Lựa chọn bằng cấp hay kỹ năng nghề nghiệp?

GD&TĐ - Lao động trình độ kỹ thuật cao trong các ngành nghề, đặc biệt lao động trình độ cao đẳng, trung cấp nghề luôn là đối tượng được các doanh nghiệp ưu tiên tuyển chọn. 

Lựa chọn bằng cấp hay kỹ năng nghề nghiệp?

Tuy nhiên, thực tế hiện nay người chọn học cao đẳng, trung cấp nghề lại không nhiều. Vấn đề đặt ra cho giới trẻ hiện nay là sự lựa chọn bằng cấp hay kỹ năng nghề nghiệp để đảm bảo cho mình một công việc ổn định và có tương lai phát triển.

Nghịch lý nghề và việc

Đa số các trường cao đẳng (CĐ) nghề cho biết, các sinh viên đã học tại các trường CĐ, trung cấp khi ra trường đều có việc làm ổn định, thậm chí với mức lương khá cao. Tuy nhiên, với những định kiến vẫn còn tồn tại thì việc các thí sinh đăng ký học CĐ hay trung cấp nghề thì lại rất ít, tạo ra việc thừa thầy, thiếu thợ trong xã hội. Trong khi nhiều cử nhân ra trường thất nghiệp, nhưng các trường ĐH vẫn “hút” thí sinh hơn nhiều so với các trường CĐ, trung cấp.

Với quan điểm chọn nghề không nhất thiết phải học đại học, ông Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Dạy nghề chính quy, Tổng cục Dạy nghề, (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, xã hội, phụ huynh còn nặng nề về bằng cấp, việc suy nghĩ chỉ có bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ mới lập nghiệp được là hoàn toàn sai lầm.

Thị trường lao động hiện nay đòi hỏi người đáp ứng ở các vị trí lao động, chứ không chỉ nhìn vào bằng cấp. Có bằng đại học chưa chắc đã có việc, nhưng có tay nghề tốt, có kỹ năng thực hành, đáp ứng được công việc thì sẽ có rất nhiều cơ hội việc làm.

Hiện tại, cơ hội xin việc mở rộng hơn với học sinh, sinh viên trường nghề, khi chương trình đào tạo của các trường đã có rất nhiều thay đổi, gắn liền với yêu cầu sản xuất thực tế. Thời gian đào tạo thực hành lên đến 70%. “Thực hành nghề không phải trình độ cao hay thấp mà là kỹ năng, kỹ xảo, làm nhanh hay chậm, làm tốt hay xấu. Một người chỉ cần một kỹ năng giỏi như vẽ tranh đẹp, viết chữ đẹp đều có thể nổi tiếng”, ông Đỗ Văn Giang chia sẻ.

Theo bản tin cập nhật thị trường lao động quý I/2017 của Bộ LĐ-TB&XH, mặc dù đã giảm 80.000 người so với quý IV/2016, nhưng hiện vẫn còn khoảng 138.800 lao động có trình độ đại học trở lên đang thất nghiệp. Con số này đã phần nào phản ánh được nhu cầu của thị trường lao động hiện nay, đang cần đến nhiều lao động có trình độ kỹ thuật, thay vì lao động trình độ đại học nhưng không có kỹ năng phù hợp với yêu cầu sản xuất.

Hướng đi lợi ích thiết thực

Theo Tổng cục Dạy nghề, năm 2017, người học nghề có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận với các chương trình đào tạo tiên tiến của nước ngoài và tìm kiếm việc làm sau quá trình học tập. Chính vì vậy, các trường nghề cũng tăng cường tuyển sinh trình độ CĐ, trung cấp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có tay nghề cao.

Đặc biệt, năm 2017, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp sẽ tuyển tới 2,2 triệu người, trong đó trình độ CĐ và trung cấp là 540.000 người; trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng là 1,66 triệu người.

Với mục tiêu tuyển sinh học nghề nêu trên, các cơ sở đào tạo nghề sẽ phải phối hợp chặt chẽ với đơn vị sử dụng lao động, để đào tạo phù hợp với yêu cầu sản xuất của doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo việc làm cho người lao động sau học nghề.

Cũng theo ông Đỗ Văn Giang: Học CĐ và trung cấp là hướng đi mang lại nhiều lợi ích thiết thực như: rút ngắn thời gian học tập, tiết kiệm chi phí, chương trình học thực tiễn, nhiều cơ hội việc làm sau khi ra trường vì thị trường đang thiếu nguồn nhân lực lao động trực tiếp, có kỹ năng và kiến thức chuyên môn.

Quy chế tuyển sinh CĐ và trung cấp rất mở và tuyển sinh quanh năm, chỉ cần các em tốt nghiệp THPT là có thể xét tuyển vào CĐ, trung cấp; với đối tượng tốt nghiệp THCS các em sẽ được học kết hợp giữa học văn hóa với học nghề và có thể liên thông lên CĐ và đại học.

Công nghệ Thông tin (CNTT) và các ngành có liên quan đến CNTT như: Công nghệ Kỹ thuật cơ khí; Công nghệ Kỹ thuật điện, điện tử; Công nghệ Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa; Công nghệ Kỹ thuật điện tử truyền thông; Điện tử công nghiệp... là các ngành đang thiếu hụt nhân lực trình độ kỹ thuật cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.