Cần luật hóa tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở GD ĐH

Cần luật hóa tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở GD ĐH

(GD&TĐ)-Sáng nay (19/4), hội nghị lấy ý kiến về việc xây dựng Luật Giáo dục Đại học do Ủy ban Văn hóa Giáo dục TNTN&NĐ Quốc hội đã được tổ chức tại Hà Nội. GS.VS Đào Trọng Thi - Ủy viên BCH TW Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm UB VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga tham dự hội nghị...

Các đại biểu tham dự hội nghị
Các đại biểu tham dự hội nghị

Cần thiết phải ban hành Luật Giáo dục ĐH

Tại hội nghị này, nhiều đại biểu khẳng định sự cần thiết phải ban hành Luật Giáo dục ĐH. GS.TS.Trần Ngọc Đường, Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng, đây là vấn đề không chỉ cần thiết mà cấp bách: “Tôi đồng tình về sự cần thiết phải ban hành Luật Giáo dục ĐH, nếu không muốn nói là đã quá muộn”.

PGS.TS.Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm UB VHGDTNTN&TĐ của Quốc hội nhận định, xét từ cơ sở lý luận cũng như cơ sở thực tiễn thì ban hành Luật Giáo dục đại học là cơ sở cần thiết trong tiến trình hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động giáo dục Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, Dự thảo Luật Giáo dục Đại học bao gồm 9 chương, 50 điều quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học; thành lập, sáp nhập, chia, tách, đình chỉ hoạt động giáo dục, giải thể cơ sở giáo dục; quản lý nhà nước về giáo dục đại học…

Trong quá trình soạn thảo Luật Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đã lấy ý kiến của các đối tượng được điều chỉnh của văn bản, tổ chức 3 hội thảo tại 3 miền với thành phần là đại diện các ĐH, học viện, trường ĐH, CĐ, sở GD&ĐT, UBND cấp tỉnh; tổ chức 5 hội thảo chuyên đề với đại diện lãnh đạo các cơ sở giáo dục ĐH liên quan đến các nội dung: tổ chức bộ máy; tài chính và tài sản; đào tạo và kiểm định chất lượng; hợp tác quốc tế…

Theo PGS.TS.Trần Thị Tâm Đan, Luật Giáo dục đại học là cơ hội tốt cho việc đổi mới, kỹ thuật xây dựng pháp luật tạo cơ sở pháp lý cao hơn cho hoạt động giáo dục ĐH phát triển trong tương lai cả về chất lượng cũng như quy mô đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục ĐH đang đặt ra hiện nay.

Vì vậy, sự cần thiết phải ban hành Luật Giáo dục ĐH nhằm phục vụ yêu cầu đổi mới toàn diện công tác đào tạo nhân lực trình độ cao từ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, công tác quản lý, cơ chế  chính sách, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục trên cơ sở hoàn thiện triết lý giáo dục đại học nước ta.

Bên cạnh đó, việc ban hành Luật Giáo dục ĐH còn là yêu cầu khách quan của phát triển kinh tế - xã hội trong nước và hội nhập quốc tế về kinh tế cũng như nguồn nhân lực trình độ cao của Việt Nam.

Còn theo GS.TSKH Bành Tiến Long, từ sau cách mạng Tháng Tám, giáo dục ĐH Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng. Đặc biệt, sau 25 đổi mới đất nước và 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2010, giáo dục ĐH Việt Nam đã được mở rộng và phát triển nhanh về quy mô, đa dạng về loại hình trường và hình thức đào tạo...

Tuy nhiên, cho đến nay, nước ta chưa có Luật Giáo dục ĐH, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước và hoạt động của các cơ sở giáo dục ĐH. Trong khi nền kinh tế nước ta đã hội nhập quốc tế mạnh mẽ, chúng ta có rất nhiều lợi thế trong cạnh tranh kinh tế, trong đó có cả cạnh tranh về nguồn nhân lực thì hoạt động giáo dục ĐH nước ta thiếu sự thống nhất và chỉ đạo về quản lý nhà nước; tính tự chủ ĐH bị hạn chế làm cho các cơ sở không chủ động phát huy được sáng tạo...

Ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở Châu Âu, Luật Giáo dục ĐH đã được ban hành khá lâu đời, tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển bền vững và hiện đại hóa giáo dục ĐH thì chúng ta mới chỉ có Luật Giáo dục. Tuy nội dung Luật này đã đề cập đến giáo dục ĐH nhưng vì tính rộng lớn của nền giáo dục chung cho nên nội dung không đề cập được hết những vấn đề bức xúc mang tính thời sự của Giáo dục ĐH. Vì vậy, theo GS.TSKH Bành Tiến Long, việc ban hành Luật Giáo dục ĐH là hết sức cần thiết.

Cần thiết phải đưa vấn đề tự chủ, tự chịu trách nhiệm vào luật

Tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở GD ĐH cũng là vấn đề quan trọng được nhiều đại biểu đề cập. GS.TS.Trần Hữu Nghị, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường ĐHDL Hải Phòng thể hiện quan điểm đưa nội dung tự chủ, tự chịu trách nhiệm vào Luật Giáo dục ĐH là cần thiết.

Bởi, tự chủ làm cho cơ sở có quyền chủ động hoàn toàn và huy động được sức người, sức của, tài năng, trí tuệ của các đối tượng phục vụ công tác với hiệu suất chất lượng cao, đặc biệt, có thể tiết kiệm được nguồn nhân lực cũng như công sức tiền của. Hơn nữa, cơ sở giáo dục nhận thấy rõ ràng trách nhiệm của bản thân đơn vị, không gây ra tư tưởng dựa dẫm vào cấp trên, thiếu năng động sáng tạo.

Cũng theo GS.TS.Trần Hữu Nghị, tự chủ còn đem lại niềm tự hào của lãnh đạo đơn vị trong việc luôn luôn chủ động trong mọi mặt công tác và đòi hỏi họ phải vươn lên chiếm một vị thế xứng đáng trong xã hội..

Trong dự thảo Luật GD ĐH có đề cập đến “tự chủ”, tuy nhiên mới giới hạn ở vấn đề  hoạt động tài chính của trường tư thục. GS.TS.Trần Hữu Nghị cho rằng, cần đưa vào Luật những nội dung cụ thể hơn như tự chủ, tự quyết trong công tác quản trị nhà trường; tự chủ, tự quyết trong công tác tài chính, trong việc ban hành các quyết định liên quan đến nhân sự, chương trình đào tạo, công tác đánh giá và cấp bằng cấp cho sinh viên.

GS.TSKH Bành Tiến Long cũng đưa ra quan điểm cần bổ sung ít nhất 6 điều, trong đó có tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở GD ĐH. Nội dung tự chủ, tự chịu trách nhiệm thể hiện thông qua quy chế tổ chức và hoạt động của trường. Hội đồng trường là tổ chức quyền lực cao nhất chịu trách nhiệm về quyền này...

PGS.TS.Trần Thị Tâm Đan cho rằng, một trong những nội dung nổi bật trong quá trình đổi mới quản lý giáo dục là quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH đã được quy định ở các văn bản của Chính phủ mang lại những kết quả rất đáng khích lệ.

Vì vậy, nên hoàn chỉnh và phát triển những nội dung này để luật hóa trong Luật Giáo dục ĐH. Trong đó, cần quy định cụ thể quyền tự chủ về chuyên môn, về tài chính tổ chức, nhân sự, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân trong nhà trường cũng như Hội đồng trường, Hiệu trưởng, những chế tài đảm bảo cơ chế công khai, dân chủ ở cơ sở, sự kiểm soát của quần chúng, quyền tự chủ về chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ giáo dục, chế độ chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục về chất lượng đào tạo...

Tại hội nghị này, nhiều đại biểu cũng cho rằng, Luật Giáo dục ĐH phải được quy định cụ thể, tránh tối đa việc ban hành những văn bản dưới luật như Nghị định, Thông tư...

Thiết chế của các điều luật nên đi theo hướng cụ thể về nội dung và đối tượng để có khả năng áp dụng ngay khi thực hiện luật...


Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...