Trong lời tựa “Gió đầu mùa”, Thạch Lam tuyên ngôn: “Đối với tôi văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc một sự thoát li hay sự quên; trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch, phong phú”.
Tự chọn cho mình một lối đi riêng trong dòng văn học 1932 - 1945, Thạch Lam đã mang đến cho thế giới văn chương “cái đẹp man mác khắp vũ trụ”. Cùng thời điểm đó, nếu như Nguyễn Tuân là người đi tìm cái đẹp truyền thống của quá khứ vang bóng một thời với những thú chơi thanh tao như uống trà, chơi hoa, thả thơ, đánh thơ… thì Thạch Lam lại kiếm tìm cái đẹp “len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường”.
Văn chương là địa hạt của hình ảnh. Những hình ảnh không chỉ đơn giản dệt nên sự vật mà còn rót vào lòng người đọc những tình cảm, cảm xúc cao đẹp mà ý nghĩa biểu tượng của nó mang lại. Thạch Lam đã mang đến sáng tác của mình những hình ảnh quen thuộc, gần gũi mà đầy sức ám ảnh. Đó là ánh sáng và bóng tối nơi phố huyện nghèo, là hình ảnh đoàn tàu mang theo ánh sáng, hơi ấm và ước mơ…
Chiếc áo bông cũ trong truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” là một hình ảnh đẹp như thế. Giản dị như chính tên gọi nhưng ẩn chứa sau đó là vẻ đẹp lấp lánh ánh lên của tình người, của lòng tự trọng. Ở mỗi phần của câu chuyện, chiếc áo bông cũ với hành trình của mình lại mở ra những vẻ đẹp khác nhau của các nhân vật, thể hiện những ý nghĩa khác nhau.
Kỉ vật tình thân
Truyện mở đầu bằng cảm nhận tinh tế, nhạy cảm của Sơn về không gian, thời gian của mùa Đông đến mà không kịp báo trước. Cái lạnh bao trùm mọi cảnh vật, mang cái giá rét về khắp đất trời “trời không u ám, cây lan trong chậu sắt lại vì rét”. Cái lạnh ùa vào trong nhà khiến Sơn cũng thấy lạnh, vội vơ lấy cái chăn trùm lên đầu. Trong không gian cái lạnh bủa vây rét mướt, đống quần áo rét xuất hiện trên đầu phản trong nhà. Và chiếc áo của em Duyên xuất hiện một cách tự nhiên như thế “một cái áo bông cánh đã cũ nhưng còn lành lặn” qua cuộc trò chuyện của mẹ và vú già.
Chiếc áo bông đã đánh thức hồi ức về Duyên - đứa em gái bé của Sơn. Một hồi ức buồn chứa đầy nỗi đau đớn, xót xa của quá khứ. Đứa em gái chết từ năm lên bốn tuổi. Cái áo bông cánh như thế, tự bản thân nó đã là một câu chuyện. Cái áo bông là tình cảm yêu thương trọn vẹn nhất mà người mẹ dành cho Duyên trong những ngày mùa Đông lạnh giá.
Đó là hiện thân của tình mẹ ấm áp. Khi Duyên mất, chiếc áo trở thành kỉ vật gợi nhắc những đau thương, mất mát của gia đình về đứa em gái xấu số. Người mẹ lặng lẽ “rơm rớm nước mắt”. Người vú già xót xa, nhung nhớ “với lấy cái áo lật đi lật lại ngắm nghĩa, tay mân mê”. Còn Sơn “nhớ em, cảm động và thương em quá”.
Hàng loạt những câu văn liên tiếp bộc lộ nỗi niềm, tâm trạng của những người ở lại. Dường như trong không gian của căn nhà nhỏ, cái rét mướt của thời tiết càng khiến cho lòng người thêm khoảng lặng xót xa, chua chát, trống vắng về một nỗi đau khó có thể nguôi ngoai.
Nhưng hơn hết người đọc thấu hiểu sự ấm nóng của trái tim, sự ấm nóng của tình cảm của gia đình dành cho Duyên. Tình thương, tình thân được mở ra từ đó. Trong đời sống gia đình, những kỉ vật của người thân đặc biệt là những người đã khuất bao giờ cũng có ý nghĩa thiêng liêng. Kỉ vật đó chính là mối liên hệ, gắn kết chặt chẽ, bền vững sợi dây tình cảm gia đình. Chiếc áo bông cũ đã thể hiện trọn vẹn ý nghĩa đẹp đó.
Ảnh minh họa: ITN |
Món quà tình bạn
Kỉ vật của gia đình, tình thân không chỉ thắp lên ngọn lửa yêu thương trong trái tim nhỏ của mỗi người trong gia đình mà còn thắp lên sự ấm áp cho cô bạn xóm nghèo. Theo mạch truyện, câu chuyện được tiếp diễn với một không gian mới. Từ không gian trong nhà, không gian của chợ huyện trong một ngày chợ vắng được vẽ ra với những chi tiết “cái quán chơ vơ lộng gió, rác bẩn rải rác lẫn với lá rụng của cây đề”.
Cái rét của mùa Đông với những cơn gió thổi mạnh khiến người ta thấy lạnh và cay mắt. Trong không gian đó, hình ảnh những đứa trẻ con xóm nghèo hiện lên rõ nét. Những đứa trẻ bất hạnh khi trời Đông giá rét thấu vào da thịt không có lấy một manh áo đủ ấm. Những đứa trẻ đáng thương khi trời Đông giá rét chỉ biết khao khát thèm ước chiếc áo bông của người khác.
Trang phục của thằng Cúc, con Túc, là những bộ quần áo “đã rách vá nhiều chỗ” còn Hiên thì “rách tả tơi, hở cả lưng và tay” khiến chúng “môi tím lại… da thịt thâm đi”; “mỗi cơn gió đến, chúng lại run lên, hàm răng đập vào nhau”. Những manh áo đó hoàn toàn đối lập với chiếc áo mới ấm áp của Sơn - “cái áo dạ chỉ đỏ lẫn áo vệ sinh, ngoài lại mặc phủ cái áo vải thâm dài”.
Gió càng lạnh lại càng làm nổi bật cái phận nghèo hèn của chúng, càng làm nổi bật khoảng cách giàu nghèo giữa những đứa trẻ. Tuy nhiên, điều mà Thạch Lam hướng tới không phải khắc họa hiện thực xót xa, phũ phàng ấy mà làm nổi bật cái đẹp tình người ấm áp của những tâm hồn trẻ thơ. Trước cơn gió lạnh đầu mùa, trước dáng vẻ đáng thương của Hiên - người trạc tuổi Duyên, Sơn thấy động lòng thương.
Tình thương của một đứa trẻ thật tự nhiên và chân thật biết bao. Tình thương ấy đã tiếp tục một hành trình ý nghĩa nhân văn khác của chiếc áo bông: “Hay là chúng ta đem cho nó cái áo bông cũ chị ạ”. Từ ý nghĩ đến hành động, chị Lan nhanh chóng hăm hở về nhà lấy áo.
Một ý nghĩ nhỏ, một hành động nhỏ của hai đứa trẻ nhỏ lại làm sáng bừng lên ý nghĩa thực sự lớn lao. Đó là khoảnh khắc đẹp của tình người, của ánh sáng thiện lương trong tâm hồn. Đó là nét đẹp của truyền thống dân tộc “Lá lành đùm lá rách”. Chiếc áo đã trở thành món quà của tình bạn, biểu tượng hơi ấm của tình thương trong sáng.
Chiếc áo dù đã cũ nhưng đã sưởi ấm cho cô bé Hiên đang co ro vì lạnh, đã mở ra tấm lòng giàu trắc ẩn của hai chị em Sơn, đã gắn kết sợi dây tình bạn thêm khăng khít, bền chặt. Chiếc áo đã thắp lên ngọn lửa niềm vui, hạnh phúc của cả người cho lẫn người nhận.
Tuy tác giả không miêu tả cảnh tặng áo giữa những đứa trẻ như thế nào nhưng tin chắc rằng, mỗi người đọc đều có thể hình dung, tưởng tượng ra được nụ cười, ánh mắt ánh lên niềm vui của những đứa trẻ. Gió càng lạnh thì sự ấm áp của những trái tim vàng càng tăng lên gấp bội. Cái đẹp của tình người cứ thế nhẹ nhàng xua tan đi những giá lạnh của mùa Đông.
Tác phẩm “Gió lạnh đầu mùa”. Ảnh minh họa: ITN |
Nét đẹp của tự trọng
Ở phần cuối truyện, chiếc áo bông mà Lan và Sơn đã tặng cho Hiên, nay lại xuất hiện qua chi tiết “mẹ con Hiên đang ngồi ở cái ghế con trên đất trước mặt mẹ, tay cầm cái áo bông cũ”.
Hành trình của chiếc áo bắt đầu từ một kỉ vật gắn liền với em Duyên đến món quà tặng cho Hiên, rồi khép lại với hành động trả áo của người mẹ: “Tôi về thấy cháu nó mặc cái áo bông tôi hỏi ngay. Nó bảo của cậu Sơn cho nó. Tôi biết cậu ở đây đùa, nên tôi phải vội vàng đem lại đây trả mợ”. Chỉ với chi tiết này, chiếc áo bông cũ đã góp phần mở ra nét đẹp tự trọng của một người mẹ nghèo, quanh năm đi mò cua bắt ốc.
Mẹ Hiên không muốn phiền lụy đến ai, càng không muốn lợi dụng tấm lòng ngây thơ của hai chị em Sơn. Đó là hành động “đói cho sạch, rách cho thơm” của người mẹ hiểu chuyện, thấm thía bao lẽ ở đời. Hành động ấy khiến cho độc giả nhớ đến sự từ chối gần như hách dịch của lão Hạc trước sự giúp đỡ của ông giáo trong “Lão Hạc” của Nam Cao.
Dường như với thân phận con sâu, cái kiến bé nhỏ trong xã hội xưa, dù có bị cái nghèo, cái đói bủa vây, dù có bị dồn vào bước đường cùng của số phận thì những người nông dân như mẹ Hiên, như lão Hạc vẫn giữ trọn tấm lòng tự trọng đáng quý, đáng kính.
Trong bài viết “Khi đồ vật là nhân vật”, Phạm Thị Phương chia sẻ: “Là phần thiết yếu của đời sống, thế giới đồ vật gắn bó với con người ở cả bề vật chất lẫn tinh thần, càng ngày càng khẳng định được vai trò như một loại hình nhân vật văn học giàu giá trị biểu cảm, có sức sống và quyền năng đặc biệt”.
Chiếc áo bông trong “Gió lạnh đầu mùa” đã khép lại hành trình mang vẻ đẹp giàu tính nhân văn trong câu chuyện nhưng sẽ tiếp tục sức sống và quyền năng đặc biệt của nó trong dòng chảy của thời gian, của văn chương.
Với vẻ đẹp của nó, chiếc áo bông đã gõ cửa trái tim, khơi dậy trong lòng mỗi người những rung cảm đẹp đẽ về tình yêu thương và sự chia sẻ “Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người yêu người sống để yêu nhau” (Tố Hữu). Với câu chuyện của nó, chiếc áo bông đã “đề nghị một cách sống” (Phạm Văn Đồng) đẹp ở đời.
Trong những ngày Đông rét mướt, lật mở từng trang văn của Thạch Lam, sống cùng với thế giới hình ảnh trong truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa”, người đọc sẽ được sưởi ấm bằng những tâm hồn trẻ thơ trong sáng, thuần khiết và giàu lòng nhân ái.
Cái đẹp trong những trang viết của ông thấm đẫm chất thơ. Đó là cái đẹp của thiên nhiên, vũ trụ trong một buổi chiều êm đềm mà rực rỡ với Mặt trời sắp lặn, ánh Mặt trời loang loáng trên một khúc sông; của đêm muộn với hàng nghìn ngôi sao lấp lánh trên bầu trời, đầy những hương thơm lạ…
Đó là cái đẹp của lòng người với những rung cảm sâu xa, tinh tế trong tâm hồn như khát khao ước mơ của hai đứa trẻ; giây phút chợt đến của tình phụ tử “rung động như một cánh bướm non”…
Đó đều là những vẻ đẹp giản dị được nhà văn khám phá, khai thác từ chất liệu hiện thực cuộc sống đời thường. Với chủ trương phát hiện cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, ngòi bút Thạch Lam đã lặng lẽ, tỉ mỉ, tìm đến những “cái rất nhỏ, rất đẹp” với những hình ảnh rất nhỏ, rất đẹp như thế.