Tại kỳ họp thứ 6, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, góp ý kiến cho dự thảo Luật an toàn thực phẩm. Sau kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội. Tính đến ngày 10 tháng 5 năm 2010, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã nhận được 51 Báo cáo tổng hợp ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, ý kiến của đại biểu Quốc hội đóng góp cho dự thảo Luật An toàn thực phẩm.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Đặng Vũ Minh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu của UBTVQH. |
Về tên gọi, cơ bản các ý kiến nhất trí với dự thảo là Luật An toàn thực phẩm. Tên gọi này đã thể hiện được đầy đủ các nội dung của dự thảo Luật, phù hợp với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Cũng có ý kiến đề nghị nên gọi là Luật An toàn vệ sinh thực phẩm.
Về nội dung của dự thảo Luật, có ý kiến đề nghị nội dung của Luật cần tập trung quy định một số điểm thiết yếu trong công tác quản lý an toàn thực phẩm như ngăn chặn nhập khẩu thực phẩm không an toàn, thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm đối với hành vi vi phạm và có chế tài đủ mạnh để răn đe. Cần bổ sung quy định đối với thực phẩm nhập khẩu trong dự thảo Luật. Một số nội dung của dự thảo Luật cần cụ thể chi tiết hơn. Có ý kiến cho rằng, nên bổ sung quy định chức năng quản lý an toàn thực phẩm cho Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; bổ sung quy định về loại bao bì thực phẩm chỉ cho phép sử dụng một lần, điều kiện đối với căng-tin, bếp ăn tập thể của cơ quan, bệnh viện, trường học… từ khâu chế biến, lưu mẫu đến trách nhiệm của chủ cơ sở; quy định về ngân sách cho quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; quy định về giải quyết tranh chấp; quy định cụ thể về kinh phí lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm; quy định cụ thể hơn việc quản lý đối với các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng. Cụm từ “Bộ trưởng Bộ Y tế” dùng lặp lại nhiều lần đề nghị nên đổi thành “Bộ Y tế” để đảm bảo tính thống nhất.
Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định về đối tượng tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm là người mua bán các hoá chất bảo quản thực phẩm; biện pháp kiểm tra xử lý nghiêm những nơi sản xuất, bán các phẩm màu công nghiệp không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác; xã hội hoá công tác quản lý an toàn thực phẩm; trách nhiệm tuyên truyền giáo dục của các cơ quan chức năng quản lý về an toàn thực phẩm.
Có ý kiến cho rằng, cần có một cơ quan độc lập quản lý chất lượng ATTP như thành lập một Ủy ban quốc gia hoặc Tổng cục ATTP trực thuộc Chính phủ có đủ thẩm quyền tham mưu cho Chính phủ quản lý nhà nước về ATTP.
Về bố cục của dự thảo Luật, đại đa số các ý kiến đều tán thành với bố cục của dự thảo Luật. Một số ý kiến đề nghị lược bỏ một số điều, khoản, mục có nội dung trùng lặp như điểm a khoản 5 của Điều 5 có nội dung trùng với khoản 1 và 2 của Điều 45; khoản 8 của Điều 5 có nội dung trùng với điểm c khoản 1 của Điều 20; các khoản 11, 12, 13, 14 của Điều 5 cần quy định ngắn gọn hơn vì có nội dung đã được quy định tại Chương V, Chương VII và một số quy định tại các khoản này trùng với quy định tại mục 4 Chương IV; đề nghị bỏ Điều 33 vì nội dung của Điều này đã được quy định tại Điều 62. Có ý kiến cho rằng nên quy định một chương riêng về quản lý an toàn thực phẩm thức ăn đường phố, tách riêng quy định về điều kiện người chế biến, nhân viên phục vụ của cơ sở kinh doanh dịch vụ thức ăn đường phố và người kinh doanh thức ăn đường phố thành những điều luật cụ thể và không ghép chung với các quy định về dụng cụ nấu nướng, ăn uống, điều kiện chế biến kinh doanh dịch vụ ăn uống
Về chính sách của Nhà nước về an toàn thực phẩm, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định cụ thể hơn chính sách hỗ trợ cho nông dân sản xuất thực phẩm an toàn; chính sách hỗ trợ cho xây dựng cơ sở giết mổ tập trung; chính sách khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; chính sách khuyến khích, hỗ trợ, duy trì sản xuất, kinh doanh đối với làng nghề thực phẩm truyền thống có thương hiệu nổi tiếng; quy định chế độ đãi ngộ, tập huấn bồi dưỡng kiến thức đối với lực lượng chuyên trách thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra trong quản lý an toàn thực phẩm; chính sách hỗ trợ đầu tư và khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, xã hội hóa công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh ký kết các điều ước, thỏa thuận quốc tế về công nhận, thừa nhận lẫn nhau về lĩnh vực thực phẩm giữa Việt Nam và các quốc gia, tổ chức quốc tế.
Có ý kiến đề nghị nên bổ sung quy định chính sách “Khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thực vật thay thế các sản phẩm có nguồn gốc động vật”; bổ sung quy định rõ những thực phẩm được khuyến khích nhập khẩu, bổ sung quy định về khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân, kinh doanh thực phẩm an toàn và xử phạt đối với tổ chức, cá nhân vi phạm.
Có ý kiến đề nghị bỏ quy định “việc bán thực phẩm phải được thực hiện tại các chợ trung tâm, các cửa hàng và các địa điểm cố định theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” vì quy định này chưa phù hợp với các hoạt động buôn bán thực phẩm nhỏ lẻ trên đường phố.
Một số ý kiến cho rằng, cần bổ sung quy định theo hướng "Từng bước thành lập thêm các phòng thí nghiệm khu vực tại các tỉnh, đầu tư nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ phục vụ việc phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm; nâng cấp một số phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, đồng thời nâng cao năng lực của các phòng thí nghiệm phân tích hiện có, tiến tới, mỗi tỉnh, thành phố có 01 phòng thí nghiệm đủ năng lực phân tích, xác định được các tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm".
Có ý kiến đề nghị sắp xếp theo trình tự các cụm từ như sau GAP, GHP, GMP, HACCP tại khoản 4; tách riêng nội dung tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức người dân về tiêu dùng thực phẩm an toàn ở khoản 7 để xác định rõ chính sách của nhà nước đối với công tác này. Có ý kiến cho rằng quy định thực hiện lộ trình bắt buộc áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tiên tiến là khó khả thi.
Đảm bảo sức khoẻ cho con người, trong đó chú trọng đến an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết. Vì vậy, việc kiểm tra và quản lý thực phẩm có vai trò quan trọng cần được nhấn mạnh kỹ hơn trong dự thảo Luật An toàn thực phẩm. Đó là ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận.
Trong phiên thảo luận về Dự thảo Luật An toàn thực phẩm, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật đã làm rõ vai trò và trách nhiệm của các Bộ, ngành chức năng của Nhà nước đối với vấn đề an toàn thực phẩm, tránh tình trạng quy định chung chung, không có ai chịu trách nhiệm chính khi vụ việc xẩy ra. Ba bộ chính được một số đại biểu đề nghị sẽ là đầu mối giám sát và chịu trách nhiệm trong vấn đề an toàn thực phẩm là: Bộ Y tế, Bộ Công thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, trong dự thảo Luật chưa đề ra cụ thể cơ chế phối hợp giữa các bên, bởi vấn đề an toàn thực phẩm đòi hỏi cả một quá trình quản lý chặt chẽ của các Bộ, ban, ngành ngay từ đầu. Cụ thể là quản lý từ khâu sản xuất, vận chuyển, phân phối, quảng cáo… tránh trường hợp khi xảy ra vụ việc mới tiến hành điều tra mà không có hệ thống giám sát cụ thể, thường xuyên ở cấp nhà nước giữa các Bộ, ban ngành liên quan.
Nhiều đại biểu cho rằng, Luật An toàn thực phẩm sẽ thiếu sót nếu không đề cập những chế tài quy định cụ thể việc xử phạt hay bắt buộc thu hồi sản phẩm sau khi phát hiện thực phẩm không đảm bảo chất lượng. Việc thực hiện thu hồi những sản phẩm không đảm bảo còn có tính răn đe, gián tiếp ngăn chặn những cơ sở sản xuất kinh doanh đưa ra thị trường những thực phẩm có chất lượng tồi hoặc không đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn.
Quang Anh