3 loại nhu cầu bồi dưỡng giáo viên

GD&TĐ - Từ các nghiên cứu, phân tích về vai trò mới của người giáo viên, cùng thực trạng đội ngũ giáo viên ở vùng Đồng bằng song Cửu Long, PGS.TS. Nguyễn Văn Đệ (Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp) xác định 3 loại nhu cầu bồi dưỡng cho giáo viên nhằm đáp ứng các yêu cầu mới.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Nhu cầu thứ nhất, theo PGS Nguyễn Văn Đệ là nhằm đạt chuẩn chức danh nghề nghiệp, nghĩa là cần bồi dưỡng giáo viên tiềm lực chuyên môn để đáp ứng việc dạy học và tiêu chuẩn viên chức theo chức danh giáo viên đạt tỉ lệ chuẩn theo quy định.

Nhu cầu thứ hai, nhằm đạt chuẩn kỹ năng nghiệp vụ sư phạm, đó là: bồi dưỡng năng lực sư phạm cho các giáo viên mới, nâng cao kỹ năng sử dụng các phương pháp dạy học cũng như xử lí các tình huống sư phạm, sử dụng các phương tiện kĩ thuật hiện đại vào dạy học... Đội ngũ này là những “đầu tàu”, là lực lượng chính trong công cuộc đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học hiện nay.

Nhu cầu thứ ba, nhằm đạt chuẩn giáo viên cốt cán để chủ động đào tạo nguồn giáo viên có chất lượng cao, củng cố hình ảnh, thương hiệu cho mỗi trường phổ thông, mầm non.

PGS Nguyễn Văn Đệ cho rằng, trong không gian giáo dục hội nhập, từ nhu cầu cấp thiết của đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, người thầy phải đáp ứng những tiêu chuẩn do xã hội đặt ra và do những nhu cầu đổi mới tự thân của giáo dục.

Người thầy trước hết phải là một công dân mẫu mực, có nhân cách của người lao động sáng tạo, năng động, có tay nghề, có tâm hồn cao đẹp. Nghĩa là, nhân cách của người thầy phải đủ tầm để làm chủ quá trình giáo dục nhằm tạo ra nền tảng của dân trí, nhân lực, nhân tài.

Những yêu cầu đó phải luôn được đáp ứng ở mức cao nhất, thường trực và hoàn thiện hơn so với nhân cách của một người bình thường.

Do vậy, nội dung bồi dưỡng cho giáo viên ở các trường phổ thông các cấp và giáo viên mầm non sẽ rất đa dạng và phong phú.

“Theo chúng tôi, trong giai đoạn tới cần tập trung chủ yếu vào các nội dung bồi dưỡng để chuẩn hóa chức danh mà người giáo viên đang giữ hạng và nâng hạng viên chức; đồng thời, hướng đến mục tiêu nhằm nâng cao phẩm chất, năng lực đối với giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Nội dung cụ thể cần bồi dưỡng cho giáo viên bao gồm: về lý luận chính trị - hành chính; về chuyên môn; về nghiệp vụ sư phạm; về quản lý; về ngoại ngữ; về tin học; về thái độ tác nghiệp và chia sẻ” – PGS Nguyễn Văn Đệ chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ