Linh động các hình thức kiểm tra định kỳ

GD&TĐ - Trong điều kiện dịch bệnh, hoạt động kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ được các nhà trường triển khai với những hình thức phong phú; không chỉ là bài kiểm tra (trên giấy/ máy tính), mà qua bài thực hành, dự án học tập.

Học sinh THPT tại Hà Nội làm bài kiểm tra theo hình thức trực tuyến.
Học sinh THPT tại Hà Nội làm bài kiểm tra theo hình thức trực tuyến.

Phong phú hình thức kiểm tra

Thời điểm này, các cơ sở giáo dục trung học tại Vĩnh Long đang tiến hành kiểm tra giữa kỳ theo hình thức trực tuyến. Ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long, cho biết: Sở GD&ĐT đã có hướng dẫn cụ thể các trường để hoàn thành công tác kiểm tra giữa học kỳ I năm học 2021 - 2022 cùng tiến độ tiếp thu kiến thức của học sinh, tránh không tổ chức kiểm tra tập trung vào một thời điểm gây áp lực, hoặc kiểm tra không cùng tiến độ học dẫn đến học sinh quên kiến thức.

Theo đó, tùy tình hình thực tế, điều kiện của đơn vị, hoàn cảnh của học sinh, cơ sở giáo dục chọn hình thức kiểm tra phù hợp, như: Bài kiểm tra, sản phẩm học tập (bài luận/bài tập/kết quả dự án học tập, đề tài nghiên cứu… vừa sức để học sinh thực hiện ở nhà)… Đối với hình thức bài luận/bài tập, dự án học tập thực hiện ở nhà, học sinh có thể gửi trực tiếp hoặc gián tiếp (file ảnh, file pdf…) sản phẩm hoàn chỉnh đến giáo viên chấm kiểm tra để lưu minh chứng về sau.

Với kiểm tra thông qua sản phẩm học tập, các tổ chuyên môn, giáo viên phải quy định cụ thể tiêu chí đánh giá, thời điểm hoàn thành, hình thức nộp sản phẩm của học sinh... Giáo viên lựa chọn hình thức phù hợp để gửi yêu cầu (nội dung đề bài) đến học sinh; đánh giá sản phẩm học tập của học sinh theo thang điểm 10.

“Về thời gian kiểm tra, căn cứ tình hình thực tiễn của đơn vị để quyết định. Tuy nhiên, hoạt động kiểm tra chỉ được thực hiện sau khi học sinh được giáo viên ôn tập nội dung kiến thức, kỹ năng cần kiểm tra ít nhất một tuần để các em có thời gian chuẩn bị. Đối với các bài kiểm tra có điểm số bất thường (điểm cao bất thường hoặc điểm thấp bất thường), nhà trường và giáo viên có thể tổ chức kiểm tra lại” – ông Trịnh Văn Ngoãn chia sẻ.

Thời điểm này, học sinh trung học Cần Thơ đã hoàn thành kiểm tra giữa học kỳ I. Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Phúc Tăng, các nhà trường triển khai kiểm tra giữa kỳ trực tuyến bằng các phần mềm, ứng dụng kiểm tra đánh giá được Sở GD&ĐT giới thiệu, hướng dẫn hoặc các nhà trường tự trang bị bảo đảm được tính công bằng, khách quan và đánh giá đúng năng lực của học sinh. Với những học sinh không đủ điều kiện tham gia kiểm tra đánh giá trực tuyến, các trường trung học tổ chức cho những học sinh này kiểm tra, đánh giá tại trường.

Sở GD&ĐT cũng quy định các trường có thể thực hiện hình thức kiểm tra, đánh giá kết hợp giữa trực tuyến và sản phẩm học tập của học sinh. Theo đó, kiểm tra bằng hình thức trực tuyến thông qua bài kiểm tra, kết quả kiểm tra trực tuyến chiếm tỷ lệ 60% - 70% kết quả kiểm tra, đánh giá cuối cùng.

Tổ chuyên môn/giáo viên bộ môn thảo luận, thống nhất giao nhiệm vụ cho học sinh thực hiện một nội dung trong chương trình môn học. Sản phẩm của học sinh được đánh giá chiếm tỷ lệ 30% - 40% kết quả kiểm tra, đánh giá cuối cùng. Kết quả kiểm tra giữa kỳ I là tổng của kết quả kiểm tra trực tuyến và kết quả đánh giá sản phẩm học tập của học sinh.

“Kiểm tra cuối kỳ I được các trường trung học triển khai vào tháng 1/2022. Sở GD&ĐT đưa ra 2 phương án: Tổ chức kiểm tra, đánh giá trực tiếp tại trường; tổ chức kiểm tra, đánh giá trực tuyến. Trường hợp kiểm tra trực tiếp tại trường, Sở GD&ĐT hỗ trợ tổ chức ra đề, in sao đề kiểm tra các lớp cuối cấp (lớp 9, 12). Nếu kiểm tra đánh giá trực tuyến, các đơn vị xây dựng kế hoạch ra đề, in sao và tổ chức kiểm tra” - ông Nguyễn Phúc Tăng cho biết thêm.

Giáo viên chủ động các phương án kiểm tra đánh giá học sinh khi tổ chức dạy học trực tuyến.
Giáo viên chủ động các phương án kiểm tra đánh giá học sinh khi tổ chức dạy học trực tuyến.

Bảo đảm công bằng cho mọi học sinh

Nhiều trường, thời điểm diễn ra kiểm tra giữa kỳ có học sinh vì yếu tố dịch tễ mà không thể tham gia cùng các bạn. Những học sinh này đều được quan tâm, bố trí làm bài vào thời điểm phù hợp. Như tại Trường THPT Yên Thế, Bắc Giang, theo cô Hiệu trưởng Hoàng Thị Hạnh, hoạt động kiểm tra giữa kỳ bắt đầu từ tuần thứ 9.

Tuy nhiên, mới kiểm tra được nửa số môn thì học sinh phải tạm dừng đến trường vì Covid-19. Sau khi dịch ổn định, học sinh đi học trở lại, từ 29/11 trường tổ chức kiểm tra bổ sung các môn còn lại. Thời điểm này, kiểm tra giữa học kỳ I tại trường đã hoàn thành. Còn một học sinh do phải cách ly nên chưa được kiểm tra, nhà trường vẫn bảo đảm kiến thức cho học sinh này qua học trực tuyến. Khi hết cách ly (dự kiến ngày 12/12), các em sẽ làm bài kiểm tra giữa kỳ I. Dù chỉ một học sinh đề thi cũng được nhà trường quan tâm để tương đương về mức độ, bảo đảm công bằng.

Học sinh trung học tại Phú Thọ đã hoàn thành kiểm tra giữa học kỳ I theo hình thức trực tiếp. Chia sẻ thông tin này, ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Một số trường hợp có yếu tố dịch tễ được lui thời điểm kiểm tra đến sau khi hết cách ly, quyền lợi các em được bảo đảm. Tương tự Phú Thọ, học sinh trung học Bắc Ninh cũng đã hoàn thành kiểm tra giữa học kỳ.

Thông tin từ ông Nguyễn Minh Nhiên, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục Thường xuyên, Sở GD&ĐT Bắc Ninh, thời điểm kiểm tra giữa kỳ được tiến hành từ ngày 9 - 12/11. Đối với học sinh, học viên thuộc nhóm F0, F1, F2 theo phân loại của ngành Y tế, các cơ sở giáo dục chủ động phương án tổ chức hoàn thành việc kiểm tra, đánh giá giữa học kỳ bảo đảm nghiêm túc, khách quan, chính xác và đúng quy định của Bộ GD&ĐT.

Như vậy, các nhà trường căn cứ tình hình thực tế để kiểm tra bù vào thời điểm thích hợp. “Số lượng học sinh diện F trong thời điểm diễn ra thi giữa kỳ I của Bắc Ninh không nhiều và hiện các em đều hoàn thành 100% bài kiểm tra của mình” – ông Nguyễn Minh Nhiên chia sẻ.

Tại TP Hồ Chí Minh, hướng dẫn tổ chức kiểm tra đánh giá cuối kỳ I năm học 2021 - 2022 của Sở GD&ĐT cũng có quy định với các học sinh thuộc diện F0, cách ly, giãn cách xã hội… không thể tham gia kiểm tra cuối kỳ từ 10 - 22/1/2022. Những học sinh này, nhà trường xem xét cho thực hiện kiểm tra, đánh giá bổ sung sau khi đã thực hiện các biện pháp dạy học, phụ đạo, bồi dưỡng bổ sung kiến thức phù hợp, trao đổi với cha mẹ học sinh, thông báo cho học sinh. Việc kiểm tra bổ sung hoàn thành trước ngày 28/2/2022.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.