Ưu tiên kiểm tra trực tiếp
Ngày 31/10, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có ca mắc Covid – 19 cộng đồng đầu tiên là HS lớp 9, trường THCS An Hải. Ngay sau đó, các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn chuyển từ học trực tiếp sang học trực tuyến, HS trường mầm non tạm nghỉ.
Thầy Huỳnh Văn Long – Hiệu trưởng Trường THPT Lý Sơn cho biết: Qua theo dõi gần một tuần dạy học trực tuyến, HS đủ thiết bị, phương tiện để học tập. Tuy nhiên, nhà trường đang đề xuất cho HS lớp 12 đến trường học trực tiếp vào tuần tới.
Để bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch, các lớp học của khối 12 sẽ chia đôi, dạy – học thành 2 ca sáng và chiều. Khối 11 và 10 vẫn duy trì dạy học trực tuyến. Một tuần sau đó, HS khối 11 sẽ đến trường học trực tiếp.
Một phương án khác là lớp 12 học trực tiếp; khối 11 và 10 sẽ chọn một số môn học trực tiếp tại trường, một số môn vẫn duy trì hình thức dạy học trực tuyến.
Về phương án tổ chức kiểm tra định kỳ, thầy Long cho biết, nhà trường sẽ ưu tiên theo hình thức trực tiếp. Tuy nhiên, tùy tình hình dịch bệnh, Ban giám hiệu nhà trường vẫn chủ động xây dựng hình thức kiểm tra trực tuyến để dự phòng.
Cô Trần Thị Kim Vân – Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) cho rằng, với kiểm tra trực tuyến thì độ tin cậy chỉ ở mức tương đối chứ không thể đòi hỏi như hình thức kiểm tra trực tiếp được. Vì vậy, các trường học bao giờ cũng ưu tiên tổ chức trực tiếp với bài kiểm tra định kỳ. “Tuy nhiên, dịch bệnh với nhiều diễn biến phức tạp, các trường học cần phải chủ động xây dựng phương án kiểm tra đánh giá. Không thể cứ lùi thời gian đợi đến khi HS đến trường học trực tiếp mới tổ chức làm bài kiểm tra định kỳ được vì sẽ còn bài kiểm tra cuối học kỳ I, nếu gần nhau quá sẽ rất áp lực cho HS trong khi đây là một cột điểm quan trọng” – cô Vân nêu quan điểm.
Tuyệt đối không kiểm tra những nội dung đã được giảm tải
Huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) chỉ có 4 trong tổng số 49 trường tiểu học và THCS tổ chức dạy học trực tiếp.
Ông Trương Quang Dũng - Trưởng phòng GD&ĐT Nghĩa Hành cho biết: "Với những trường đang dạy học trực tuyến, Phòng GD&ĐT hướng dẫn cho các trường chủ động xây dựng phương án kiểm tra định kỳ phù hợp với điều kiện dạy học.
Với HS Tiểu học, các em chủ yếu học trực tuyến trên điện thoại, vì vậy, có thể tổ chức cho HS làm bài trên giấy, phụ huynh chụp lại bài làm rồi gửi qua nhóm Zalo học tập cho giáo viên. THCS thì các trường tổ chức kiểm tra bằng ứng dụng phần mềm có giám sát. HS sẽ bật mic và camera để giáo viên theo dõi quá trình làm bài".
Trong hướng dẫn kiểm tra, Phòng GD&ĐT Nghĩa Hành cũng nhấn mạnh, nội dung kiểm tra phải nằm trong chương trình học trực tuyến, đề ra tránh đề cập đến những nội dung mà Bộ đã giảm tải.
TP Đà Nẵng đã tổ chức kiểm tra cuối học kỳ II năm học 2020 - 2021 theo hình thức trực tuyến.
Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, có con đang học lớp 7, trường THCS Nguyễn Văn Cừ (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) nhận xét: "Trước khi kiểm tra chính thức, nhà trường thông báo làm thử, nhiều HS vào làm nhưng nộp bài không thành công vì hệ thống thông báo nâng cấp, gây tâm lý hoang mang lo lắng cho nhiều phụ huynh.
Khi thi đòi hỏi HS phải có hai thiết bị: một điện thoại thông minh và một máy tính hoặc 2 điện thoại, không phải HS nào cũng có thể đáp ứng được. Cũng có nhiều phụ huynh quá lo nên nghỉ làm để hỗ trợ con thi. Nếu khắc phục được điểm này thì tốt quá".
Cũng theo nhận xét của chị Tâm, khi kiểm tra trực tuyến có giám sát, phần trắc nghiệm, HS làm bài trên máy tính nhưng phần bài tự luận thì chụp ảnh bài làm và nộp riêng cho cô giáo. Chị Tâm cho rằng, nếu tất cả bài thi nên upload lên hệ thống sẽ tạo được sự khách quan, nhà trường, phụ huynh, học sinh đều có thể tra soát được bài làm.