Chủ động nguồn vắc xin
Phát biểu thảo luận, đại biểu Lò Thị Luyến, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cho rằng, mặc dù đại dịch Covid -19 diễn biến phức tạp nhưng Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kinh tế.
Nhiều chương trình, gói hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh được Quốc hội và Chính phủ đồng lòng triển khai đã thực sự là động lực quan trọng để cử tri và nhân dân vững tin vượt qua đại dịch.
Theo đại biểu, để đạt được phương châm chống dịch hiệu quả, Chính phủ cần quan tâm 3 yếu tố quan trọng. Đó là nhanh chóng có đủ vắc xin bao phủ toàn dân kể cả đối tượng là trẻ nhỏ. Việc bao phủ vắc xin sẽ giúp cho người dân dù có nhiễm Covid thì người bệnh cũng ở thể nhẹ và không nguy hiểm đến tính mạng.
Bên cạnh đó, cần sớm phổ biến những thuốc đặc trị Covid hiện được thử nghiệm và đánh giá rất tốt, nhằm giúp người bị nhiễm Covid nhanh chóng khỏi bệnh trong vòng từ 5 – 7 ngày.
Chính phủ cần có giải pháp để từ năm 2022, Việt Nam chủ động được nguồn vắc xin theo nhu cầu đặc biệt là nguồn vắc xin trong nước để chúng ta chủ động trong phòng, chống dịch và giảm được chi phí mua vắc xin.
Đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống Covid-19
Đại biểu Đặng Ngọc Huy, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, năm 2021 do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 lần thứ 4, tăng trưởng kinh tế đã giảm ở hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa phương. Hoạt động sản xuất kinh doanh lưu thông hàng hóa có lúc có nơi bị đình trệ, chi phí tăng cao. Một số chuỗi sản xuất bị đứt gãy cục bộ. Hệ thống y tế bị hạn chế nhất là ở cấp cơ sở. Việc làm đời sống của người dân người lao động bị ảnh hưởng nhất là tại các địa bàn bị giãn cách.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, kinh tế - xã hội năm 2021 đạt được một số kết quả tích cực.
Theo đại biểu, trong thời gian tới đại dịch Covid-19 dự báo vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro; kinh tế thế giới phục hồi không đồng đều, sản xuất công nghiệp tăng trưởng chậm; đứt gãy chuỗi cung ứng ,...
Vì vậy, đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống Covid-19, sớm triển khai tiêm chủng cho người dưới 18 tuổi để tạo miễn dịch cộng đồng.
Đồng thời, quan tâm hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đầu tư nghiên cứu bào chế và sản xuất vắc xin trong nước để Việt Nam chủ động nguồn cung, tự chủ vắc xin thực hiện chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid -19.
Bên cạnh đó, đại biểu đề xuất, cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhân lực cho y tế cơ sở cũng như có cơ chế để huy động sự tham gia của y tế tư nhân trong phòng, chống dịch Covid-19;...