Để có cái nhìn bao quát hơn và đối sánh kết quả điểm thi định kỳ - một trong những cơ sở đánh giá chất lượng giáo dục - giữa các nhà trường, phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, nhiều địa phương tiến hành kiểm tra định kỳ trên diện rộng (quy mô cấp huyện, tỉnh).
Cách thức này thường chỉ được thực hiện với một số môn, khối lớp nhất định (phần nhiều lớp cuối cấp). Có địa phương không tổ chức quy mô toàn tỉnh nhưng cho cấp huyện chủ động có thể kiểm tra định kỳ chung một số môn, khối lớp. Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm ra đề cho môn thi chung toàn tỉnh. Phòng GD&ĐT ra đề với môn thi chung quy mô cấp huyện.
Việc kiểm tra định kỳ diễn ra cùng thời điểm, áp dụng chung đề thi cho nhiều trường có khá nhiều ưu thế. Khi sở/phòng GD&ĐT ra đề, với việc huy động được lực lượng giáo viên giỏi, nhiều kinh nghiệm, chất lượng đề kiểm tra sẽ tốt và khách quan hơn.
Việc giáo viên lớp nào ra đề lớp đó, trường nào ra đề trường đó có thể dẫn tới hiện tượng khoanh vùng đề theo cảm tính, dạy gì kiểm tra đó; thầy “dạy tủ”, học sinh “học tủ” để có kết quả cao; giáo viên “ưu ái” học sinh đi học thêm. Sở/phòng GD&ĐT ra đề hạn chế được điều này, đòi hỏi học thật, thi thật, từ đó đạt kết quả thật; đặc biệt góp phần không nhỏ khắc phục tình trạng vi phạm dạy thêm, học thêm…
Tuy nhiên, có không ít địa phương không thực hiện điều này với lý do riêng. Trong đó có việc nhà trường được chủ động thực hiện kế hoạch phù hợp điều kiện thực tế, từ khâu ra đề sát với năng lực học tập của học sinh; đến chủ động trong xếp lịch kiểm tra, khâu coi, chấm kiểm tra theo điều kiện cơ sở vật chất hiện có…
Giáo viên không quá áp lực về kết quả kiểm tra, học sinh cũng yên tâm hơn trong ôn tập, vì đề chung có thể dễ hoặc khó hơn năng lực học tập của học sinh. Một điều nữa, khi kiểm tra chung, nếu sự cố về đề thi xảy ra ở 1 lớp, 1 trường sẽ ảnh hưởng đến các trường khác, thậm chí phải tổ chức lại trên toàn tỉnh/huyện, gây áp lực, tốn kém. Điều này đã xảy ra trên thực tế.
Do đó, khi tổ chức kiểm tra chung trên diện rộng cần có mục đích rõ ràng để từ đó quy định số môn, khối lớp kiểm tra chung phù hợp; tránh lạm dụng dẫn tới tốn kém, áp lực không cần thiết với học sinh, giáo viên, nhà trường.
Cùng với đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ nhằm xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện, học tập của học sinh theo yêu cầu cần đạt được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để học sinh điều chỉnh hoạt động rèn luyện và học tập, cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên điều chỉnh hoạt động dạy học.
Với tầm quan trọng của đánh giá định kỳ, dù tổ chức kiểm tra chung hay riêng cũng cần bảo đảm tổ chức nghiêm túc, đúng quy định; đánh giá chính xác, công bằng, trung thực, khách quan kết quả học tập của học sinh. Đồng thời, phải xây dựng được đề kiểm tra khoa học, chính xác, chặt chẽ, bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng hay yêu cầu cần đạt môn học, phù hợp quy định môn kiểm tra...
Bộ GD&ĐT quy định, đánh giá định kỳ (không thực hiện đối với cụm chuyên đề học tập), được thực hiện thông qua bài kiểm tra (trên giấy hoặc máy tính), bài thực hành, dự án học tập. Tuy nhiên, hiện nay, các trường chủ yếu thực hiện kiểm tra định kỳ qua bài kiểm tra trên giấy. Do đó, triển khai đa dạng các hình thức đánh giá định kỳ cần quan tâm hơn nữa để đáp ứng yêu cầu đổi mới kiểm tra, đánh giá, phát huy phẩm chất, năng lực người học.