Bên cạnh những kết quả đạt được cũng xuất hiện những tồn tại, hạn chế nhất định, cụ thể việc xã hội hóa giáo dục chưa có sự kiểm soát chặt chẽ từ cơ quan quản lý nhà nước, để tình trạng thành lập trường đại, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp một cách ồ ạt, bình quân một tỉnh, thành lại có ít nhất một trường đại học hoặc cao đẳng; quá trình đào tạo sinh viên chưa gắn với nhu cầu thị trường lao động hay nói đúng hơn là đào tạo theo đơn đặt hàng của chủ sử dụng lao động, sinh viên ra trường là người sử dụng lao động có thể nhận làm việc ngay mà không cần phải đào tạo lại.
Chính vì chất lượng đào tạo của các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp ở nước ta thấp nên sinh viên ra trường rất sợ thất nghiệp, dẫn đến một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên lựa chọn đi du học ở nước ngoài nếu gia đình có điều kiện và đa số sau khi tốt nghiệp các sinh viên này lại không về nước làm việc.
Mặt khác, các sinh viên giỏi, có trình độ cao ở nước ta hiện nay đều chọn các công ty, doanh nghiệp nước ngoài để làm việc, chứ không làm việc cho các doanh nghiệp trong nước – đó là câu chuyện chảy máu chất xám mà đến nay chúng ta chưa tìm ra giải pháp khắc phục.
Đối với học sinh phổ thông khi lựa chọn thi tuyển vào các trường đại học, cao đẳng cần phải sáng suốt lựa chọn các trường có đào tạo ngành nghề mà mình yêu thích hoặc nhu cầu thị trường lao động đang cần, tránh trường hợp chịu sự tác động của cha mẹ hay học theo phong trào… sẽ dẫn đến sự lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc của gia đình.
Cần phải nhận thức rằng muốn làm thầy giỏi trước hết phải là người thợ giỏi, khi có điều kiện chúng ta có thể tiếp tục học cao hơn để nâng cao trình độ. Đừng “đổ xô” đi học đại học, cao đẳng mà không có sự định hướng rõ ràng dẫn đến bỏ học giữa chừng hoặc ra trường không có công ăn việc làm sẽ ảnh hưởng đến tương lai sau này.
Đối với ngành giáo dục nhất thiết phải có cuộc “giải phẩu” toàn diện, khi thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng không phải vì thế mà cứ để những tồn tại và bất cập như hiện nay.
Việc cần thiết lúc này là siết chặt công tác đào tạo đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp; nâng cao chất lượng đầu vào lẫn đầu ra; hạn chế cho phép thành lập hoặc giải thể các trường đại học, cao đẳng không đủ điều kiện; khuyến khích các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp đào tạo các ngành nghề theo nhu cầu thị trường, chủ động liên kết với chủ doanh nghiệp để đào tạo theo đơn đặt hàng và tạo điều kiện cho sinh viên ra trường có công ăn việc làm ổn định…
Có như vậy, mới nâng cao vị thế, uy tín của hệ thống giáo dục ở nước ta, thu hút ngày càng nhiều sinh viên trong và ngoài nước theo học, nhất là việc giảm thiểu tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp như hiện nay.