Phương án tuyển sinh riêng của các trường ĐH, đặc biệt trường ngoài công lập, nhận được rất nhiều phản hồi từ dư luận. Bên cạnh đánh giá về sự đột phá, nhiều người tỏ ra lo ngại về tính khả thi.
Thi riêng, không là điều mới mẻ
"Có một khuyết điểm trong các phương án này là các trường đưa ra nhiều tiêu chí lấy từ trên xuống dưới đủ chỉ tiêu nhưng lại quên chất lượng" - TS Lê Trường Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập. |
Thật ra ở Việt Nam hiện nay cũng có một số trường được phép tuyển sinh riêng như RMIT, Đại học FPT. Hai trường hợp nêu trên cho thấy, việc các trường tuyển sinh riêng không phải là điều quá mới mẻ và có thể áp dụng được.
Điển hình là trong năm 2013, Bộ đã cho 10 trường thuộc khối văn hóa nghệ thuật được phép tuyển sinh riêng. Thay cho việc thi môn Ngữ văn theo đề thi chung của Bộ, thí sinh thi vào các ngành văn hóa nghệ thuật của 10 trường sẽ chỉ thi các môn năng khiếu.
Trường có tuyển sinh khối C sẽ được sử dụng kết quả thi “3 chung” để xét tuyển thí sinh. Các ngành tuyển sinh khối H, N, S sẽ xét tuyển môn Ngữ văn dựa vào kết quả thi tốt nghiệp và điểm tổng kết 3 năm học của bậc học này.
|
Năm nay, nhiều trường Đh, CĐ khối ngành văn hóa nghệ thuật được tuyển sinh riêng. Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Chưa khả thi trong điều kiện hiện nay
Trong bối cảnh này, việc một số trường ĐH đưa ra phương án tuyển sinh hoặc xét tuyển riêng nhận được sự đồng tình của dư luận. Vấn đề băn khoăn đây có phải là phương thức tốt để chọn đúng người vào ĐH.
Đánh giá về phương án xét tuyển của các trường ngoài công lập, TS Nguyễn Quốc Chính - Phó trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH (ĐH Quốc gia TPHCM) - cho biết: “Việc xét tuyển ĐH chỉ dựa vào kết quả học và thi tốt nghiệp THPT như một số trường, nghe có vẻ hợp lý nhưng thực ra lại bất khả thi.
Bởi lẽ, nếu triển khai tất yếu sẽ nảy sinh nhiều tiêu cực, trong đó có vấn nạn lạm phát điểm từ các trường THPT. Quan trọng hơn, sẽ không có một chuẩn chung để đánh giá vì cũng là điểm 10 nhưng mỗi nơi sẽ có giá trị khác nhau.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay ở ta chỉ mới đạt mức hoàn thiện chương trình phổ thông chứ chưa thể dùng để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Thậm chí, ngay cả nhiều nước phát triển khác trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... cũng đều không sử dụng yếu tố này cho kỳ thi tuyển sinh”.
Ông Chính cho rằng các phương án này cũng không giải quyết được tận gốc vấn đề. Kết quả kỳ thi “3 chung” tuy chưa phản ánh chính xác năng lực của thí sinh nhưng vẫn là một chuẩn có giá trị và đang được chấp nhận rộng rãi.
Vì vậy, TS Chính đề nghị: “Chỉ có thể áp dụng phương án này nếu có một hệ thống giáo dục hoàn chỉnh và đồng nhất trong toàn quốc. Tôi cho rằng, một đề án cải tiến tuyển sinh cần phải đảm bảo tính khoa học và khả thi, còn nếu chỉ là “nghe hay” thôi thì chưa đủ”.
Điểm yếu của các phương án là bỏ quên chất lượng
TS Lê Trường Tùng - Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập - nhìn nhận các phương án có những điểm tích cực như hướng đến việc xét tuyển không chỉ dựa vào điểm thi ĐH mà còn kết quả thi tốt nghiệp, xét học bạ phổ thông, tổ chức kỳ thi bổ sung, phỏng vấn.
Ông Tùng nhấn mạnh: “Đây là quan điểm tốt vì thực tế mục tiêu xét tuyển ĐH là chọn những người có tính chất phù hợp học ĐH chứ không phải kiểm tra việc nắm bắt kiến thức phổ thông của học sinh như thế nào”.
Tuy nhiên, ông Tùng cũng đưa ra điểm yếu của các đề án. Ông Tùng phân tích: “Có một khiếm khuyết trong các phương án này là các trường đưa ra tiêu chí lấy từ trên xuống dưới đủ chỉ tiêu nhưng lại quên chất lượng. Dù là phương án của Bộ hay các trường cũng cần có điểm sàn, có thể là điểm của riêng trường.
Ví dụ: trường xét tối đa 100 điểm thì cần có mức tuyển riêng, chẳng hạn chỉ lấy thí sinh 50 điểm trở lên. Các trường chưa cân nhắc nhiều về số lượng và chất lượng. Thí sinh nộp đơn vào đông thì có thể xét từ trên xuống, qua đó chất lượng cũng được nâng theo nhưng nếu ít thí sinh thì sẽ ra sao?”.
Theo ông Tùng, thành công của Trường ĐH Quốc tế RMIT Việt Nam nằm ở chỗ cũng như nhiều trường nước ngoài khác, họ không thi tuyển nhưng thành lập lâu và đã có chất lượng. Sinh viên nào học yếu thì không thể tốt nghiệp được trong khi các trường của Việt Nam thì không đảm bảo được điều này. Vì vậy, không thể so sánh trường Việt Nam và trường nước ngoài được.
Không muốn dựa vào kỳ thi tuyển sinh ĐH Trao đổi với Thanh Niên, nhà văn Nguyên Ngọc - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Phan Châu Trinh, nói: “Thực ra, ban đầu trường đề xuất phương án tuyển sinh riêng dựa trên 5 tiêu chí, gồm: kết quả kỳ thi tuyển sinh ĐH hiện nay, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, điểm trung bình các năm học THPT, kết quả kỳ thi kiểm tra tư duy do trường tổ chức và kỳ phỏng vấn trực tiếp của Hội đồng tuyển sinh trường. Trong 5 tiêu chí này, thực ra chúng tôi cũng không muốn dựa vào thi tuyển sinh ĐH hiện nay bởi lẽ, bản chất điểm sàn vào ĐH là sai, và đến lúc nào đó chúng ta phải bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH. Về nguyên tắc, sau kỳ thi tốt nghiệp học sinh có quyền vào ĐH, kỳ thi đó đã chứng tỏ học sinh có đủ trình độ tiếp tục học ĐH rồi. Sau khi trao đổi với Bộ, trường đã điều chỉnh lại phương án, chỉ còn 2 tiêu chí: kết quả học tập và thi tốt nghiệp THPT. Việc điều chỉnh này nhằm sát hơn với thực tế tình hình thi cử hiện nay của nước ta, khi Bộ vẫn đang tổ chức kỳ thi tuyển sinh chung toàn quốc; thực hiện cải tiến tuyển sinh theo lộ trình. Tuy nhiên, tôi nghĩ đến thời điểm 2015 - 2016 chỉ cần xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và phỏng vấn trực tiếp”. Khi nói về 2 tiêu chí xét tuyển của trường, nhà văn Nguyên Ngọc cũng tỏ ra băn khoăn: “Có quan điểm cho rằng, nếu chỉ dựa vào kết quả thi tốt nghiệp và học THPT sẽ chông chênh vì dễ nảy sinh tiêu cực. Thực sự kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay “dỏm” quá, nếu lấy hết những thí sinh đạt yêu cầu kỳ thi này sẽ có những học sinh quá kém. Do vậy, nhà trường mới đặt ra mức điểm tối thiểu để tuyển lựa. Ngoài 2 tiêu chí trên, trường vẫn sẽ tiến hành phỏng vấn trực tiếp thí sinh sau khi trúng tuyển”. |
Theo Thanh Niên