Dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn SGK: Tránh được lợi ích nhóm

GD&TĐ - Một trong những điểm nhấn của dự thảo thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa là trao quyền chọn sách giáo khoa cho cơ sở giáo dục.

Một lớp học của Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: NTCC
Một lớp học của Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: NTCC

Dự thảo thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông và thường xuyên (gọi chung là cơ sở giáo dục) nhận được sự ủng hộ từ nhiều phía, trong đó có đại biểu Quốc hội.

Trao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục

Một trong những điểm nhấn của dự thảo là trao quyền chọn sách giáo khoa cho cơ sở giáo dục. Trao đổi bên hành lang Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Hải Dương cho rằng, trao quyền chọn sách cho UBND tỉnh/thành phố như hiện nay chưa phù hợp.

Thực tế cho thấy, trong cùng một tỉnh nhưng điều kiện cơ sở vật chất, năng lực, trình độ học sinh và giáo viên khác nhau; thậm chí còn khoảng cách giữa thành thị, nông thôn và miền núi.

“Ngay như cùng một huyện nhưng có trường chất lượng tốt và chưa tốt. Vì vậy, để cơ sở giáo dục tự chủ trong việc lựa chọn sách giáo khoa như dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT là phù hợp với thực tiễn khách quan”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh và cho rằng, các trường mới hiểu rõ học sinh và giáo viên mình để lựa chọn bộ sách phù hợp nhất.

Ngoài yếu tố phù hợp thực tiễn, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhìn nhận, giao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho cơ sở giáo dục còn tránh được lợi ích nhóm (nếu có). Hiện, các bộ sách giáo khoa do một số đơn vị được phép xuất bản, phát hành. Vì thế, sẽ xuất hiện tính cạnh tranh về giá và chất lượng. Chúng ta cần lường trước tình huống các đơn vị không cạnh tranh bằng giá cả, chất lượng mà bằng phương thức khác, thậm chí không sòng phẳng, lành mạnh.

Mặt khác, nếu giao quyền cho UBND cấp tỉnh/thành phố thực hiện lựa chọn sách giáo khoa thì cả nước có hơn 60 hội đồng chọn sách. Giả sử có lợi ích nhóm trong chọn sách giáo khoa dễ thực hiện.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, trao quyền cho cơ sở giáo dục thì không một tổ chức cá nhân nào có thể tác động đến quyết định chọn sách của cả trường. Từ đó tránh được nguy cơ lạm dụng việc chọn sách để trục lợi cá nhân. “Vì vậy, tôi cho rằng, quy định giao các trường chọn sách giáo khoa là phù hợp và tháo gỡ được nhiều bất cập”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.

Học sinh tham gia Hội thảo và Triển lãm Sách giáo khoa năm 2022. Ảnh: BTC

Học sinh tham gia Hội thảo và Triển lãm Sách giáo khoa năm 2022. Ảnh: BTC

Giảm thiểu nguy cơ tiêu cực

Cho rằng, giao quyền chọn sách giáo khoa cho các cơ sở giáo dục sẽ sát với thực tế và giảm thiểu nguy cơ tiêu cực, lợi ích nhóm, đại biểu Quốc hội Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An bày tỏ, dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đã đi đúng, trúng, phù hợp tâm tư, nguyện vọng và mong muốn của đội ngũ giáo viên, nhà trường.

Nhà trường, giáo viên được chủ động chọn sách giáo khoa làm học liệu trong quá trình dạy học là đúng; bởi họ mới biết bộ sách nào phù hợp học sinh và năng lực giáo viên trong trường. “Với tư cách cán bộ quản lý giáo dục địa phương, tôi hoan nghênh quan điểm này và quy định mà dự thảo thông tư Bộ GD&ĐT đã công bố”, đại biểu Thái Văn Thành khẳng định.

Cũng theo Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An, dự thảo thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông và thường xuyên khắc phục những bất cập trong chọn sách mà lâu nay dư luận phản ánh. “Trao quyền cho trường được lựa chọn cũng là cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chọn và giảm sự tác động của đội ngũ quản lý đến chọn sách”, đại biểu Thái Văn Thành nói.

Hoan nghênh Bộ GD&ĐT có những cải tiến trong quy trình lựa chọn sách giáo khoa, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh) nhấn mạnh, giao quyền lựa chọn sách cho giáo viên, nhà trường là bước tiến mới nhằm trao quyền tự chủ cho giáo viên, cơ sở giáo dục. Quy định này nằm trong tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo theo Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng nói chung và mục tiêu Chương trình GDPT 2018 nói riêng.

“Tuy nhiên, từ sự việc này, tôi mong Bộ GD&ĐT nhìn lại toàn bộ quy trình, các bước trong khâu thẩm định, lựa chọn sách giáo khoa nhằm đảm bảo chặt chẽ và ngày càng hoàn thiện, hiệu quả hơn”, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy nêu ý kiến.

Tuy nhiên, theo đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, dù cá nhân hay đơn vị nào lựa chọn sách giáo khoa thì việc thẩm định các bộ sách mới là quan trọng. Vẫn biết, sách giáo khoa không phải là tài liệu duy nhất trong dạy và học của thầy - trò nhưng khi đã phát hành thì phải là bộ tài liệu chuẩn mực nhất cả về nội dung và hình thức. Sách giáo khoa phải là kênh thông tin chính thống để giáo viên, học sinh nghiên cứu, giảng dạy và học tập.

Thời gian qua, một số ý kiến trái chiều, trong đó có thông tin sai lệch về sách giáo khoa phổ thông. Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy hoan nghênh Bộ GD&ĐT đã kịp thời thông tin về sự việc này. Bộ cũng đề xuất xử lý các tổ chức, cá nhân đăng tải, bình luận xuyên tạc, sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành Giáo dục và gây hoang mang dư luận.

Theo dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên của Bộ GD&ĐT, hội đồng lựa chọn sách của các trường do hiệu trưởng thành lập; trong đó có thành phần đại diện phụ huynh học sinh. Trước đề xuất này, đại biểu Hồ Thị Minh (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị) cho hay, thực tế, một số địa phương như Quảng Trị, phụ huynh vẫn có tiếng nói trong việc lựa chọn sách giáo khoa.

Theo đó, những bộ sách được lựa chọn đều có sự đồng thuận của nhà trường, giáo viên và phụ huynh nên đã phát huy hiệu quả tích cực trong giảng dạy và học tập. Cũng phải nhìn nhận rằng, hằng ngày phụ huynh đồng hành cùng con trong học tập nên để họ cùng tham gia chọn sách giáo khoa là hợp tình, hợp lý. Qua đó, vừa thể hiện sự bình đẳng, tôn trọng ý kiến giữa nhà trường, giáo viên với phụ huynh, mà còn đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Tuy nhiên, theo đại biểu Hồ Thị Minh, khi lựa chọn sách giáo khoa nên để giáo viên và người có chuyên môn đóng vai trò quyết định, còn phụ huynh sẽ hỗ trợ, bàn bạc, góp ý, cho ý kiến để cùng chọn ra bộ sách hợp lý nhất cho học sinh.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy nêu quan điểm, với những người cố tình xuyên tạc nội dung liên quan đến sách giáo khoa, cần áp dụng chế tài xử lý theo quy định của pháp luật, trong đó có Luật An ninh mạng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

HLV Ten Hag muốn Antony sớm trở lại là chính mình.

HLV Ten Hag ra điều kiện cho Antony

GD&TĐ - Trong buổi họp báo trước trận gặp Bransley thuộc khuôn khổ Carabao Cup, HLV Erik ten Hag đã đưa ra những phát biểu thẳng thắn về Antony.