Nhà văn Thạch Lam những câu chuyện vang bóng thời gian

GD&TĐ - Cội rễ làm nên sức sống bất diệt của tác phẩm văn chương là tài năng, ân tình người cầm bút. Văn chương khơi nguồn từ trái tim sẽ đi đến những trái tim để rồi người ta nhớ mãi không quên.

Ảnh minh họa. Nguồn: IT
Ảnh minh họa. Nguồn: IT

Ba mươi hai tuổi đời, chưa đầy sáu năm cầm bút, Thạch Lam góp vào vườn hoa muôn sắc của nền văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX những truyện ngắn mang giọng điệu riêng, chan chứa ân tình, đằm thắm yêu thương in bóng trong tâm hồn biết bao thế hệ.

“Nhà mẹ Lê”, câu chuyện nhói lòng

Truyện Thạch Lam có sự hòa quyện của hai yếu tố: Hiện thực và lãng mạn. Với “Nhà mẹ Lê”, chất lãng mạn dường như mất hẳn, thay vào đó là bức tranh hiện thực cuộc đời đau nhói, xót xa. Bối cảnh của truyện là một “phố chợ tồi tàn, hai dãy nhà lụp xụp, mái tranh xuống thấp gần đến thềm, che nửa những cái chái nứa đã mục nát”.

Người dân phố chợ là những kẻ ngụ cư trôi dạt đến đây, bươn chải, kiếm sống qua ngày. Thương nhất là nhà mẹ Lê, một gia đình có người mẹ với mười một đứa con, đứa lớn nhất mới có mười bảy tuổi. Đứa bé nhất hãy còn bế trên tay. Người đàn bà quê thấp bé nặng trĩu đôi vai gánh nặng mưu sinh nuôi đàn con dại.

Chật vật, khó khăn, đầu tắt mặt tối từ tinh sương làm thuê, làm mướn cũng không đủ nuôi con. Cái đói luôn rình rập người mẹ khổ và những đứa trẻ nghèo bất kì lúc nào. Tội nghiệp, xót xa cho những kiếp đói rách, bần hàn.

Khoảnh khắc ám ảnh nhất của câu chuyện là mùa rét năm ấy “giá lạnh và mưa gió lầy lội”. Thương đàn con ôm chặt lấy nhau rét run trong căn nhà ẩm ướt, tối tăm và cũng vì nhịn đói suốt buổi, người mẹ đông con ấy đã hai lần “liều mạng” vào nhà ông Bá xin chút gạo với hi vọng đàn con có chút gì lót dạ.

Ngán ngẩm thay, gạo nhà giàu khó xin, chó nhà giàu độc dữ. Không xin được gạo, mẹ Lê còn bị người ta thả chó Tây cắn. Mẹ đau, con đói và khép lại câu chuyện là mười một đứa trẻ mồ côi trong căn nhà lạnh lẽo, âm u. Ở đó, “con Tý đang dỗ cho thằng Hy nín khóc, nói dối rằng mẹ nó đi chợ một lát sẽ về”. Nhưng tất cả chỉ là vô vọng. Mẹ Lê chết để lại đàn con côi cút, bơ vơ, căn nhà vắng sẽ càng thêm lạnh lẽo.

Cái chết khép lại cuộc đời người mẹ khổ, thương con, thế nhưng tháng ngày phía trước của đàn trẻ nhỏ sẽ chông chênh nước mắt, biết tìm ai bấu víu, nuôi nấng, chở che. Trang văn Thạch Lam khép lại, người đọc vẫn chưa nguôi ám ảnh, thương cảm, nhói đau.

Bức tranh cuộc đời sao chua xót đắng cay. Câu chuyện đẫm nước mắt được nhà văn kể lại bằng tấm lòng đôn hậu và trái tim chan chứa yêu thương sẽ soi bóng thời gian. Đâu đó quanh ta vẫn thấp thoáng hình bóng “nhà mẹ Lê” trong cuộc sống thường ngày. Cần lắm những chia sẻ, yêu thương cho cuộc đời thêm nhiều gam màu hạnh phúc.

“Sợi tóc”, ranh giới mong manh

Minh họa Hai đứa trẻ.
Minh họa Hai đứa trẻ.

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà sinh thời, Thạch Lam lấy “Sợi tóc” đặt tên cho  tập truyện xuất bản năm 1942 của ông. Dõi theo những thiên truyện của cây bút biệt tài, người ta mến yêu “Hai đứa trẻ”; cảm phục “Gió lạnh đầu mùa”; say mê “Dưới bóng hoàng lan”; cảm kích với “Cô hàng xén”... Với tôi, mỗi truyện đều có dư vị riêng, nhưng ấn tượng vẫn là “Sợi tóc” mong manh níu giữ nhân phẩm con người. Ẩn sau câu chuyện giản dị là bề sâu triết lí nhân sinh, có giá trị muôn đời.

Diễn biến của truyện xoay quanh hai nhân vật: Thành sành sỏi, thạo đời, thạo các ngón ăn chơi; Bân người anh họ giàu, rất ngốc lại keo kiệt. Một hôm, Bân rủ Thành đi cùng mua đồng hồ, sau đó họ đi ăn nhà hàng, vào tiệm cô đầu vui chơi. Bân để quên chiếc áo gần chiếc giường chỗ Thành, bên trong chiếc ví dày nhiều tiền, có những tờ bạc mới nguyên, Thành nảy sinh ý định sẽ lấy cắp mấy tờ giấy bạc một trăm.

Anh ta suy tính, dự định đâu vào đấy. Nhưng trong khoảnh khắc mong manh, Thành trả lại chiếc áo cho Bân và ra về. Truyện chỉ có vậy, cái tài của Thạch Lam là đặt nhân vật của mình vào một tình huống lựa chọn, đấu tranh gay cấn, ằng co. Ăn cắp hay không ăn cắp; giữ bản tính lương thiện của con người hay đánh đổi, làm hoen mờ nhân phẩm trước sự cám dỗ của đồng tiền. Ranh giới tốt, xấu, thiện ác mỏng mảnh như sợi tóc.

May thay, Thành vẫn giữ được lòng thiện chỉ trong khoảnh khắc mong manh. Việc Thành đổi trả chiếc áo cho Bân, nói thêm một câu “Anh đếm lại tiền đi” đã giữ lại bản tính Người của anh ta. Tính thiện thắng thế trước sự cám dỗ của lòng tham. Hành động ấy khác xa với lão huyện Hinh đểu giả, tham lam dẫm lên “Đồng hào có ma” của con mẹ nuôi tội nghiệp mà ăn cướp một cách trắng trợn. Vậy là, đời người nhiều khi cần bước qua ranh giới, ngược lại, có khi cần dừng lại trước ranh giới định mệnh mới mong giữ được thiên lương, bảo tồn thiện tâm lành vững.

Sinh thời, Thạch Lam đau đáu về sứ mệnh lớn lao của văn chương: “Đối với tôi, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo vừa thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn”.

Với truyện ngắn “Sợi tóc”, nhà văn sáng tạo nên “thứ khí giới thanh cao” làm trong sạch tâm hồn con người. Giữa bộn bền cuộc sống, trước muôn vàn những cám dỗ, hãy tỉnh táo giữ lại phẩm chất “Người trong mỗi con Người”. Vậy nên, câu chuyện nhỏ mà nhắn gửi một bài học lớn không chỉ cho tôi, cho bạn mà còn cho tất cả những người chân chính trong cõi nhân sinh.

“Hai đứa trẻ”, hiện thực và ước mơ

Sáng tác của Thạch Lam có truyện nghiêng về phía lãng mạn với những xúc cảm mong manh, mơ hồ: Nắng trong vườn, Dưới bóng hoàng lan... Có truyện nghiêng nhiều về cái gốc hiện thực: Nhà mẹ Lê; Một đời người; Tối ba mươi... Giữa lằn ranh ấy, truyện Hai đứa trẻ đã dung hòa được cả hai yếu tố. Sức hấp dẫn của truyện được thể hiện bởi sự hòa quyện giữa hiện thực và lãng mạn trữ tình. Trong bóng tối cuộc đời đè xuống, ước mơ khao khát vẫn nhen lên cho dù nhỏ bé mong manh.

Không hiểu sao mỗi lần đọc truyện, tôi luôn ám ảnh với hai chi tiết: Mở đầu “Liên ngồi lặng yên bên mấy quả thuốc sơn đen; đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần”; và khi câu chuyện khép lại “Nhưng Liên không nghĩ được lâu, mắt chị nặng dần, rồi sau Liên ngập vào giấc ngủ yên tĩnh, cũng yên tĩnh như đêm ở trong phố, tịch mịch và đầy bóng tối”.

Vậy là, xuyên suốt cả câu chuyện là bóng tối bao trùm không gian phố huyện, ôm trọn những cảnh đời nghèo khổ, chìm nghỉm trong lay lắt đáng thương. Ngòi bút của Thạch Lam vẽ nên bức tranh đời buồn thiu về cảnh chợ tàn và những kiếp người tàn quẩn quanh, chìm khuất trong bóng tối. Lần dở từng trang sách, bức tranh hiện thực ấy dần hiện lên ám ảnh, khôn nguôi.

Cảnh chợ tàn nơi phố huyện buồn đến nao lòng. Đọc mấy câu văn Thạch Lam tả cảnh chợ vãn, lòng buồn lại buồn hơn: “Chợ họp giữa phố vãn từ lâu. Người về hết và tiếng ồn ào cũng mất. Trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và lá mía”. Vẻ vẹn ba câu văn, người ta thấu tỏ cái thưa vắng, xác xơ của cảnh chợ tàn.

Đâu còn cảnh nhộn nhịp kẻ bán người mua? Âm thanh ồn ào trở nên xa xỉ. Ẩn hiện sau lời văn là tiếng thở dài, tiếc nuối ngậm ngùi cho dù chỉ là một chút ồn ào khe khẽ. Cảnh chợ tàn mang đến cho người đọc những nghĩ suy về cuộc sống đói nghèo, túng thiếu nơi phố huyện ngày nào.

Cảnh chợ tàn buồn vắng, nghĩ về những kiếp người tàn chao ôi ám ảnh, xót xa. Ngòi bút nhà văn tựa như ống kính máy quay phim chộp lại những cảnh đời, những kiếp người tội nghiệp, đáng thương nhọc nhằn gánh nặng mưu sinh. Mấy đứa trẻ nghèo nhặt nhạnh thanh nứa, thanh tre hay bất cứ cái gì có thể dùng được của các người bán hàng để lại.

Mẹ con chị Tí ngày mò cua bắt tép, tối dọn hàng nước mà ế ấm chẳng mấy ai mua, lay lắt như ngọn đèn hoa kì giữa mênh mông bóng tối. Chị em Liên trông coi gian hàng tạp hóa nhỏ xíu, buôn bán cả ngày mà có ăn thua gì. Bà cụ Thi ngửa cổ uống cút rượu ti cạn sạch đi lần vào bóng tối, trông thật xót xa.

Chiều tàn chóng qua, màn đêm buông xuống, “đường phố và các ngõ con chứa đầy bóng tối”, góp thêm vào bức tranh đời là bác Siêu với gánh phở xa xỉ, nhiều tiền nên ế ấm, không ai mua được. Vợ chồng bác xẩm với tiếng đàn bầu não nề cùng thằng nhỏ lê la ngoài manh chiếu không khỏi xót xa. Tất cả những mảnh đời, những kiếp người đều chung nhau một chữ nghèo, cuộc sống của họ mòn mỏi, quẩn quanh, buồn tẻ nơi phố huyện chứa đầy bóng tối.

Thực tại tối tăm, tương lai rất đỗi xa vời. Viết về những kiếp người tàn, Thạch Lam gửi gắm niềm thương và cả những niềm đau cho số phận người dân lao động nghèo khổ nơi phố huyện nghèo trước cách mạng. Ngòi bút hiện thực giúp nhà văn tái hiện bức tranh cuộc đời ám ảnh, xót đau. Vậy nên, truyện Thạch Lam lãng mạn, trữ tình mà vẫn trên cái gốc là hiện thực cuộc đời muôn nghìn cay đắng nhọc nhằn.

Đọc “Hai đứa trẻ”, hình như có một câu Thạch Lam thổ lộ ước mong của những kiếp người tàn giữa bóng tối cuộc đời: “Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hàng ngày của họ”. Tấm lòng đôn hậu của người cầm bút đã tìm thấy đốm sáng quý báu tỏa ra từ tâm hồn người nghèo khổ. Ước mơ thay đổi cuộc sống cho dù ước mơ ấy mong manh, mơ hồ và chưa thật rõ nét.

Chỉ biết rằng, họ muốn vượt thoát khỏi cuộc sống buồn chán, lay lắt hàng ngày. Khát khao chút gì đó tươi mới, sôi động, rực rỡ hơn. Khoảnh khắc háo hức chờ đợi chuyến tàu đêm đi qua của chị em Liên, có lẽ được coi là khoảnh khắc ước mơ. Nếu thiếu cảnh đợi tàu, chắc hẳn sức cuốn hút của văn phẩm sẽ nhạt đi không ít. Câu chuyện sẽ khép lại mà không có nhiều điều để nói, để bàn.

Thế nên truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam dài hơn sáu trang sách, cảnh đợi tàu chỉ vẻn vẹn khoảng một trang nhưng giả sử nếu thiếu đi giây phút đó câu chuyện sẽ vơi đi nhiều ý nghĩa. Đợi tàu là khoảnh khắc hệ trọng bậc nhất trong ngày buồn lê thê với người dân phố huyện, nhất là với chị em Liên và An.

Nhà văn đã rất kì công trong miêu tả sự xuất hiện của đoàn tàu. Khởi đầu là ánh sáng của đèn ghi, rồi tiếng còi xe lửa ở đâu vang lại, rồi đoàn tàu rầm rộ đi tới, các toa đèn sáng trưng, tiếng ồn ào của hành khách... Tất cả chỉ trong một khoảnh khắc nhưng lại được nhà văn miêu tả trong sự chờ đợi háo hức, sự hân hoan vui mừng và cả sự hụt hẫng tiếc nuối của chị em Liên và An.

Con tàu là hình ảnh của quá khứ tuổi thơ tươi đẹp, hạnh phúc. Đợi tàu để được nhìn, được mơ tưởng, để nuôi dưỡng kỉ niệm đẹp. Đợi tàu để dõi theo và cũng để mơ tưởng về một thế giới khác hẳn, cái thế giới tràn ngập ánh sáng, âm thanh, cái thế giới của ngày mai vui tươi, sôi động hơn.

Đối với chị em Liên, việc đợi tàu là cách để giải tỏa nỗi buồn. Viết về cảnh đợi tàu của chị em Liên, Thạch Lam bộc lộ miền đồng cảm xót thương đến vô hạn và quan trọng hơn, ông trân trọng nâng niu ước mơ khát vọng đổi đời của những con người sống trong bóng tối vẫn luôn khát khao hướng đến ánh sáng.

Cuộc sống cực khổ, tăm tối đến đâu nhưng khi người ta còn biết hi vọng, biết ước mơ thì vẫn còn rất đáng mến, đáng trọng xiết bao. Vậy nên, hãy nâng niu, trân trọng ước mơ cho dù nhỏ bé, mong manh xa vời của kiếp người tội nghiệp đáng thương. Trang văn khép lại còn mở ra bao suy tư trong tâm trí người đọc.

“Hai đứa trẻ” chắc hẳn là truyện ngắn in bóng đậm nét nhất phong cách văn chương Thạch Lam, truyện như một bài thơ trữ tình đầy xót thương. Ngòi bút tinh tế của nhà văn đã đi sâu khám phá diễn biến tâm lí nhân vật với những xúc cảm tinh tế, mong manh.

Đằm sâu hiện thực mà lại bay bổng lãng mạn. Hiện thực đè xuống những phận người, ước mơ lãng mạn lại nâng cánh họ bay lên để hi vọng khát khao. Song khép lại hiện thực vẫn bủa vây, bóng tối vẫn trùm lấy mọi cảnh đời nghèo khổ, lắt lay. Mỗi trang viết đều nặng trĩu ân tình của người cầm bút tinh tế, đôn hậu, đằm thắm yêu thương.

Thước đo giá trị cuộc đời đâu phải ở chỗ dài hay ngắn, ba mươi hai tuổi đời, Thạch Lam mất khi tài năng văn chương đang vươn tới độ chín. Tiếc nuối cho văn đàn dân tộc. Song, với tài năng truyện ngắn biệt tài, văn phẩm của ông vang mãi thời gian.

Đọc truyện Thạch Lam, người ta cảm thương, xót xa cho mẹ Lê chết đau, chết khổ vì con; quý trọng Thành biết dừng lại đúng lúc để không đánh mất lương tri; nâng niu ước vọng đổi đời, khát khao tìm đến cuộc sống tươi mới của người dân nghèo trong “Hai đứa trẻ”.

Những câu truyện xúc động, ám ảnh kết tinh tài năng, ân tình người nghệ sĩ. Giữa bộn bề cuộc sống hôm nay, những truyện ngắn mang dư vị riêng của nhà văn gắn bó nặng sâu với mảnh đất Cẩm Giàng - Hải Dương vẫn nuôi dưỡng bồi đắp tâm hồn, hướng người ta đến những điều tốt đẹp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.

Lắp đặt lưới an toàn ban công giá xưởng The Global City