Đây được xem là khó khăn lớn với nhiều địa phương, nhất là vùng sâu, xa khi nguồn tuyển không có. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, việc bổ sung công chức khó khăn nên đa số các phòng GD&ĐT, đặc biệt ở vùng khó đều thiếu nhân sự.
Trong bối cảnh thiếu cán bộ, giáo viên, ngành GD-ĐT các địa phương đã thực hiện giải pháp biệt phái giáo viên từ vùng thấp lên vùng cao, nơi thiếu ít đến nơi thiếu nhiều để san sẻ khó khăn. Thời gian qua có không ít giáo viên viết đơn tình nguyện biệt phái với tinh thần trách nhiệm cao.
Các địa phương cũng nỗ lực chỉ đạo phòng chuyên môn, trường học đảm bảo chế độ, chính sách; tạo mọi điều kiện về chỗ ở, sinh hoạt, sắp xếp công việc, thời khóa biểu phù hợp... để đội ngũ này yên tâm công tác. Nhờ chủ trương biệt phái, nhiều tỉnh thành như Yên Bái, Nghệ An, Hà Giang, Quảng Ninh… đã từng bước tháo gỡ khó khăn về đội ngũ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tuy đạt được kết quả đáng trân trọng nhưng thực tế cho thấy chế độ giáo viên biệt phái còn những bất cập. Dù thực hiện theo quy định của Luật Viên chức, giáo viên được cử biệt phái đến miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ; nhiều địa phương còn có chính sách hỗ trợ riêng, nhưng tình hình chung thầy cô không mặn mà với hai chữ biệt phái vì đây là nhiệm vụ khó khăn.
Đặc biệt, biệt phái lên công tác tại các phòng GD&ĐT, đa số giáo viên còn chịu thiệt thòi về thu nhập. Thực tế, những người được biệt phái đều có thâm niên công tác, là giáo viên cốt cán, có chuyên môn và vị trí công tác ở trường sở tại. Thế nhưng khi biệt phái lên phòng GD&ĐT, ngoài giảm thu nhập, công việc vất vả hơn thì nhiều thầy cô không biết tương lai của mình sẽ đi đâu, về đâu sau khi hết thời hạn điều động.
Với trường có giáo viên biệt phái đi, những người ở lại cũng chịu nhiều vất vả, thiệt thòi vì chưa có cơ chế chính sách quy định về hỗ trợ chi trả tiền làm thêm giờ để thay thế cho đội ngũ được cử đi biệt phái, do kinh phí cấp theo biên chế. Còn nơi nhận biệt phái cũng nhiều tâm tư, vì giáo viên đến tăng cường chỉ trong thời gian ngắn, biết việc rồi đi, nhân sự thiếu sự ổn định, bền vững để bảo đảm chất lượng.
Thiếu giáo viên là vấn đề lớn, không chỉ hiện nay mà còn trong vài năm tới, nếu không có giải pháp căn cơ hoặc bổ sung biên chế thì tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành gặp nhiều khó khăn. Vì thế, biệt phái vẫn là một trong những giải pháp cần thiết để giải quyết tình thế.
Biện pháp này không chỉ góp phần chia lửa với vùng khó, nơi thiếu nhân sự mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đề cao trách nhiệm của mỗi cán bộ giáo viên cho sự nghiệp giáo dục vùng khó. Trong khi chờ những giải pháp căn cơ, bên cạnh việc làm tốt công tác tuyên truyền, thực hiện bố trí nhân sự công bằng, minh bạch, rất cần chính sách chăm lo chu đáo, có sức hút đối với giáo viên biệt phái để thầy cô yên tâm công tác và ổn định cuộc sống.