Cần dạy con kỹ năng giải quyết vấn đề ở độ tuổi nào?

GD&TĐ - Cha mẹ thường nghĩ con “nhỏ tuổi” quá làm sao mà học kỹ năng giải quyết vấn đề, nhất là ở giai đoạn mầm non, tiểu học.

Trẻ rất cần sự động viên mỗi khi có thể giải quyết vấn đề. Ảnh: TG.
Trẻ rất cần sự động viên mỗi khi có thể giải quyết vấn đề. Ảnh: TG.

>>> Giúp con xây dựng kỹ năng giải quyết vấn đề - Chìa khóa quản lý cuộc sống

>>> Tầm quan trọng khi dạy con kỹ năng giải quyết vấn đề

Thế nhưng, chuyên gia cho rằng, nếu được định hướng sớm, con sẽ đỡ “bầm dập” hơn khi va chạm ngoài xã hội.

Đặt mình vào vị trí của con

Ở trẻ em, kỹ năng giải quyết vấn đề thật ra không phải là việc gì quá to tát. Ví dụ như khi bé ăn kem bị chảy nước, con phải làm thế nào để không bị bẩn áo? Khi bị bạn giành đồ chơi, con phải xử lý thế nào? Đây cũng không phải là đức tính bẩm sinh mà là kết quả của một quá trình rèn luyện và tư duy đúng đắn.

ThS Nguyễn Thị Bích Liên (giáo viên Trường Liên cấp IQ, Hà Nội) cho rằng, khi không thể giải quyết rắc rối, trẻ thường có xu hướng khóc lóc hoặc né tránh. Ví dụ khi đánh vần sai, con không biết làm sao nên sẽ bỏ qua, không muốn học nữa.

Con cũng có thể có những hành động, cách phản ứng tiêu cực khi không được thỏa mãn nhu cầu. Ví dụ khi tức giận, con chỉ biết lăn ra ăn vạ. Khi bạn giành đồ chơi, con lao vào đánh bạn. Những cách phản ứng này lâu dần sẽ ảnh hưởng không tốt đến tính cách và quá trình phát triển tâm lý trẻ em. Do đó, việc rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề giúp con hình thành tư duy sắc bén, tâm lý vững vàng và bản lĩnh trong quá trình trưởng thành.

Theo cô Bích Liên, khi dạy trẻ kỹ năng giải quyết vấn đề, cha mẹ nên tìm hiểu tâm lý của con trong từng tình huống cụ thể. Hãy đặt mình vào vị trí của trẻ để tìm ra cách giải quyết vấn đề tốt nhất giúp con cảm thấy công bằng và hợp lý.

Muốn vậy, cần giúp con nhận biết về điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Đây là một trong những cách để rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề. Khi biết mình có ưu điểm gì, con sẽ dễ dàng đưa ra giải pháp phù hợp. Nếu trẻ có năng khiếu vẽ, cha mẹ có thể gợi ý con hệ thống lại bài học thông qua việc vẽ sơ đồ. Nếu bé thích vận động, nhiều khả năng con sẽ thích việc học thông qua các trò chơi.

Đồng thời, những cuộc trò chuyện sẽ giúp cha mẹ kết nối và gần gũi hơn với con trẻ. Thông qua nói chuyện, con sẽ được nạp thêm từ ngữ, biết cách diễn đạt, bộc lộ cảm xúc. Điều này rất có lợi trong việc gọi tên rắc rối, xác định vấn đề mà con gặp phải.

Cô Liên lưu ý, trên thực tế, không ít cha mẹ có thói quen quyết định hộ con, làm giúp con. Hành động này vô tình khiến con mất khả năng tự lập. Do đó, tùy theo từng độ tuổi, con có thể tự xử lý một số vấn đề liên quan đến cá nhân.

Ví dụ, trẻ mẫu giáo đã có thể tự chọn quần áo mỗi khi ra ngoài. Con cũng tự quyết định sẽ ăn món gì, thích chơi trò gì, thích mua sách gì nhất. Do vậy, cha mẹ cần tôn trọng quyết định của con. Nếu ý kiến đó không hợp lý, hãy giúp con phân tích điểm chưa ổn. Sau đó, con có thể dùng lý lẽ để thuyết phục, hoặc chọn phương án khác. Cách làm này giúp hình thành và rèn luyện tư duy phản biện cho trẻ.

“Trẻ con luôn có những suy nghĩ đơn thuần, ngây thơ. Đứng trước một vấn đề, bé có thể đưa ra những giải pháp nghe có vẻ bất khả thi. Tuy nhiên, bạn đừng vội bác bỏ. Có không ít phương án tối ưu được phát triển từ những ý tưởng có phần ngô nghê. Kỹ năng giải quyết vấn đề rất cần những góc nhìn sáng tạo. Vì vậy, ba mẹ nên có sự cởi mở, đón nhận những ý tưởng sáng tạo của con”, cô Liên nhấn mạnh.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tôn trọng, chấp nhận và khen ngợi

Đồng thời, ThS Nguyễn Thị Bích Liên cũng cho rằng, khi đã tôn trọng quyết định và sự sáng tạo của con, cha mẹ cũng nên chấp nhận việc con có thể sai lầm. Chúng ta trưởng thành hơn, có nhiều kinh nghiệm hơn qua những lần mắc lỗi.

Trẻ con cũng vậy. Vì thế, cha mẹ nên có thái độ tích cực trước những lỗi sai của con. Nếu bị chỉ trích, la mắng sau mỗi lỗi lầm, con sẽ dễ mất tự tin, trở nên rụt rè, nhút nhát. Khi gặp vấn đề, con không dám tự mình nghĩ cách giải quyết nữa vì sợ làm sai, sẽ bị trách phạt. Việc xoáy sâu vào lỗi sai còn hạn chế khả năng nhận thức, học hỏi của bé. Con sẽ không học được gì sau mỗi lần làm sai. Vì vậy, thay vì chỉ trích, hãy cùng con tìm cách sửa chữa lỗi sai, và rút ra bài học.

Song song với đó là sự khen ngợi. Đây là một trong những cách giúp bé duy trì sự tự tin, có động lực để học hỏi và phát triển tốt hơn. Vì vậy, đừng tiếc lời khen mỗi khi con làm tốt.

Thế nhưng cũng cần lưu ý là khi khen con, lời khen càng cụ thể càng tốt. Hãy ghi nhận những nỗ lực của trẻ. Hãy cho bé thấy bạn tự hào vì cả quá trình cố gắng của con. Ví dụ trong trường hợp bé áp dụng kỹ năng giải quyết vấn đề trong việc học toán.

Nếu vấn đề được cải thiện, cha mẹ có thể khen ngợi con: “Con rất giỏi khi tìm ra cách học toán hiệu quả và phù hợp với mình”, “Mẹ thấy con đã học rất chăm chỉ, và khả năng làm toán và các phép tính của con đã tốt lên rất nhiều” thay vì những lời khen chung chung như “con giỏi lắm”, “con tiến bộ rồi”…

“Kỹ năng giải quyết vấn đề là tổng hợp của nhiều kỹ năng mềm khác nhau. Cha mẹ có thể cho con tham gia các hoạt động ngoại khóa, lớp kỹ năng mềm để bé được trải nghiệm thực tế. Trong sinh hoạt thường ngày, nên tạo điều kiện để con làm việc nhà nhiều hơn.

Người lớn hãy hướng dẫn con tự gấp chăn màn, tự dọn bàn học, dọn bàn ăn, bỏ bát bẩn vào bồn. Những việc làm nhỏ này lâu dần sẽ giúp con khéo léo, tự chủ trong suy nghĩ và hành động. Quá trình rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề rất cần sự đồng hành và kiên trì của thầy cô, người thân nên không thể nóng vội mà khiến con chán nản”, cô Liên nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ