Cha mẹ cần cho trẻ sự lựa chọn. Bởi, đưa ra quyết định là chìa khóa để giải quyết vấn đề. Với trẻ nhỏ hơn, cha mẹ có thể bắt đầu với một sự lựa chọn đơn giản.
Biến vấn đề thành cơ hội
Phụ huynh hãy bắt đầu dạy con biết cách đưa ra những quyết định lành mạnh và tích cực cho mỗi vấn đề trẻ gặp. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ vẫn chưa chắc chắn được về thế nào là giải quyết vấn đề.
Không phải người lớn mới phải đối mặt với những vấn đề hằng ngày. Thực tế, trẻ em cũng vậy. Các bé có thể gặp vấn đề từ việc học tập, bạn bè đến vui chơi. Song, hầu hết trẻ không có khả năng để giải quyết các vấn đề đó nếu không có sự hỗ trợ của người lớn. Trẻ em thiếu kỹ năng này rất dễ bị tụt lại phía sau trong học tập, cũng như duy trì tốt các mối quan hệ với bạn bè.
Nhiều trẻ hành động để đạt được mục đích mà không biết suy nghĩ về những hậu quả chúng có thể mang lại. Những giải pháp bốc đồng chưa bao giờ là tốt đối với những gì mà trẻ đang và sẽ gặp phải. Ví dụ, khi bị trêu chọc, trẻ sẽ chỉ la hét, khóc lóc hay thậm chí đánh lại bạn để chấm dứt hành động đó. Song, hậu quả là trẻ cũng sẽ bị phê bình và bị bạn bè xa cách. Do vậy, thay vào đó, cha mẹ hãy dạy trẻ suy nghĩ thật kỹ trước khi muốn giải quyết một vấn đề nào đó.
Theo chuyên gia Tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Dung - Đơn vị tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM), giải quyết vấn đề là quá trình tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề khó khăn hoặc phức tạp. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là: Làm thế nào để cha mẹ biến những vấn đề thành cơ hội để con trở thành người biết giải quyết vấn đề? Theo chuyên gia này, trẻ em học tốt nhất thông qua hành vi được mô hình hóa, sau đó thực hành thông qua chơi và các công việc hằng ngày.
Với trẻ nhỏ, cha mẹ có thể cho bé chơi những trò ghép ảnh đơn giản, thú vị. Sau đó, khi trẻ lớn hơn và các kỹ năng vận động tinh phát triển, bé có thể chơi những trò ghép ảnh có từ 12 - 24 mảnh ghép với nhau. Trẻ sẽ sử dụng kỹ năng để học cách ghép các mảnh lại với nhau, tạo thành một bức tranh hoàn chỉnh.
Kỹ năng giải quyết vấn đề độc lập là yếu tố thiết yếu trong quá trình trẻ phát triển thành người lớn tự chủ. Ảnh minh họa. |
Để dạy trẻ giải quyết vấn đề, cha mẹ cần cho phép bé thất bại và có không gian. Cho phép trẻ mắc lỗi và khuyến khích trẻ thử lại. Không nên hối thúc muốn sửa chữa hoặc làm điều đó cho trẻ.
Ngoài ra, phụ huynh cũng nên khuyến khích trẻ chơi sáng tạo. Trong đó, có thể kể đến các trò chơi như: Xây dựng pháo đài, xây dựng bằng các khối, vượt chướng ngại vật. Những hoạt động này sẽ thúc đẩy kỹ năng giải quyết vấn đề ở trẻ.
Cha mẹ cũng cần cho trẻ sự lựa chọn. Bởi, đưa ra quyết định là chìa khóa để giải quyết vấn đề. Với trẻ nhỏ hơn, cha mẹ có thể bắt đầu với một sự lựa chọn đơn giản. Ví dụ: “Con muốn mặc áo xanh hay áo đỏ?”. Ngoài ra, một phương pháp khác là cùng trẻ đọc những câu chuyện giải quyết vấn đề. Sử dụng các câu chuyện để truyền cảm hứng, cũng như mô hình hóa, kỹ năng giải quyết vấn đề.
Yếu tố quan trọng là để trẻ bắt tay vào thực hiện. Các dự án tự làm từng bước là một điều tuyệt vời để mô hình hóa các kỹ năng giải quyết vấn đề. Sau đó, cha mẹ hãy đặt câu hỏi. Đồng thời, cùng trẻ xác định vấn đề, lập danh sách các công việc, chia nhỏ công việc để thuận tiện quản lý. Phụ huynh hãy cùng trẻ thực hiện với từng đề mục đã đề ra. Cùng trẻ suy nghĩ và chia sẻ ý tưởng. Đặt câu hỏi để trẻ suy nghĩ về nguy cơ vấn đề này có thể xảy ra và khuyến khích con tự tìm ra giải pháp.
Tạo cho trẻ sự khao khát đổi mới. Hãy để trẻ khám phá mọi hoạt động, đặt những câu hỏi như: “Con sẽ làm điều này tốt hơn như thế nào?”; Khuyến khích sự tò mò - “Vì sao con nghĩ rằng nó xảy ra theo cách này?”.
Trẻ em học tốt nhất thông qua hành vi được mô hình hóa. Ảnh minh họa. |
Yếu tố thiết yếu
Trong khi đó, theo chị Hương Đỗ (Mẹ Ong Bông) - tác giả, dịch giả, đồng tác giả sách “Nuôi con không phải là cuộc chiến” chia sẻ, kỹ năng giải quyết vấn đề độc lập là yếu tố thiết yếu trong quá trình trẻ phát triển thành người lớn tự chủ. Việc học và thực hành kỹ năng này giúp trẻ tăng cường sự tự tin, cũng như nhận thức sâu sắc về giá trị của “trách nhiệm” và “tâm thế đối mặt với thất bại”. Trẻ sẽ học được cách tự chịu trách nhiệm cho hành động của mình, từ đó phát triển sự tự trọng.
Theo chuyên gia Hương Đỗ, kỹ năng giải quyết vấn đề sẽ nuôi dưỡng khả năng đối mặt và vượt qua thách thức một cách tự lập ở trẻ. Đồng thời, giúp trẻ có đủ sức mạnh tinh thần để bắt đầu lại khi đối diện với thất bại hoặc khó khăn trong tương lai.
Kỹ năng này cũng tăng cường khả năng tự tin và sự dũng cảm để vượt qua những khó khăn, xây dựng sự tự tin để xử lý mọi tình huống, cải thiện khả năng giao tiếp. Trẻ cũng sẽ phát triển tư duy logic và sắc bén, trở nên linh hoạt và năng động hơn nhờ kỹ năng giải quyết vấn đề.
Nữ chuyên gia đã chia sẻ về cách hướng dẫn trẻ từ 3 - 6 tuổi giải quyết vấn đề trong một số tình huống phổ biến. Trong trường hợp một người lạ tiếp cận trẻ tại công viên và đề nghị đưa bé về nhà hoặc đi chơi cùng, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ nói “Không, cảm ơn” một cách lịch sự. Sau đó, tìm kiếm người lớn tin cậy ngay lập tức, như cha mẹ, một giáo viên, bảo vệ, hoặc chú công an.
Phụ huynh có thể dạy con bằng cách tham gia trò chơi đóng vai. Lúc này cha/mẹ có thể giả định mình là bố mẹ đang ở xung quanh hoặc một người thân quen và chờ để trẻ xử lý. Sau đó, trao đổi với con những điểm trẻ làm tốt và những điểm cần điều chỉnh. Nghĩ ra càng nhiều tình huống giả định càng tốt.
Trong khi đó, nếu một người lạ cố gắng đưa trẻ đồ chơi hoặc đồ ăn, con cần xin phép trước khi nhận đồ. Cha mẹ hãy dạy trẻ về những người con tin tưởng và có thể nhận đồ ăn từ những người này. Cuối cùng, tạo ra tình huống giả định bằng trò chơi để hướng dẫn trẻ cách xử lý đúng khi người lạ cho đồ ăn.
Để giải quyết tình huống một người lạ cố gắng chạm vào trẻ hoặc yêu cầu trẻ chạm vào họ, trẻ cần được dạy về giáo dục giới tính và cách bảo vệ bản thân. Cha mẹ hãy tạo ra các tình huống giả định, hoặc chơi trò đóng vai với thú bông của trẻ. Sau đó, hỏi trẻ xem khi người lạ chạm vào thú bông thì em thú bông nên làm gì. Với bé 5 - 6 tuổi, hãy cùng chơi trò đóng vai với búp bê của trẻ và nghĩ ra nhiều tình huống, câu hỏi khác nhau. Từ đó, để trẻ tự suy nghĩ và tìm ra cách giải quyết.
Trong tình huống trẻ từ 4 - 6 tuổi ở nhà một mình, phụ huynh cần hướng dẫn con kỹ năng đảm bảo an toàn cho bản thân. Cụ thể, trẻ không được mở cửa cho bất kỳ ai khi ở nhà một mình, ngay cả khi đó là người quen. Bố mẹ cần nói rõ các quy tắc khi con phải ở nhà một mình và yêu cầu trẻ nhắc lại. Có thể giả định các trường hợp bố mẹ buộc phải vắng mặt một thời gian ngắn, thì con cần làm gì. Qua đó, đảm bảo bé đã nhớ những quy định và biết xử lý tình huống.
Khi có sự cố khẩn cấp, trẻ cần biết cách sử dụng điện thoại để gọi số khẩn cấp như 113, 114, 115 tại Việt Nam và cung cấp thông tin cần thiết như địa chỉ nhà. Lưu ý, cách này chỉ áp dụng với gia đình có sử dụng điện thoại bàn hoặc bé đã được hướng dẫn để sử dụng điện thoại di động đúng cách.
Cha mẹ cũng cần dạy trẻ lập kế hoạch thoát hiểm. Nếu có sự cố như hỏa hoạn, trẻ cần biết cách thoát ra khỏi nhà an toàn và nơi có thể đến chờ sự giúp đỡ, như nhà hàng xóm hoặc một điểm hẹn đã được thỏa thuận trước.
Trong khi đó, để phòng tránh đi lạc, trẻ cần được dạy cách luôn ở trong tầm mắt của người lớn. Trẻ cũng cần luôn xin phép nếu muốn đi đâu đó khi đi chơi ngoài công viên hoặc nơi công cộng khác. Nếu con bị lạc, hãy ghi nhớ số điện thoại của cha mẹ hoặc mặc quần áo có nhãn dễ nhận biết. Đồng thời, tìm đến người lớn đáng tin cậy như chú công an, bác bảo vệ để nhờ giúp đỡ.
Theo chị Hương Đỗ, một đứa trẻ biết cách xử lý tình huống hiệu quả sẽ không chỉ tự tin hơn trong cuộc sống hằng ngày, mà còn sẵn sàng vượt qua những thử thách, từ nhỏ nhặt đến lớn lao do cuộc sống mang lại. “Hãy nhớ rằng bảo vệ con là tốt nhưng đừng bao bọc con quá mức, hãy để con lớn lên”, nữ chuyên gia chia sẻ.