1. Hòa cùng dòng chảy của con sông Tự Lực văn đoàn thời kỳ Mặt trận dân chủ, Thạch Lam đã “lặng lẽ hướng ngòi bút về phía những người nghèo khổ với tấm lòng trắc ẩn thương xót chân thành”. Và với trái tim hiểu đời sâu sắc và “điềm tĩnh vô cùng, ông đã chuyển tải tỉ mỉ những cái rất nhỏ và rất đẹp, những cảm tình cảm giác cỏn con nảy nở và biểu lộ đủ các hạng người, mà ông tả một cách tinh vi” (3).
Dưới con mắt Thạch Lam, đời sống của những người lao động cùng khổ nhất ở nông thôn, thành thị và đời sống của những tiểu tư sản nghèo được trực tiếp đưa vào tác phẩm với niềm xót thương và sự cảm thông vô hạn.
Đặc biệt là người phụ nữ và trẻ em nghèo. Điều này một mặt phụ thuộc vào cái nhìn, cách cảm của Thạch Lam trước cuộc đời, trước con người. Mặt khác, nằm trong quan niệm nghệ thuật của ông.
Đó là quan niệm về cái đẹp mà suốt quãng đời ngắn ngủi, ông luôn đi tìm và chắt chiu từng mẫu nhỏ. Một thế giới bình dị nhưng đa dạng. Khác với Ngô Tất Tố, Nam Cao, không khí truyện Thạch Lam ít ngột ngạt và cùng quẫn. Nó tĩnh lặng và thăng trầm. Trong đấy, thiếu đi cái bề bộn dữ dội của cuộc giao tranh giai cấp, cái đói và cái chết, sự tha hóa diễn ra trong đời sống. Bởi Thạch Lam tin rằng:
Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường. Cái đẹp chăm chú phát hiện chính là cái đời sống bên trong, đời sống tâm hồn – đó là tình thương, lòng trắc ẩn, sự vị tha giữa người với người, giữa người với loài vật.
Vâng, Thạch Lam là nhà văn có khả năng tái tạo những rung động tâm hồn con người nhiều khi chỉ “khẽ như cánh bướm”. Cái khả năng ấy chỉ có thể có ở một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế cao độ. Bằng sức mạnh trực giác, văn Thạch Lam trong sáng mà không đơn giản, đa nghĩa mà vẫn tự nhiên.
Điểm nổi bật của văn ông là lối văn có nhịp điệu, không gấp gáp, xô bồ mà tự tại – đó chính là nhịp điệu tâm hồn con người trong sự hài hòa với xã hội, thiên nhiên.
Mô típ quen thuộc hay là một kiểu cấu trúc truyện trở đi trở lại trong truyện Thạch Lam là nhịp cầu tâm tưởng giao nối giữa thôn quê và thành phố: Dưới bóng hoàng hôn; Trở về; Người bạn trẻ; Tình xưa ...; tần số xuất hiện và sự lặp đi lặp lại các chủ đề và cấu trúc ấy có vẻ vô thức và tự nhiên nhưng lại hé mở cho ta nỗi ám ảnh khắc khoải trong ý thức và tâm hồn Thạch Lam.
Với ông, bối cảnh thành thị chưa hề đem lại hạnh phúc cho nhân vật:Tối ba mươi; Đói; Người bạn trẻ;... hoặc đó là nơi con người đang đánh mất mình: Sợi tóc; Một cơn giận; Người bạn cũ...; còn cái khung cảnh thôn dã kia là cuộc sống tối tăm ngưng đọng sau lũy tre xanh.
Mùi đất quê hương ẩm mốc, cũ kỹ, cái bùa vóc nhiễu xanh đỏ quê mùa chỉ làm tan vỡ nhanh thêm một mối tình mới chớm: Tình xưa. Sau vầng ánh sáng chói lòa của chuyến tàu vượt qua, hai chị em Liên lại âm thầm sống với những đốm lửa đèn dầu hét hiu của phố huyện tồi tàn.
Dường như trong hàng loạt truyện ngắn: Nắng trong vườn; Đêm sáng trăng; Trở về; Tình xưa...; Thạch Lam đã tạo ra sự ngăn cách vô hình những khắc nghiệt giữa thành thị với nông thôn, qua chuyện tình yêu giữa những cô thôn nữ với những chàng trai tỉnh thành. Bởi vì Thạch Lam nhận thấy từ đầu, hình như cái khoảng cách ấy, không dễ gì xóa bỏ được nên những mối tình dù say đắm đến đâu cuối cùng đều dẫn đến chia ly, mà không chia ly thì cuộc sống cũng đầy những bất hạnh.
Tìm hiểu truyện ngắn Thạch Lam viết về người tiểu tư sản, người ta thấy nhà văn thường trở đi trở lại mô típ này: Người tiểu tư sản thành thị vốn lớn lên ở quê, nay trở về thăm lại quê hương, sống lại với cảnh cũ ngày xưa: Trở về; Dưới bóng hoàng lan; Cuốn sách bỏ quên; Người tình cũ...
Phần lớn nhân vật trong mô típ Trở về quê hương đều có tâm trạng thiết tha gắn bó với cảnh cũ người xưa. Họ tìm thấy ở quê hương, nơi họ từng sinh ra và lớn lên có nhiều vẻ đẹp tượng trưng cho sự trong sạch và bình dị trong tâm hồn nhưỡng người lành mạnh.
Mặt khác, trong truyện Thạch Lam, người ta còn bắt gặp hình ảnh phố huyện, chợ huyện: Hai đứa trẻ; Cô hàng xén; Nhà mẹ Lê... Đó là một bức tranh về cuộc sống của dân nghèo trong xóm chợ nơi ngoại ô, ngõ hẻm không hề được phủ bằng một màn sương thi vị.
Những số phận nhọc nhằn bi đát với một viễn cảnh mờ mịt đen tối vẫn là kết cục chung cho hầu hết các tác phẩm viết về người nông dân lao động khổ cực của Thạch Lam. Cái chết mẹ Lê để lại đàn con gầy còm ngơ ngác là một kết cục bi thảm.
Đôi khi, cốt truyện Thạch Lam nhẹ nhàng nhưng ẩn sâu bên trong là một khoảng lặng để người đọc tự tìm hiểu. Đó là tâm trạng hai cô gái giang hồ trong Tối ba mươi. Họ dường như chỉ biết cúi đầu trước số kiếp và chai lì mọi cảm xúc vì phải lấy thân xác ra làm hiện vật buôn bán trong cái xã hội mà tiếng nói của đồng tiền là tiếng nói duy nhất.
Hơn nữa, trong một số truyện thuộc vào dạng hay nhất của ông, kết thúc truyện tô đạm cái quá trình bần cùng không lối thoát của nhân dân lao động trong xã hội cũ: Cô hàng xén; Đói; Hai đứa trẻ...
Cách sắp xếp cốt truyện Thạch Lam đơn giản, ít kịch tính. Người đọc theo dõi câu chuyện thông qua diễn biến tâm lý của nhân vật. Những nhân vật Thạch Lam cũng lặng lẽ, u buồn sống khép mình trong cái thế giới nhỏ nhoi không có gì gọi là hạnh phúc.
2. Theo Thạch Lam, “nhà văn có biệt tài là nhà văn đã diễn tả đúng và thấu đáo cái tâm lý uyển chuyển của con người(4). Đã là nhà văn – nhà nghệ sĩ thì cần phải có con mắt tâm hồn để soi thấu bộ mặt tâm hồn. Chính điều này, ông dánh giá cao những người viết có khả năng “Tìm đến được cái bí mật không tả được ở trong mỗi con người” (5) và chán ghét thứ văn chương chỉ chú trọng đến những mối quan hệ bên ngoài.
Thế mới biết, Thạch Lam là nhà văn hướng nội. Hướng đi vào tâm lý rất hiện đại. Với ông, tâm lý trở thành cái bí mật lớn nhất cần tìm hiểu. Khả năng phản ánh hiện thực của truyện ngắn tâm lý rất lớn, tiêu biểu là Hai đứa trẻ... Đây là loại truyện ngắn không có chuyện.
Toàn truyện không hề có hành động phát biểu, xung đột, mà chỉ toát lên một tâm trạng, tù đọng, mòn mỏi của hiện thực như đã tìm thấy một biểu hiện tuyệt vời. Nó toát lên từ không khí, khung cảnh, từ toàn bộ thiên truyện. Người đọc mỗi khi muốn hình dung ra đời sống tinh thần của con người trước năm 1945 sẽ nhớ đến Hai đứa trẻ.
Môi trường sinh hoạt của nhân vật Thạch Lam hẹp, tách hẳn với thế giới rộng lớn bên ngoài cuộc đời. Họ thật bé nhỏ và tội nghiệp. Họ thường nép mình trong bóng tối của một không gian hẹp, thường tìm kiếm nơi ẩn náu ấm áp trong gia đình, giữa bốn bức tường hoặc trong sân vườn – có nghĩa là tách khỏi cuộc đời, khỏi xã hội đầy bất trắc bên ngoài.
Từ đó, con người mới nhận hết về mình và về cuộc sông xung quanh. Dường như họ thu mình trước thực tại để xót mình và thương mình, để buồn rầu hồi tưởng về quá khứ. Họ không dám nhìn về tương lai, mà mang nặng một mặc cảm mờ mịt trong lòng nghĩ về mai sau.
Mặt khác, Thạch Lam đã chứng tỏ tài năng và sự nhạy cảm tuyệt vời của mình, khi để nhân vật đi trên ranh giới quá mỏng manh phân chia hai phần nhân tính và thú tính trong mỗi con người ở tác phẩm Sợi tóc. Truyện Một cơn giận, ông lại phê phán tâm lý nhân vật từ một góc độ khác: Mặt sinh học của con người. Truyện mở đầu bằng câu: “Sự giận dữ có thể sai khiến người ta làm những việc nhỏ nhen không ai ngờ”. Và khép lại bằng cảnh gia đình nghèo khổ kia tan tác mỗi người mỗi nơi.
Tất cả do sự giận dữ không đâu của người gây nên tai họa. Tác giả mượn lời nhân vật kết luận “Người ta có thể tàn ác một cách rất dễ dàng”, vì thế hầu hết nhân vật truyện ngắn Thạch Lam nhiều phần không rõ tính cách, chỉ bộc lộ tâm trạng, những nét tâm lý. Đó là những nhân vật nội tâm hơn là những con người ngoại hiện. Họ có tâm hồn tinh tế, sống nhiều với chính mình, thường yên lặng để tự cảm về mình, giàu cảm xúc nhưng ít hoạt động.
Một tác phẩm của Thạch Lam
(1,2) : Nguyễn Tuân: “Tuyển tập Thạch Lam” - Nhà xuất bản Văn Học H. 1988.
(3) : Vũ Ngọc Khoan: “Nhà văn Việt Nam” - NXB Khoa học xã hội H. 1989.
(4,5) : Tuyển tập Thạch Lam, NXB Văn học H. 1988.