Triển vọng ngành nghề đến năm 2020

GD&TĐ - Dựa trên kết quả khảo sát thông qua nhu cầu tuyển dụng của các khách hàng trong quý 2/2017. Công ty tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Group cho biết, thực tế hiện nay nhiều ngành nghề đang thiếu nhân lực cung cấp cho thị trường lao động một cách nghiêm trọng. 

Triển vọng ngành nghề đến năm 2020

Đây được xem là những thông tin hữu ích cho các học sinh vừa thi tốt nghiệp THPT tham khảo, qua đó lựa chọn ngành học phù hợp.

Điện - Điện tử và Data Technology

Trong quý 2/2017, Navigos Search ghi nhận các yêu cầu tuyển dụng trong các lĩnh vực chủ yếu trong mảng sản xuất bao gồm xây dựng công nghiệp, điện/điện tử có nhiều nhu cầu tuyển dụng nhất. Ngành hàng tiêu dùng/bán lẻ, chủ yếu là mảng trang phục/phụ kiện và đồ ăn/đồ uống có nhu cầu tuyển dụng đứng thứ 2. Tiếp theo là ngành công nghệ thông tin, chủ yếu tập trung vào mảng dịch vụ Internet trong các công ty liên quan đến sử dụng công nghệ trong lĩnh vực vận tải, bất động sản, lập trình game hay thanh toán trực tuyến có nhu cầu tuyển dụng cao thứ 3…

Các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin nhận định, ngành Data Technology sẽ rất phát triển trong vòng 3 năm tới. Các công ty trong ngành này đang rất cần tuyển kỹ sư IT trong lĩnh vực xử lý dữ liệu (data processing) và kỹ sư IT có kinh nghiệm liên quan đến machine learning. Đây là một lĩnh vực thuộc trí tuệ nhân tạo liên quan đến việc nghiên cứu và xây dựng các kỹ thuật cho phép các hệ thống “học” tự động từ dữ liệu để giải quyết những vấn đề cụ thể.

Theo khảo sát của Navigos Search, tại Việt Nam có rất ít các ứng viên có kinh nghiệm như vậy. Chính vì vậy, các công ty này buộc phải tuyển kỹ sư người nước ngoài sang Việt Nam làm việc và nắm giữ các vị trí đòi hỏi có nhiều kinh nghiệm tương ứng. Bên cạnh đó, các công ty này cũng chấp nhận tuyển các sinh viên mới ra trường để đào tạo. Hiện nay, tại Việt Nam, rất ít trường đào tạo bài bản ngành học này. Do đó, hiện thị trường chưa có nhiều ứng viên có thể đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng.

Giỏi tiếng Hàn, tiếng Trung không lo thất nghiệp

Theo ghi nhận của Navigos Search, trong quý II, sự khởi sắc về kinh doanh giúp nhiều doanh nghiệp sản xuất của Hàn Quốc tích cực hơn trong việc tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao. Tuy nhiên, nguồn ứng viên phù hợp văn hóa với doanh nghiệp Hàn Quốc không nhiều, dẫn đến việc tuyển dụng phân khúc nhân sự này gặp khó khăn.

Cũng theo Navigos Search, đặc trưng của các doanh nghiệp Hàn Quốc là rất trọng dụng các ứng viên giỏi tiếng Hàn và có học vị cao (thạc sĩ, tiến sĩ). Những ứng viên này sẽ có lợi thế vượt trội về cơ hội được tuyển dụng và nhận được chế độ đãi ngộ tốt. Ngoài ra, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đang thiếu ứng viên làm phiên dịch tiếng Hàn tại khu vực phía Bắc. Nhiều doanh nghiệp đang phải mở rộng tuyển phiên dịch ở phía Nam để đưa ra ngoài Bắc để làm việc.

Trung Quốc hiện có nhiều doanh nghiệp 100% vốn và các doanh nghiệp liên doanh Trung Quốc với các quốc gia khác, đang đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất để xuất khẩu tại thị trường phía Nam, chủ yếu trong lĩnh vực dệt may - da giày và một số các mảng sản xuất công nghiệp khác.

Trong năm đầu tiên, quy mô của các nhà máy này còn tương đối nhỏ, từ 100 - 200 công nhân cho một nhà máy. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này có kế hoạch mở rộng lên quy mô 400 - 500 công nhân từ năm thứ 2 trở đi, tùy vào nhu cầu đáp ứng của thị trường xuất khẩu. Do đó, bên cạnh việc tìm kiếm ứng viên phù hợp về văn hóa doanh nghiệp, thì các doanh nghiệp Trung Quốc và liên doanh Trung Quốc cũng rất cần các ứng viên cùng giỏi tiếng Trung và tiếng Anh, nhất là đối với vị trí bán hàng các sản phẩm kỹ thuật cao.

Các công ty kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ đang có nhu cầu tuyển dụng rất lớn các kỹ sư công nghệ thông tin có kinh nghiệm về mảng dữ liệu (data) và có kiến thức về tài chính.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ