Cần ban hành ngay Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm
Đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hoà) cho rằng, chúng ta đang sống trong thời kỳ phòng, chống COVID rất là khổ và mối quan tâm của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị về phòng, chống COVID.
“Luật đầu tiên là Luật Phòng bệnh và nâng cao sức khỏe nhân dân. Theo phụ lục ghi là năm 2019, năm 2020 sẽ xem xét trình thông qua. Tôi đề nghị nên xem xét, vì luật này theo báo cáo là sửa 2 luật. Một là, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân. Hai là, Luật Phòng, chống các bệnh truyền nhiễm. Với dự án luật này tôi nghĩ nên xem xét đưa vào vì nó phù hợp và đáp ứng ngay với yêu cầu hiện nay” – đại biểu Lê Xuân Thân nhấn mạnh.
Cũng theo đại biểu Lê Xuân Thân, Luật Trang thiết bị y tế, theo chương trình xác định sẽ xem xét thông qua năm 2020 nhưng cho tới giờ này vẫn chưa có. Đại biểu Lê Xuân Thân đề nghị nên nghiên cứu để đưa vào trong năm 2022.
Đối với Luật Về tình trạng khẩn cấp, đây là một luật nằm trong diện dài, có nghĩa là theo chương trình dự kiến năm 2021-2025 cũng được đại diện đoàn Khánh Hòa đề nghị nên xem xét, cân nhắc để đưa vào.
“Đối với Luật Phòng bệnh và nâng cao sức khỏe nhân dân, nếu như dự án sửa đổi và thay thế cả 2 luật lớn, thời gian lâu, tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV xem xét cho ý kiến và giao cho Chính phủ và bộ, ngành lo sửa đổi Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngay lập tức vào kỳ họp tiếp theo cuối năm. Điều này đảm bảo có công cụ pháp lý để quản lý và điều hành” – đại biểu Lê Xuân Thân nói.
Trong tình hình mới, đại diện đoàn Khánh Hòa cho rằng, thời gian gần đây, trong đó có Chỉ thị 15, 16, 19 và các nghị quyết của Chính phủ, đại diện đoàn Khánh hòa cho rằng, tất cả những nội dung này nên chuyển tải vào trong dự thảo sửa đổi, bổ sung để ban hành ngay Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Bởi Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm là Quốc hội khóa XII ban hành vào cuối năm 2007. 14 năm qua rồi nghĩa là rất lạc hậu, tới bây giờ cần phải xem xét sửa và cũng không phải câu nệ về thời gian.
Luật hóa hình thức khám chữa bệnh mới
Cũng tại kỳ họp thứ Nhất, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) nêu, Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) đã được đưa vào dự kiến chương trình kỳ họp 2 lần trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Tuy nhiên, lại rút ra vào phút chót.
“Đề nghị Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) coi như luật khung để Bộ Y tế dựa vào đó ban hành các thông tư hướng dẫn cụ thể trong những lĩnh vực cụ thể” – Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nói.
Cũng theo đại biểu đoàn Bình Định, ngoài việc bổ sung cho Luật Khám, chữa bệnh hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập trong suốt nhiều năm qua. Luật sửa đổi sẽ lần đầu tiên luật hóa hình thức khám, chữa bệnh mới. Điều này rất quan trọng trong giai đoạn bùng phát đại dịch mà chưa biết đến bao giờ kết thúc. Đó chính là khám, chữa bệnh từ xa. Bệnh viện triển khai hình thức khám này từ hơn 1 năm nay.
“Bộ Y tế, Cục Khám chữa bệnh có rất nhiều cố gắng ban hành các thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên, vì không có trong luật nên gặp rất nhiều khó khăn để thực hiện áp dụng trên diện rộng. Ví dụ như việc cho phép bác sĩ khám chữa bệnh từ xa, kê đơn thuốc và được chịu trách nhiệm về đơn thuốc đấy. Hay quyền lợi của người bệnh, của bệnh viện trong quá trình khám chữa bệnh từ xa như thế nào, hiện nay cũng rất vướng mắc” – đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu.
Tại nghị trường, thay mặt các bác sĩ đang chống dịch, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đã cảm ơn sự ủng hộ của các vị đại biểu Quốc hội trong công cuộc chống dịch của tất cả các ngành chức năng.
“Sự ủng hộ này về tinh thần và vật chất đã và đang giúp chúng tôi cùng các ngành chức năng chống chọi với làn sóng COVID thứ tư hết sức dữ dội” – đại biểu đoàn Bình Định nói.