Cần giải quyết bất cập trong mô hình quản lý chuyên môn và quản lý điều hành bệnh viện

GD&TĐ - Sáng 13/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Cần có quy định đảm bảo an toàn

Đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum
Đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum

Đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho rằng, việc đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để xem xét, cho ý kiến thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào thời điểm hiện nay là rất phù hợp và cần thiết với mục tiêu bổ sung đầy đủ cơ chế pháp lý nhằm giải quyết tốt những vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, tăng cường trật tự, kỷ cương, kỷ luật quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.

Để đạt được mục tiêu trên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, đánh giá đầy đủ về thực trạng phát sinh nổi lên có liên quan đến vấn đề khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian qua để bổ sung xây dựng dự án luật đầy đủ, toàn diện nhất.

Theo đại biểu, trong sửa đổi Luật cần đặc biệt chú ý các vấn nạn nổi lên như: tình trạng người nhà đi cùng bệnh nhân, hoặc bệnh nhân có hành vi bạo hành nhân viên y tế tại các bệnh viện, khiến không ít y, bác sĩ, điều dưỡng viên, nhân viên y tế bị xâm hại danh dự, nhân phẩm, sức khỏe và thậm chí cả tính mạng; tình trạng nhiều đối tượng có hành vi lợi dụng hình ảnh, tư cách của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh để phát ngôn, tuyên truyền, quảng cáo gian dối về phương pháp khám bệnh, chữa bệnh, thuốc chữa bệnh, dụ dỗ, lôi kéo người bệnh sử dụng các phương pháp khám bệnh, chữa bệnh, thuốc chữa bệnh chưa được công nhận không đạt tiêu chuẩn…

Đại biểu cho rằng, tại Điều 36 và Điều 94 của dự thảo Luật, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung thêm các biện pháp như: quy định về trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc đảm bảo an toàn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và an toàn của đội ngũ nhân viên y tế;

Có cơ chế hỗ trợ tài chính để thuê lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp làm nhiệm vụ bảo vệ tại các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước, có quy định riêng về xử lý các hành vi gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xảy ra trong khuôn viên cơ sở y tế, trong khuôn viên của bệnh viện;

Cần có chế tài mạnh để xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, nhất là các đối tượng có hành vi bạo hành nhân viên y tế, gian dối trong quảng cáo, bán thuốc chữa bệnh, vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh gây thiệt hại cho người dân.

Đại biểu nhấn mạnh, đối với những đối tượng này cần phải được xử lý rất kiên quyết, kịp thời để đảm bảo phát huy cao nhất yêu cầu về răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Xây dựng lại chương trình đào tạo

Trong bối cảnh Việt Nam đang thiếu hụt bác sĩ tuyến y tế cơ sở hiện nay, đặc biệt là hai năm vừa qua khi đại dịch Covid diễn ra, có gần 5.000 nhân viên y tế, trong đó có rất nhiều bác sĩ là xin thôi việc trong hệ thống y tế công lập. Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình,  việc thiếu hụt đội ngũ nhân viên y tế như trên sẽ rất là nghiêm trọng, bởi vì nhiều bác sĩ đang có tâm lý không yên tâm công tác.

Hiện nay, trên thế giới có một cái loại hình là trợ lý bác sĩ. Họ công tác ở trên 50 nước trên thế giới và Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo nên phát triển loại hình này để lấp đầy khoảng trống nhân lực trong chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân trong khi thiếu hụt nhân lực y tế là bác sĩ.

Trong tình huống thiếu nhân lực y tế, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung đề nghị với cơ quan soạn thảo dự thảo Luật cần nghiên cứu để tiếp tục cấp giấy phép hành nghề cho chức danh y sĩ.

Tuy nhiên, cũng đề nghị với các Bộ chuyên ngành, đặc biệt là Bộ Y tế cũng có quy định xác định lại sứ mệnh, chức năng, nhiệm vụ của y sĩ trong giai đoạn hiện nay và trong thời gian sắp tới để xây dựng lại chương trình đào tạo cũng như là quy định lại chức năng, nhiệm vụ đối với từng vị trí công việc và đào tạo theo hướng chuyên môn hóa chuyên sâu.

Ví dụ như y sĩ chuyên ngành sản nhi, chuyên ngành dinh dưỡng hoặc là chuyên ngành y học cổ truyền để có thể hỗ trợ cho bác sĩ trong mọi hoàn cảnh, mọi vị trí công việc chứ không phải chỉ ở tuyến y tế cơ sở.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung khẳng định: Trong bối cảnh hiện nay, dự thảo Luật cũng đang muốn phát triển cấp cứu ngoại viện thì đào tạo cái chức danh y sĩ này theo hướng có kỹ năng cấp cứu ngoại viện, cấp cứu bệnh viện thì đây là đối tượng sẽ gắn bó với cơ sở y tế cơ sở và đáp ứng rất nhanh cho cấp cứu tại chỗ, cấp cứu tại cơ sở.

Đại biểu Nguyễn Công Long - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai
Đại biểu Nguyễn Công Long - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai

Cần giải quyết bất cập

Góp ý về dự án Luật này, đại biểu Nguyễn Công Long - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng, dịch bệnh chưa hoàn toàn chấm dứt, công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân đang rất khó khăn.

Tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế khiến nhiều người có trách nhiệm trong hệ thống y tế không dám thực hiện việc đấu thầu mua sắm. Sai phạm do thể chế pháp luật không rõ ràng được cho là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.

Do vậy, đại biểu Nguyễn Công Long nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh lần này cần giải quyết những vấn đề bất cập lâu nay trong hệ thống y tế, phải giải quyết những quy định bất hợp lý như mô hình quản lý kiêm nhiệm chuyên môn và quản lý điều hành.

Trước thực trạng đã và đang diễn ra, đại biểu nêu rõ, sự đổi mới về quản trị y tế công là rất cấp thiết. Đại biểu Nguyễn Công Long đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét một số vấn đề như sửa đổi, bổ sung quy định phân định rõ hoạt động chuyên môn, hoạt động quản lý bệnh viện công.

Đồng thời, cần quy chuẩn hóa tiêu chuẩn các chức danh quản lý, điều hành bệnh viện bên cạnh các quy định về điều kiện hành nghề khám, chữa bệnh. Đại biểu cho rằng, Chương III của dự thảo Luật mới tập trung sửa đổi các quy định và các chức danh hành nghề khám bệnh, chữa bệnh mà không quy định tiêu chuẩn về điều kiện hành nghề quản lý.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Công Long đề nghị, cần xem xét quy định các tiêu chuẩn về nhân lực quản lý, đây là một tiêu chí bắt buộc nhằm đánh giá chất lượng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo tiêu chuẩn chung thế giới.

Theo đại biểu Nguyễn Công Long, tại Điều 49 của dự thảo quy định về tiêu chuẩn chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mới chỉ tập trung vào tiêu chuẩn các chuyên khoa hoặc là dịch vụ kỹ thuật mà không có các tiêu chuẩn về quản lý.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện đề xuất thực hiện mô hình tự chủ tài chính và tự chủ bộ máy quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập theo quy hoạch đã nghiên cứu giai đoạn trước đây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng rùa với thiết bị gây nhiễu đặc biệt.

Clip UAV FPV chịu thua xe tăng rùa

GD&TĐ - Máy bay không người lái kamikaze góc nhìn thứ nhất (FPV) của Ukraine đã không hiệu quả khi tấn công những xe tăng rùa của Nga trên chiến trường.
Minh họa/INT

Khi nào Hamas buông súng?

GD&TĐ - Việc phát hiện hố chôn gần 240 thi thể trong bệnh viện Nasser ở thành phố Khan Younis, phía Nam Dải Gaza, thể hiện rõ nhất sự đẫm máu của cuộc xung đột.