".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ