Trước Cách mạng công nghiệp 4.0 Người lao động bình chân như vại

GD&TĐ - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tới đây sẽ thải loại 85% người lao động trực tiếp tại khu vực châu Á, và hơn 90% người lao động ở khu vực châu Âu, Mỹ. Đây là một nguy cơ vô cùng lớn cho an sinh xã hội. Tuy nhiên, người lao động Việt Nam thì vẫn bình chân như vại.

Trước Cách mạng công nghiệp 4.0 Người lao động bình chân như vại

Tầm nhìn ngắn

Trong vòng 5 năm trở lại đây, trước sự mở rộng của ngành sản xuất công nghiệp trong nước và sự đầu tư mạnh của các doanh nghiệp nước ngoài (FDI), nên nhu cầu lao động trực tiếp là rất lớn, dẫn đến một cuộc chuyển đổi mạnh mẽ, những người nông dân đã bỏ ruộng để trở thành công nhân trong nhà máy.

Do xuất thân từ nông dân, nên trình độ văn hóa của dòng người lao động (NLĐ) này phần lớn chỉ tốt nghiệp THCS, hoặc THPT, thậm chí nhiều người không có tấm bằng nào vì bỏ học giữa chừng.

Khi những người nông dân này quyết tâm bỏ ruộng để vào nhà máy làm việc, thì trình độ văn hóa phổ thông không phải là vấn đề gì lớn. Nhưng khó khăn nhất đối với cả người tuyển dụng lao động và NLĐ lại là tay nghề và kỹ năng lao động công nghiệp, cũng như ý thức lao động công nghiệp.

Do có lỗ hổng lớn trong đào tạo, mà các doanh nghiệp bỗng dưng phải đưa vai ra gánh một gánh nặng lẽ ra không phải của mình, đó là đào tạo nghề cho NLĐ. Nếu không chấp nhận đào tạo NLĐ, thì nhà máy được đầu tư núi tiền cũng sẽ trống trơn không có ai làm việc.

Những NLĐ xuất thân từ nông dân, đến với doanh nghiệp giống như “tờ giấy trắng”. Không kiến thức nghề, không kỹ năng nghề, không ý thức lao động công nghiệp.

Các doanh nghiệp phải bỏ chi phí đào tạo nghề cũng như kỹ năng lao động và ý thức công nghiệp cho NLĐ mà mình tuyển dụng. Vì lẽ đó, doanh nghiệp phải chịu lỗ trong thời gian đào tạo này.

Tiếp đó, khi NLĐ bắt đầu làm việc được, thì chất lượng và năng suất rất thấp. Doanh nghiệp vẫn phải trả lương đảm bảo cuộc sống cho NLĐ nên tiếp tục lỗ. Theo một vị lãnh đạo một Tổng công ty may lớn ở miền Nam, thì doanh nghiệp này thường phải bù lỗ trong hai năm đầu khi mở ra một xí nghiệp may mới ở vùng nông thôn.

Một chủ doanh nghiệp ở miền Bắc, cũng nhiều lần phàn nàn về tình trạng NLĐ có ý thức rất kém trong tuân thủ nguyên tắc lao động công nghiệp hóa. “Chúng tôi chấp nhận đào tạo nghề, và giáo dục ý thức lao động, ý thức vì sự phát triển chung của doanh nghiệp cho NLĐ hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên không phải không có những trở ngại. Không phải lúc nào cũng thuê được giảng viên ở trường nghề về đào tạo, những cán bộ ở doanh nghiệp phải kiêm việc đào tạo nhân viên mới. Nhưng có khi chỉ cần hơi nặng lời một tý (do cán bộ không phải là chuyên gia đào tạo chuyên nghiệp) là NLĐ đã tự ái bỏ đi. NLĐ vốn là nông dân, tâm lý tiểu nông đã ăn vào máu, thích tự do vô tổ chức, thích thì đi làm, không thích thì nghỉ, thậm chí nghỉ việc tràn lan vì những lý do rất trời ơi như đến vụ lúa thì đi gặt, đến vụ vải thiều thì nghỉ vài ngày đi bán vải thiều, giỗ chạp, cưới xin nghỉ tùm lum vài ngày là chuyện bình thường. Muốn ý thức của họ thay đổi, phải vô cùng kiên nhẫn và nỗ lực cải thiện họ trong một thời gian dài. Trong khi đó, áp lực thay đổi của thị trường lại nhanh và rất căng. Chưa bao giờ làm chủ doanh nghiệp lại khổ như bây giờ. Vậy mà NLĐ lại luôn giữ tâm lý là chúng tôi hưởng sung sướng trên sức lao động của họ. Nhưng cho họ sống vài ngày với cường độ và áp lực làm việc của người lãnh đạo, chắc họ chào thua.” – Vị lãnh đạo này chia sẻ.

Tuy nhiên, do bị gãy ở khâu giáo dục nhân cách NLĐ, nên dẫn đến tình trạng, NLĐ chỉ nghĩ tới quyền lợi của bản thân mình khi đi làm, không nghĩ hoặc quan tâm tới quyền lợi của doanh nghiệp và rộng ra là quyền lợi quốc gia.

Trong những năm qua, khi các doanh nghiệp FDI ồ ạt nhảy vào Việt Nam, dùng chiêu thức “hớt váng” để vợt NLĐ có tay nghề, bằng cách trả lương cao hơn doanh nghiệp Việt, thì NLĐ lập tức bỏ việc và nhảy sang doanh nghiệp FDI đầu quân.

Sự nhảy việc của NLĐ gây nên khó khăn vô cùng lớn cho doanh nghiệp Việt. Thậm chí, doanh nghiệp FDI còn kéo người không chỉ bằng mức lương cao, mà còn thưởng nóng với mức cao cho những ai kéo được cả nhóm đông công nhân sang doanh nghiệp của họ làm việc.

Thế nên mới có chuyện tại một doanh nghiệp may ở Hưng Yên, chủ doanh nghiệp méo mặt vì trong lúc đơn hàng đang cần chạy gấp, thì cả dây chuyền công nhân bỏ đi, mặc kệ doanh nghiệp lao đao và có nguy cơ bị khách hàng phạt nặng do không hoàn thành hợp đồng đúng thời hạn.

NLĐ cũng không cần quan tâm rằng, chính doanh nghiệp này đã đào tạo tay nghề miễn phí cho họ trong thời gian họ mới chân ướt chân ráo đi học việc.

Chính tầm nhìn ngắn của NLĐ đã tạo nên khó khăn và áp lực vô cùng lớn cho doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn vừa qua và hiện tại. Tuy nhiên, NLĐ lại cũng không hề biết rằng, tầm nhìn ngắn của mình sẽ gây hại cho chính mình trong thời gian không xa.

Làm việc với máy móc dễ hơn

Trước tình hình thị trường lao động cạnh tranh khốc liệt và thiếu minh bạch, các chủ doanh nghiệp lại phải đau đầu tìm giải pháp. Đơn cử như Tổng công ty Cổ phần May Hưng Yên, với hơn 12 ngàn lao động, trước thách thức của thị trường lao động, đã phải "chiều lao động như... chiều vong".

Doanh nghiệp này những năm qua thực hiện chủ trương: lấy NLĐ là mục tiêu và trọng tâm của sự phát triển doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp chăm lo từ việc đào tạo nghề, bữa ăn ca miễn phí, nhà ở giá rẻ, hỗ trợ xăng xe, xây nhà trẻ trông con cho NLĐ, tổ chức nghỉ mát hàng năm cho NLĐ và thân nhân của họ, lo cả chuyện tổ chức sinh nhật, ma chay hiếu hỉ cho họ… Tất cả vì NLĐ, vậy nhưng khi có những chào mời hấp dẫn từ doanh nghiệp FDI, NLĐ vẫn "chao đảo" và "nhảy việc".

Tại thành phố dệt Nam Định, nơi thị trường lao động cạnh tranh nóng bỏng nhất, hầu như doanh nghiệp nào cũng phải căng biển “Tuyển lao động gấp – hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo nghề - Ưu tiên lao động có tay nghề - Mức lương hấp dẫn – Cam kết không tăng ca…” Dù đã có mọi ưu đãi về chế độ như vậy, nhưng trong thời gian này đối với các doanh nghiệp, thì khó khăn lớn nhất không phải là đơn hàng, mà lại là lực lượng lao động.

Tuyển được NLĐ đã khó, đào tạo để họ có tay nghề, biết kỹ năng đã khó hơn, giữ chân được họ lại càng khó bội phần. Đứng trước tình hình nan giải đó, nhiều năm rồi không giải quyết dứt điểm, có doanh nghiệp đã chuyển sang đầu tư công đoạn SX khác, dùng ít nhân sự hơn.

Ông Nguyễn Văn Miêng - Tổng Giám đốc Tổng công ty CP dệt may Nam Định chia sẻ, làm việc với máy móc dễ hơn làm việc với con người. Do đó chúng tôi định hướng chuyển sang làm khâu dệt nhuộm, dù khâu này có tỷ suất đầu tư lớn hơn, làm khó khăn hơn, nhưng được cái chỉ dùng rất ít NLĐ.

Trải qua bao khó khăn lúc đầu tư ban đầu, nhưng khi đã làm được hàng dệt nhuộm được thị trường chấp nhận, thì SX ổn định và hiệu quả hơn nhiều so với làm ngành may, phải đối mặt với rủi ro quá lớn về nguồn nhân lực.

Kiên quyết hơn nữa, một vị lãnh đạo đơn vị may lớn ở miền Nam, đã bắt tay vào đầu tư những nhà máy may thế hệ mới, chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó sử dụng công nghệ kỹ thuật số và tự động hóa trong SX, giảm tối đa NLĐ trực tiếp.

Cho dù tỷ suất đầu tư tăng lên, nhưng năng suất lại cao, chất lượng tốt, đảm bảo chính xác tuyệt đối, đảm bảo ổn định trong sản xuất, và nhất là chủ doanh nghiệp không phải đau đầu đối phó với NLĐ khi họ nhảy việc. “NLĐ thì luôn đứng núi này trông núi nọ, chúng tôi đầu tư hết mức cho họ mà họ vẫn có thể bỏ chúng tôi đi, trong khi máy móc đầu tư rồi thì không bỏ chúng tôi đi đâu nữa.” – Vị lãnh đạo này cho biết.

Mặt trái của 4.0

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tới đây sẽ thải loại 85% người lao động trực tiếp tại khu vực châu Á. Đây là nguy cơ nhãn tiền cho NLĐ. Trong khi NLĐ Việt Nam vẫn bình chân như vại, mang hai bàn tay trắng tới doanh nghiệp xin việc làm, không những thế, lại còn sẵn sàng bỏ đi chỉ vì mối lợi trước mắt, thì khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ào tới, họ sẽ là những người bị loại đầu tiên.

Theo đánh giá của TS. Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, hiện lao động đã qua đào tạo trong các doanh nghiệp dệt may chiếm khoảng 25%. Như vậy vẫn còn khoảng 75% lao động trong lĩnh vực này chưa qua đào tạo hoặc chỉ được đào tạo dưới 3 tháng.

Đây là thách thức rất lớn khi ngành dệt may đang trong xu thế vươn lên để cạnh tranh bằng năng suất, chất lượng, thời trang hóa ngành dệt may, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và tiếp cận với cách mạng công nghiệp 4.0.

Như vậy, đối với các chủ doanh nghiệp, thì cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là thách thức, nhưng cũng đem lại cơ hội lớn. Các doanh nghiệp phải chuẩn bị rốt ráo cho đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, do đó cần có nguồn vốn lớn cho chuyển đổi.

Tuy nhiên, nguồn vốn này có thể giải được qua các bài toán tài chính khác nhau, với sự hỗ trợ của các bên liên quan như ngân hàng, đối tác, khách hàng.

Để đào tạo nguồn nhân lực vận hành máy móc, thiết bị hiện đại này sẽ khó khăn hơn. Có thể thời gian đầu, phải chấp nhận thuê nhân công nước ngoài, tốn chi phí hơn nhưng hiệu quả sẽ cao hơn bội phần, và song song đào tạo cho NLĐ Việt Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Lân, TGĐ Tổng Công ty May Nhà Bè, cho biết:“Chúng tôi hiện có 30 ngàn người lao động, nên vấn đề biến động lao động hàng ngày phải đối mặt. Chúng tôi xác định phải sống chung với lũ. Sau quá trình nghiên cứu, chúng tôi nhận ra phương thức sản xuất có tác động rất lớn đến người lao động. Để giảm tối thiểu sự phụ thuộc vào người lao động, May Nhà Bè đầu tư dây chuyền thiết bị tự động hóa cao. Ví dụ khi đầu tư dây chuyền tự động hóa, tỷ suất đầu tư cao hơn 40% so với dây chuyền truyền thống, nhưng lại giảm được 40% lượng người lao động, và tăng 40% năng suất. Nhờ giải pháp này mà chúng tôi thoát khỏi sự loay hoay bao lâu nay với bài toán biến động lao động.”

Những NLĐ đủ năng lực tiếp cận được kiến thức mới, làm chủ máy móc thế hệ mới, sẽ giữ được việc làm. Còn phần đông những NLĐ không thể làm chủ được công nghệ cao, bị thải loại khỏi thị trường lao động thì tương lai sẽ ra sao?

Nguy cơ mất cân bằng xã hội, an sinh xã hội bị đe dọa nghiêm trọng nếu để tình trạng thất nghiệp ồ ạt xảy ra. Không có việc làm, NLĐ trở lại với đói nghèo, bần cùng hóa, và khả năng tiếp cận với giáo dục, đào tạo để có việc làm càng hiếm hoi.

Như trên đã đề cập, hầu hết NLĐ trực tiếp trong các nhà máy, xí nghiệp hiện nay có xuất thân từ nông dân. Khi cách mạng công nghiệp 4.0 xảy ra, họ mất việc thì có thể trở lại với ruộng đồng được hay không?

Cuộc trở lại với ruộng đồng này gần như bất khả, bởi phần nhiều ruộng đất của họ đã bị bán. Nếu có còn lại thì rất ít và không đủ để cấy trồng đảm bảo cuộc sống ở mức trung bình, hơn nữa lại phân bố lẻ tẻ, không thể canh tác tập trung mang lại năng suất cao. Ngay trong thời điểm hiện tại, nhiều nông dân đã bỏ ruộng dù chưa có việc làm khác, vì hiệu quả SX không đủ chi phí.

Nguyên nhân của việc nông dân bị lỗ trên cánh đồng của mình là do: họ không đủ kiến thức để thay đổi phương thức canh tác theo công nghệ mới, để có thể có lợi nhuận; hoặc họ không đủ vốn đầu tư thay đổi phương thức SX mới.

Với nguy cơ tiềm ẩn từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, rất cần các nhà hoạch định chính sách, cơ quan lập pháp, các nhà khoa học xã hội, các cấp, các ngành vào cuộc để hỗ trợ NLĐ chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chuyển đổi vĩ đại này, không thể cứ giữ mãi tầm nhìn ngắn hạn và bình chân như vại trước mọi đổi thay.

Nhất là với ngành giáo dục và đào tạo, lâu nay gần như bất lực và để một khoảng trắng trong tay nghề cũng như kỹ năng và ý thức, tầm nhìn của lực lượng lao động. Ngành này cần thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ để tạo nên hành trang tốt cho lực lượng lao động trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trước Cách mạng công nghiệp 4.0 Người lao động bình chân như vại ảnh 1 
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có tác động lớn đối với mọi ngành, đơn cử với ngành dệt may có thể nhận thấy là: Tạo cơ hội thay thế công việc lặp đi lặp lại không cần kỹ năng, kinh nghiệm, công việc độc hại, dễ gây tai nạn... bằng máy móc công nghệ mới; Giúp giải quyết những khâu yếu trong chuỗi cung ứng dệt may của Việt Nam, tái cơ cấu lại ngành; Nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động; Nguy cơ đưa sản xuất về lại nước nhập khẩu tạo ra sức ép để tập trung vào khai thác và phục vụ thị trường nội địa trên 90 triệu dân với thu nhập và nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng của Việt Nam; Tạo sức ép để đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng cho người lao động.

Nhưng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng tạo ra mặt trái, nó làm gia tăng nguy cơ mất việc làm đối với một số ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, đặc biệt là lao động có trình độ thấp và ở những công đoạn dễ thay thế bằng máy móc. 

Tiến sỹ Trương Văn Cẩm–Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ