Bớt người, không bớt việc
Theo quy định mới, với 7 biên chế, Phòng GD&ĐT huyện Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) chỉ còn 2 GV biệt phái. Ông Nguyễn Lâm - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ngũ Hành Sơn cho biết: “Trước đây, số lượng GV biệt phái tại Phòng GD&ĐT là 12 người. Kể từ khi tách quận - năm 1997 đến nay, Phòng GD&ĐT được bố trí 7 biên chế và không được bổ sung thêm biên chế”.
Trong số 7 biên chế của Phòng GD&ĐT Ngũ Hành Sơn có 4 lãnh đạo và 3 chuyên viên gồm một người phụ trách tổng hợp, một kế toán vừa xin nghỉ việc chưa được bổ sung và một người phụ trách chuyên môn bậc mầm non. Ông Nguyễn Lâm - Trưởng phòng GD&ĐT Ngũ Hành Sơn cho biết, do không có công chức chuyên môn phụ trách bậc tiểu học và THCS nên các phó trưởng phòng vừa làm công tác quản lý vừa kiêm nhiệm luôn các công việc của chuyên viên phụ trách bậc học.
Tương tự, hiện Phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) chỉ có 5 biên chế, trong đó có 3 lãnh đạo và 2 viên chức phụ trách tổng hợp và tổ chức. “Nếu theo vị trí việc làm thì các Phòng GD&ĐT phải có chuyên viên phụ trách các bậc học mầm non, tiểu học, THCS, hoạt động ngoài giờ…
Trong 5 năm qua, Phòng GD&ĐT Hòa Vang giảm 7 biên chế do điều động công tác về Sở GD&ĐT và đến tuổi nghỉ hưu nhưng không được bổ sung thêm do thời điểm đó chưa bị hạn chế số lượng GV biệt phái như hiện nay” - bà Phạm Hồ Quỳnh Trang - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang - cho biết. Dù khối lượng công việc quản lý, chỉ đạo chuyên môn tại Phòng GD&ĐT rất lớn, nhưng theo như bà Quỳnh Trang, do tính chất đặc thù nên khi trả các GV biệt phái về các trường học thì cũng không thể luân chuyển viên chức từ các phòng chuyên môn khác của UBND huyện đến công tác tại Phòng GD&ĐT được.
Sau gần một năm “siết” số lượng GV biệt phái tại các Phòng GD&ĐT, ông Nguyễn Lâm cho rằng nếu chỉ với mảng điều hành theo kế hoạch - nhiệm vụ năm học thì chưa thấy có phát sinh vướng mắc gì. Nhưng chức năng của Phòng GD&ĐT không chỉ có như vậy, mà còn nhiều hoạt động chuyên môn khác nữa, nhất là tập huấn chuyên môn để đón đầu thay sách giáo khoa”…
Tổ “công tác đặc biệt”
Đây là cách mà một số Phòng GD&ĐT tại Đà Nẵng đang áp dụng sau khi bị “siết” số lượng GV biệt phái để vẫn đảm bảo duy trì công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động chuyên môn. Theo ông Nguyễn Lâm, thành viên của tổ công tác đặc biệt này có thể là Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng hoặc GV giỏi, có uy tín ở các trường và được Phòng GD&ĐT điều động trong một số trường hợp cần thiết như tham gia các đợt tập huấn chuyên môn do Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT tổ chức, thành lập đoàn kiểm tra các cơ sở giáo dục do Phòng GD&ĐT phụ trách hay thi GV dạy giỏi… Mỗi “tổ công tác đặc biệt” do Phòng GD&ĐT Ngũ Hành Sơn có 5 thành viên dưới sự điều hành của các Phó trưởng phụ trách.
“Hiện Phòng GD&ĐT không có cơ chế và cũng không có quỹ để hỗ trợ hay trả phụ cấp gì cho những CB, GV tham gia “tổ công tác đặc biệt” ngoài việc họ được thanh toán chế độ công tác phí khi được trưng tập” - ông Nguyễn Lâm nêu rõ.
Để giải quyết bài toán thiếu nhân lực theo đầu việc, Phòng GD&ĐT Hải Châu (Đà Nẵng) đang áp dụng hình thức “biệt phái bán thời gian”. Bà Trần Thị Thúy Hà - Trưởng phòng GD&ĐT Hải Châu chia sẻ: “Thực ra nói là biệt phái bán thời gian cũng không đúng bản chất, vì những GV này đều phải hoàn thành đủ tiết dạy tại trường song song với việc hỗ trợ các công việc chuyên môn tại Phòng GD&ĐT nên cũng không thể gọi là biệt phái. Và với những GV này thì gần như khối lượng công việc là gấp đôi”.
Việc “siết” số lượng giáo viên biệt phái của Sở Nội vụ TP Đà Nẵng được xem là giải pháp tinh giản biên chế. Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ nêu quan điểm: “Một số Phòng GD&ĐT có đến 14 - 15 người biệt phái, thế thì còn gì là biệt phái nữa, biệt phái gì mà nhiều thế? Biệt phái là để giải quyết những gì còn khó khăn nên số lượng biệt phái mới được quy định là không quá 30%. Chính vì vậy, các Phòng GD&ĐT phải thực hiện cải cách hành chính và phải giảm tải cho Phòng GD&ĐT, chỉ thực hiện các công việc chuyên môn thôi”.
Thế nhưng, ông Nguyễn Lâm cho rằng, chủ trương khống chế số lượng GV biệt phái không quá 30% số biên chế thì chưa tính đến đặc thù công việc của các Phòng GD&ĐT. “Ở mỗi bậc học thì Phòng GD&ĐT phải có ít nhất một chuyên viên phụ trách công tác chuyên môn. Chỉ đơn cử như vấn đề kiểm tra xem mức độ điều hành của hiệu trưởng các trường đến đâu là rất khó khăn nếu Phòng GD&ĐT chỉ dựa vào hoạt động của các “tổ công tác đặc biệt” như hiện nay.
Phòng GD&ĐT không phụ trách chuyên môn, không quản lý được các hoạt động dạy - học thì rất bất cập. Nếu không có chuyên viên phụ trách bậc học tại Phòng GD&ĐT thì các đợt kiểm tra ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tính khách quan nếu phụ thuộc vào các “tổ công tác đặc biệt”, cũng gần như tình trạng thiếu đi “trọng tài” - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ngũ Hành Sơn thẳng thắn thừa nhận
Cũng có cùng quan điểm, bà Trần Thị Thúy Hà cho rằng, công việc của Phòng GD&ĐT không chỉ có lưu trữ công văn, giấy tờ mà còn là kiểm tra thực tế cơ sở, dự giờ thăm lớp, tổ chức các hoạt động chuyên môn, hội thi, hội giảng… nên rất cần có chuyên viên phụ trách các bậc học.