PGS Nguyễn Văn Đệ, Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp, nhấn mạnh điều này khi chia sẻ giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hỗ trợ giáo viên đổi mới phương pháp
Theo PGS Nguyễn Văn Đệ: Dạy học thực chất là dạy cách học, trong đó học sinh là chủ thể của quá trình tự học, còn giáo viên là chủ thể của việc giúp mỗi học sinh tự học theo cách của học sinh đó. Đây là công việc khó cần sự kiên trì và quyết tâm của các nhà trường và của giáo viên.
Muốn vậy, đầu năm học, hiệu trưởng tổ chức cho giáo viên tìm hiểu học sinh của lớp mình về khả năng học môn học ở năm học mới, hứng thú với môn học, phong cách học môn học, từ đó phân loại học sinh và dự kiến các chiến lược dạy học phù hợp với từng nhóm học sinh; xây dựng kế hoạch dạy môn học, kế hoạch giúp học sinh có trình độ khác nhau;
Đồng thời, tăng cường hoạt động đổi mới phương pháp dạy học, trong đó trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Theo đó, điều kiện tiên quyết để hoạt động đổi mới phương pháp dạy học, mà trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin, chính là các trường phổ thông và mầm non phải tăng dần mức đầu tư để hiện đại hóa thiết bị, công nghệ dạy học; hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, kết nối internet băng rộng…
Mặt khác, mỗi trường cần có chính sách khen thưởng hay hỗ trợ chế độ đối với những giáo viên đã sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin cho dạy và học, cũng như có những chế tài thích đáng đối với các đối tượng yếu kém.
Bồi dưỡng kỹ năng sư phạm và tiềm lực nghiên cứu khoa học
Cũng liên quan đến giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp nhấn mạnh việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng sư phạm và tiềm lực nghiên cứu khoa học với 2 cấp độ:
Cấp độ 1: Bồi dưỡng kiến thức về phương pháp dạy học tích cực, công việc này không chỉ bồi dưỡng lí thuyết mà cả vấn đề thực hành đối với giáo viên, nên các tổ bộ môn, khối lớp cần tổ chức dự giờ lẫn nhau, góp ý.
Cấp độ 2: Tổ chức trao đổi, tổng kết từ mỗi trường đến hội thảo toàn ngành giáo dục. "Chúng tôi nói đến hai cấp độ không có nghĩa là sau đó sẽ không phải bồi dưỡng nữa. Cần nhấn mạnh, tổ chức dự giờ và trao đổi trong bộ môn, trong khối lớp cần được duy trì hàng năm để khẳng định tính chuyên nghiệp cho toàn thể đội ngũ giáo viên trong sử dụng các phương pháp dạy học.
Đồng thời lưu ý, yếu tố quyết định để hoạt động bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng sư phạm và tiềm lực nghiên cứu khoa học cho giáo viên hiệu quả chính là cần có cơ chế thực hiện.
Do vậy, đối với các phòng GD&ĐT, các trường THPT, cần tổ chức một tổ công tác về hoạt động tư vấn và bồi dưỡng (bao gồm những giáo viên cốt cán, có kinh nghiệm) do một lãnh đạo đơn vị phụ trách; mỗi trường THCS, trường tiểu học và trường mầm non cũng có tổ công tác riêng của mình để đôn đốc công việc ở đơn vị.
Kèm theo là các quy định bắt buộc đối với giáo viên như: dự giờ và được đồng nghiệp dự giờ thường xuyên, phải có bản báo cáo với hội đồng giáo dục của trường về việc ứng dụng các kiến thức sư phạm vào nội dung giảng dạy, giáo dục.
"Cũng cần nhấn mạnh rằng, trong các trường phổ thông và mầm non hiện nay, giáo viên cốt cán là những người có năng lực chuyên môn và năng lực nghề nghiệp cao trong lĩnh vực của mình, là đàn anh, bậc thầy đối với các đồng nghiệp trẻ, có quan hệ và có uy tín về mặt học thuật.
Trong lúc đó, giáo viên trẻ là lực lượng công tác lâu dài tại trường, nên đội ngũ này cần nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn và truyền đạt kinh nghiệm từ đội ngũ giáo viên cốt cán" - PGS Nguyễn Văn Đệ cho hay.