Cảm phục thầy giáo trẻ hết lòng vì học trò vùng cao

Thương những đứa học trò Xê Đăng, Ba Na đi học trong những bộ quần áo mỏng rách bươm, thầy giáo đã lặn lội khắp nơi xin quần áo về cho trò.

Thầy Sơn (bìa phải) cùng đồng nghiệp, bạn bè đến thăm một cháu nhỏ khuyết tật - Ảnh: B.D.
Thầy Sơn (bìa phải) cùng đồng nghiệp, bạn bè đến thăm một cháu nhỏ khuyết tật - Ảnh: B.D.

Mùa đông, những ngôi trường trên các huyện vùng cao như Kon Rẫy, Kon Plông (Kon Tum) chìm trong cái lạnh tê tái. Thương những đứa học trò Xê Đăng, Ba Na đi học trong những bộ quần áo mỏng rách bươm, thầy giáo đã lặn lội khắp nơi xin quần áo về cho trò.

Thầy giáo Phùng Hoài Sơn - giáo viên Trường tiểu học xã Đắk Kôi (Kon Rẫy) - cho biết chuyện thầy đi xin áo quần, sách vở cho học trò không phải chỉ khi được phân về công tác tại Trường tiểu học Đắk Kôi mới có, mà thầy đã làm trước đó mấy năm khi mới chân ướt chân ráo vào dạy học tại xã Đắk Đring (huyện Kon Plông, Kon Tum).

Cũ người mới ta

Thầy Nguyễn Tiên Phong - hiệu trưởng Trường tiểu học Đắk Kôi - cho biết thầy Sơn là giáo viên có tấm lòng đối với học sinh vùng cao. Từ nguồn vận động, tự tay gom góp của thầy Sơn, rất nhiều học trò ở Trường Đắk Kôi và các nơi đã được giúp đỡ, giúp các em tự tin đến lớp.

Thầy Sơn kể những giờ lên lớp đầu tiên ở điểm trường xã Đắk Đring, cả thầy và trò không sao tập trung học tập được. Phía trên thầy giảng bài nhưng dưới lớp học sinh ngồi run lên từng đợt vì lạnh, nhiều em bốc mùi nặng vì phải mặc đi mặc lại một bộ quần áo. Phải làm cách nào giúp học trò bớt khổ!

Nghĩ là làm, hành trình của thầy giáo trẻ ngoài giờ lên lớp, cuối tuần lại chạy xe máy vượt hàng trăm cây số về trung tâm huyện tìm đến những người quen để xin từng bộ quần áo vào cho học trò.

“Lúc mình đi gom quần áo nhiều người cứ bật cười. Học trò đông, một mình thầy giáo Sơn sao lo nổi. Nhưng tích tiểu thành đại, có bao nhiêu quần áo, giày dép mình lấy hết, được chừng nào hay chừng đó để các em đỡ khổ” - thầy giáo Sơn nhớ lại.

Từ nguồn đóng góp quần áo cũ, giày dép của người quen, đồng nghiệp tại thành phố, cuối tuần hành trang của thầy giáo ngoài gạo, thức ăn còn nặng trĩu những bao tải quà cho học sinh.

Thầy Sơn giọng run run nhớ lại giây phút đầu tiên khi những bộ quần áo cũ đến tay học trò: “Tụi nhỏ chẳng biết mặc vừa vặn hay không, thấy thầy mở bao tải đồ là xúm đến thử quần áo. Nhiều em mặc áo dài tới mắt cá chân nhưng vẫn háo hức như vừa được bố mẹ mua quần áo mới”.

Năm 2012, thầy Sơn lại phải chia tay những lứa học trò đầu tiên của mình để về nhận công tác tại Đắk Kôi. Về nơi dạy học mới, điều kiện lại càng khó khăn. Hành trình của thầy giáo trẻ lại nặng hơn khi phải đến lớp trên quãng đường trèo đèo lội suối. Dẫu vậy, chưa một ngày cuối tuần nào thầy giáo vắng mặt ở trung tâm huyện để đi gom quần áo cho học sinh.

Cứu tinh của nhiều học trò

Chiều thứ bảy cuối tháng 9, thầy Sơn chạy xe máy từ trường ra hẹn chúng tôi tới thăm một cô học trò đặc biệt ở xã Diên Bình (huyện Đắk Tô). Điều lạ là dẫu chẳng phải học sinh do mình phụ trách, nhưng khi nghe tin em bị bệnh thầy Sơn đã lặn lội khắp nơi, vào tận TP.HCM tìm bác sĩ giỏi cứu chữa.

Trên giường, Y Thương - Trường THCS Nguyễn Du - nằm thoi thóp giữa cơn bạo bệnh. Nhiều tháng chống chọi với căn bệnh u nang buồng trứng, gan di căn đã khiến Thương gầy guộc.

Thầy Sơn cho biết cuối năm 2013 khi Y Thương đang học lớp 7 thì bất ngờ đổ bệnh. Gia đình đã chạy vạy khắp nơi, xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum điều trị nhưng được bác sĩ trả về.

Những ngày tháng đến trường của Thương khép lại, cô học trò Xê Đăng nằm giấu mình trong ngôi làng nghèo chờ đợi cái chết.

“Hôm đó mình đang dạy ở trường, biết tin từ Facebook của một đồng nghiệp, mình đứng ngồi không yên. Bạn bè mình ở TP.HCM, tại các tỉnh rất nhiều. Rồi mình gửi những dòng thông tin ấy đi và nhận được câu trả lời: phải đưa Y Thương đi TP.HCM gấp thì may ra có thể cứu sự sống cho em” - thầy Sơn kể.

Cất công chạy xe máy hàng trăm cây số để tìm đến nhà Thương, nhưng Thương đã gần như hết hi vọng. Cô học trò chỉ nằm trong góc giường và khóc, không chịu nghe bất cứ lời khuyên nào.

“Người ta nói bệnh em không chữa được, em phải nằm đây thôi, có đi nữa thì bố mẹ cũng không có tiền đâu” - Thương nghẹn giọng khi gặp thầy Sơn.

“Thầy sẽ kể cho em nghe một câu chuyện về chính đồng nghiệp của thầy. Người ấy bị bệnh như em, cũng từng từ bỏ hi vọng nhưng sau đó đứng dậy về TP.HCM điều trị, giờ đã khỏe mạnh và trở lại lớp với học trò. Em phải tin thầy ngồi dậy vào TP.HCM chữa bệnh rồi khỏe lại để đi học” - thầy Sơn nói. Còn cô học trò thì quay mặt ra khóc nức nở.

Chiều 28/9, thầy Sơn gọi điện thoại cho chúng tôi trong háo hức: “Thương và mẹ đã lên xe về TP.HCM điều trị bệnh rồi. Cầu mong điều kỳ diệu sẽ đến. Mình đã kết nối được một người bạn dưới đó, họ nhận hỗ trợ toàn bộ chi phí điều trị, đi lại cho mẹ con Thương”.

Không chỉ Y Thương mà đến nay đã có hàng chục học trò vùng cao lâm bệnh, tàn tật được thầy Sơn giúp đỡ, đưa đi điều trị. Thầy Sơn cho biết mỗi lần gặp một hoàn cảnh khó khăn nào của học trò thầy lại chia sẻ thông tin lên Facebook. Ở thành phố, những dòng thông tin ấy nhanh chóng được chuyển đi và tất cả đều có phản hồi.

Cháo dinh dưỡng cho học trò nghèo

Ngoài việc giúp đỡ những học trò nghèo của mình, đều đặn hằng tháng thầy Sơn lại cùng đồng nghiệp vượt đường ngược lên các ngôi trường vùng xa để tự tay nhóm củi nấu cháo, tổ chức các bữa ăn tập thể cho học sinh. 

Gạo, thịt, các loại rau quả, chén bát... được các thành viên mua và chuẩn bị sẵn từ thành phố. Về đến các trường, các thầy cô hỗ trợ bếp, xoong nồi. Những nồi cháo có thịt, cá, giàu dinh dưỡng được các thầy cô chung tay nấu để phát tới tay từng học sinh vùng cao.

Theo Tuoitre

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều hòn đảo xa xỉ ở Tây Ban Nha thu hút người giàu có và nổi tiếng.

3 hòn đảo đỉnh cao xa hoa ở Tây Ban Nha

GD&TĐ -Nhiều hòn đảo tư nhân của Tây Ban Nha, một số thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt Nga, được những người giàu có và nổi tiếng lui tới.

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.