Tạm dừng hoạt động ngoại khóa liên quan đến nước
Sau sự việc học sinh tiểu học trên địa bàn tử vong do đuối nước khi tham gia hoạt động ngoại khóa do trường tổ chức, Phòng GD&ĐT Quận 8, TPHCM đã yêu cầu các trường trên địa bàn tạm dừng hoạt động ngoại khóa có hoạt động dưới nước. Đồng thời, phòng cũng yêu cầu nhà trường phối hợp với đơn vị tổ chức ngoại khóa phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh khi tham gia.
Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh khi tham gia các hoạt động bên ngoài nhà trường là nguyên tắc được Sở GD&ĐT TPHCM nhấn mạnh trong các văn bản hướng dẫn về hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa cho học sinh hằng năm. Để hoạt động này tiến hành một cách chu toàn nhất, nhà trường đều phải xây dựng kế hoạch giáo dục trải nghiệm ngay từ đầu năm học hay đầu học kỳ. Sở cũng tổ chức thẩm định và thẩm định lại các chương trình trải nghiệm để công tác tổ chức học tập cho học sinh hiệu quả, an toàn nhất. Các mô hình trải nghiệm - trải nghiệm sáng tạo, tiết học ngoài nhà trường được sở thẩm định và giới thiệu gồm: Công viên Văn hóa Đầm Sen; Khu Sinh thái giáo dục Về Quê (Củ Chi); Chương trình Thảo Cầm Viên – Bảo tàng; Chương trình trải nghiệm tại khu công viên phần mềm Quang Trung (STEM).
Chia sẻ với báo chí về việc tăng cường hơn nữa công tác bảo đảm an toàn cho học sinh khi học trải nghiệm, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết: Sở đã làm dự thảo văn bản hướng dẫn chung các hoạt động ngoại khóa, trong tuần này sẽ có văn bản chính thức gửi phòng GD&ĐT 24 quận, huyện và báo cáo UBND. Theo ông Dũng, hằng năm ngành luôn có văn bản chỉ đạo các trường thực hiện kế hoạch sinh hoạt ngoại khóa nhưng có một số nơi chưa phối hợp nhịp nhàng.
“Sở sẽ có những hướng dẫn chi tiết cho từng bậc học, nên tổ chức ở những địa điểm nào, phân công giáo viên ra sao. Nếu trường nào cảm thấy không bảo đảm an toàn được thì không tổ chức, đã tổ chức thì phải lên kế hoạch và có trách nhiệm, không phải báo cáo vài dòng cho xong”, ông Dũng nhấn mạnh.
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu
Theo ông Nguyễn Việt Mười, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng, đơn vị nào tổ chức trải nghiệm với hình thức tham quan học tập đều phải xây dựng trong kế hoạch giáo dục nhà trường từ đầu năm học. Đồng thời, khi thực hiện tổ chức hoạt động trải nghiệm ngoài trường học, đơn vị phải có tờ trình xin phép gửi về sở. Trong văn bản cho phép, sở có chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn cho học sinh và nêu trách nhiệm người đứng đầu khi tổ chức thực hiện. Thời gian tới, sở ban hành văn bản riêng chỉ đạo công tác tổ chức tham quan, trải nghiệm học tập ngoài trường học.
Theo đó, các đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng chương trình và tổ chức đúng thời gian theo kế hoạch. Đồng thời, thông báo cho cha mẹ học sinh biết và có sự đồng thuận về kế hoạch của nhà trường. Trước và trong thời gian tổ chức, nhà trường phải tuyên truyền cho học sinh về việc bảo đảm an toàn và chấp hành tốt quy định của đơn vị tổ chức. Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm trong việc tổ chức chuyến đi an toàn, hiệu quả và tiết kiệm.
Tại TP Cần Thơ, ngành Giáo dục chủ động phương án bảo đảm an toàn cho học sinh khi tổ chức tham quan học tập ngoài trường. Theo thầy Trương Vĩnh Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm, quận Ninh Kiều, hằng năm nhà trường tổ chức cho học sinh đến các khu di tích lịch sử, văn hoá địa phương ở các tỉnh/thành để học tập, nghiên cứu. Ngoài việc thông tin và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của gia đình các em, nhà trường cũng xây dựng kế hoạch, phối hợp y tế và giáo viên trong việc phân công nhiệm vụ giám sát, an toàn từng chuyến đi.
Nhà trường phải lên kế hoạch thực hiện từ đầu năm học và được Sở GD&ĐT duyệt thông qua. Đồng thời, khi tổ chức tham quan nhà trường phải làm văn bản gửi về phòng GD&ĐT để xin phép. Nhà trường phải chủ động xây dựng các phương án bảo đảm an toàn và tổ chức sinh hoạt cho học sinh trước và trong mỗi chuyến đi; quán triệt tư tưởng và tổ chức tập huấn cho giáo viên chủ nhiệm công tác quản lý lớp, hướng dẫn học sinh trong quá trình tổ chức.